Lào Cai: Thanh tra kéo dài, doanh nghiệp...chết

Hoàng Thanh| 08/05/2015 06:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

TAND huyện An Dương, TP. Hải Phòng đã ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, theo đó Công ty Vạn Lợi phải trả tiền cho Công ty Hoa Lợi. Thế nhưng, quá trình thi hành án bị kéo dài đã gây thiệt hại lớn cho Công ty Hoa Lợi.

Thanh tra kéo dài ở phút 89

Ngày 15/8/2010, Công ty Hoa Lợi ký Hợp đồng Kinh tế số 15/09/10/HĐKT/GVLHP-HOALOI với Công ty cổ phần luyện gang Vạn Lợi, địa chỉ An Hồng - An Dương - Hải Phòng bán 1000 tấn than coke luyện kim. Do công ty Vạn Lợi chây ỳ không thanh  toán tiền mua hàng nên công ty Hoa Lợi khởi kiện. Theo Quyết định công nhận sự thỏa thuận số 02/2012/QĐST-KDTM của TAND huyện An Dương, Công ty Vạn Lợi có nghĩa vụ phải thanh toán cho Công ty Hoa Lợi số tiền cả gốc và lãi là trên 7 tỷ đồng.

Sau đó Công ty Hoa Lợi đã làm đơn yêu cầu thi hành án. Ngày 18/7/2012, Chi cục THADS  huyện An Dương ban hành các Quyết định thi hành án, Quyết định kê biên tài sản, thông báo cho các bên liên quan đến tài sản bán đấu giá cung cấp tài liệu chứng cứ chứng minh quyền sở hữu và quyền khởi kiện ra toà.  Hết thời hạn 30 ngày, các bên liên quan là Ngân hàng và Công ty Vạn Lợi không nộp thêm được chứng cứ gì để chứng minh và cũng không khởi kiện. Cơ quan THADS huyện An Dương đã tiến hành mời cơ quan có chức năng thẩm định giá số quặng sắt đã kê biên của Công ty Vạn Lợi để tiến hành bán đấu giá, thu hồi tiền trả cho bên được thi hành án.

Bất ngờ, Thanh tra Bộ Tư pháp ra Quyết định số 08/QĐ-TTr ngày 02/4/2013, yêu cầu ngừng thi hành án để thanh tra. Nguyên nhân có công văn này là vì Công ty Vạn Lợi đang là đương sự trong một vụ án dân sự khác liên quan tới Ngân hàng BIDV – chi nhánh Bắc Hà Nội và Tổng Công ty Thép Việt Nam.

Lào Cai: Thanh tra kéo dài, doanh nghiệp...chết

Công ty Vạn Lợi gây ô nhiễm bị người dân chặn lối vào công ty

Ngày 5/4/2013 việc thanh tra bắt đầu tiến hành, sau hơn 8 tháng, đến ngày 25/12/2013 Đoàn Thanh tra mới ban hành kết luận số 23/KLTTr. Quá trình thanh tra quá thời hạn pháp luật qui định 230 ngày, cộng thêm sự chờ đợi suốt hơn 1 năm kể từ ngày có Kết luận đã khiến Công ty Hoa Lợi bị thiệt hại nặng nề. Là một doanh nghiệp miền núi, vốn ít, khiến công ty Hoa Lợi lâm vào hoàn cảnh khó khăn về tài chính, hết vốn hoạt động, phải vay mượn, cầm cố tài sản nhiều nơi để duy trì hoạt động. Trong khi đó, có lẽ nhận thấy kết luận thanh tra có dấu hiệu kéo dài, có lợi cho Ngân hàng BIDV thu hồi tài sản trước, áp lực quá lớn khiến Giám đốc Nguyễn Thị Thu, Doanh nhân tiêu biểu toàn quốc, suy sụp. Bà Thu qua đời vì trụy tim.

 Một tài sản nhiều thế chấp

Trong quá trình thụ lý hồ sơ, Chi cục THADS huyện An Dương đã làm việc với ông Hoàng Nam Hải - Giám đốc Công ty Vạn Lợi, được biết: Công ty Vạn Lợi có số quặng sắt để tại xã Long Phúc, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai là số quặng đã mua của Tổng công ty Thép nằm trong số 100.000 tấn quặng sắt đang vận chuyển về. Ngày 26/6/2012, Chấp hành viên xác minh tại Tổng công ty Thép Việt Nam thì được biết: Tổng công ty Thép Việt Nam đã bán cho Công ty Vạn Lợi 100.000 tấn quặng sắt Quý Xa; Công ty Vạn Lợi đã vận chuyển 64.045 tấn, còn lại 35.955 tấn ở trong mỏ Quý Xa, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai chưa vận chuyển đi. Ngày 11/9/2012, Chi cục THADS huyện An Dương có Công văn số 176/CCTHA gửi Trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản tại Hà Nội đề nghị cung cấp thông tin về việc Ngân hàng và Công ty Vạn Lợi có đăng ký giải chấp không - tức là xóa đăng ký hoặc điều chỉnh nội dung, tài sản đăng ký.

Văn bản trả lời của Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản tại Hà Nội chứng nhận vào lúc 11 giờ 17 phút ngày 28/9/2012 có nội dung: “toàn bộ tài sản hình thành từ vốn vay được bên bảo đảm thế chấp cho bên nhận bảo đảm theo hợp đồng thế chấp số 2010/1992426/HĐTC ngày 28/10/2010 bao gồm toàn bộ nguyên liệu (quặng sắt, than cốc…) phụ gia, trong khâu sản xuất đến thành phẩm (gang, phôi thép/thép thành phẩm…)” đã được đăng ký giao dịch bảo đảm vào lúc 10 giờ 51 phút ngày 17/12/2010…

Tuy nhiên, theo văn bản chứng nhận của Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản tại Hà Nội chứng nhận ngày 28/9/2012 thì ngoài việc thế chấp cho Ngân hàng, Công ty Vạn Lợi còn đăng ký thế chấp tài sản của mình cho Ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Hải Phòng, cụ thể là: Ngày 7/6/2011 và ngày 16/6/2011 đăng ký thế chấp 2.948,550 tấn than coke (theo Hợp đồng số 01/HĐKT/2010 giữa Công ty Vạn Lợi và Công ty than cốc khoáng sản Việt Trung) và 2.862,227 tấn than coke hoặc gang thành phẩm, phôi thép có giá trị tương đương (cùng tài sản lại đăng ký vào 02 ngày khác nhau?).

Văn bản  chứng nhận của Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản tại Hà Nội cũng thể hiện: ngoài hợp đồng thế chấp 2010/1992426/HĐTC ngày 28/10/2010 thì Công ty Vạn Lợi và Ngân hàng còn đăng ký Hợp đồng thế chấp số 2009/1992426/HĐTC ngày 28/8/2009 cũng với nội dung mô tả tài sản thế chấp là: toàn bộ tài sản hình thành từ vốn vay bao gồm toàn bộ nguyên liệu (quặng sắt, than cốc…) phụ gia, trong khâu sản xuất đến thành phẩm (gang, phôi thép/thép thành phẩm), như vậy nếu Hợp đồng thế chấp số 2009/1992426/HĐTC ngày 28/8/2009 chưa được “xóa đăng ký” thì về nguyên tắc việc đăng ký thế chấp các tài sản khác của Công ty Vạn Lợi với Ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Hải Phòng vào ngày 1/6/2010, 25/5/2010… là không đúng pháp luật. Văn bản chứng nhận của Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản tại Hà Nội cũng thể hiện Công ty Vạn Lợi có nhiều giao dịch bảo đảm được đăng ký vào thời gian khác nhau nhưng chưa được xóa, vẫn tồn tại mang tính chồng lấn mà nếu căn cứ vào việc đăng ký giao dịch bảo đảm thì khó xác định rõ tài sản được thế chấp theo những hợp đồng nào.

Hiệu quả của thanh tra

Quá trình thanh tra diễn ra trong một thời gian dài, không có kết quả khiến một trong các bên được thi hành án là Công ty Hoa Lợi bị thiệt hại nặng nề.

Thời gian quá dài đã tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty cổ phần luyện gang Vạn Lợi - Người phải thi hành án tẩu tán quặng sắt để tại bản 4 xã Long Phúc huyện Bảo Yên tỉnh Lào Cai, số tài sản quặng sắt này đã được Chi cục thi hành án dân sự huyện An Dương thông báo phong tỏa, đến nay chưa có văn bản giải tỏa. Qua Thanh tra đã phát hiện: Công ty Vạn Lợi vay tiền của BIDV Bắc Hà Nội để đầu tư nhà máy chế biến quặng sắt, sau đó lại vay tiếp vốn của BIDV để làm vốn lưu động mua quặng sắt chế biến xuất khẩu. Được ưu ái vay tiền rất lớn từ Ngân hàng  BIDV Bắc Hà Nội nhưng chính Công ty Vạn Lợi lại làm sai pháp luật như: Bán nguyên vật liệu là quặng sắt vòng vèo cho các đơn vị tư thương trong nước, thậm chí mua, bán tại Lào Cai để cho các đơn vị này bán lậu sang Trung Quốc kiếm lời, nhưng Thanh tra không đề nghị chuyển Hồ sơ cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

Rõ ràng, cho đến thời điểm này chỉ có Công ty Hoa Lợi chịu thiệt hại nặng nề mà không biết kêu ai…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lào Cai: Thanh tra kéo dài, doanh nghiệp...chết