TANDTC đã ban hành văn bản số 330/TANDTC-V1 hướng dẫn về đối tượng, điều kiện, trình tự thủ tục tiến hành xét, đề nghị đặc xá trong trường hợp đặc biệt cho người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù nhân dịp Quốc khánh.
Để thực hiện đúng và thống nhất khoản 2 Điều 5 Quyết định số 2230/2016/QĐ-CTN ngày 17/10/2016 của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2016; điểm a tiểu mục 1 Mục III, điểm b tiểu mục 2 Mục III và điểm đ tiểu mục 1 Mục IV Hướng dẫn số 325/HĐTVĐX ngày 25/10/2016 của Hội đồng tư vấn đặc xá, Báo Công lý xin giới thiệu cùng bạn đọc hướng dẫn về đối tượng, điều kiện, trình tự thủ tục tiến hành xét, đề nghị đặc xá trong trường hợp đặc biệt cho người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù nhân dịp Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/2016).
I. ĐỐI TƯỢNG XÉT ĐẶC XÁ TRONG TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT
Theo Hướng dẫn của TANDTC, đối tượng được đề nghị đặc xá trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Quyết định số 2230/2016/QĐ-CTN ngày 17/10/2016 của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2016 bao gồm:
1.1. Người Việt Nam, người nước ngoài phạm tội bị Tòa án Việt Nam kết án phạt tù đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; được phía nước ngoài (Chính phủ, Đại sứ quán, Cơ quan đại diện Lãnh sự, các tổ chức quốc tế,...) hoặc được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam (các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các Ban của Đảng) đề nghị xem xét đặc xá và xét thấy việc đặc xá cho họ là cần thiết, đảm bảo yêu cầu về công tác đối ngoại của Nhà nước.
1.2. Người bị kết án là nhân sĩ, trí thức, nghệ sỹ,...; người có chức sắc tôn giáo; người có chức vụ trong các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp...bị kết án phạt tù đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, được cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền của Việt Nam (các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các Ban của Đảng) đề nghị xem xét đặc xá và xét thấy việc đặc xá cho họ là cần thiết, đảm bảo yêu cầu về công tác đối nội của Nhà nước.
1.3. Người bị kết án phạt tù, đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù theo quyết định vẫn đang có hiệu lực của Tòa án có thẩm quyền nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Đã lập công lớn trong thời gian đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù: Là trường hợp người bị kết án đã có hành động giúp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (như: cơ quan Thanh tra, Hải quan, Kiểm lâm, Quản lý thị trường, Công an, Tòa án, Viện kiểm sát,…) phát hiện, truy bắt, điều tra và xử lý tội phạm; cứu được tính mạng của người khác hoặc tài sản có giá trị từ ba mươi triệu đồng trở lên của Nhà nước, của tập thể, của công dân trong thiên tai, hỏa hoạn; có những phát minh, sáng kiến có giá trị lớn hoặc có thành tích đặc biệt xuất sắc khác được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận.
Thực hiện quyết định đặc xá tại Trại giam Đồng Sơn, Quảng Bình
b) Là thương binh, bệnh binh; người có thành tích trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội được tặng thưởng một trong các danh hiệu: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân, Thầy thuốc nhân dân, Nghệ sỹ nhân dân, Dũng sỹ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước; được tặng thưởng một trong các loại Huân chương hoặc được tặng thưởng Huy chương kháng chiến. Người có một trong các thân nhân (như: Bố đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con đẻ, anh, chị, em ruột hoặc bố nuôi, mẹ nuôi, con nuôi hợp pháp) là liệt sỹ. Người là con đẻ, con nuôi hợp pháp của “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; con của gia đình được Chủ tịch nước, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng bằng “Gia đình có công với nước”.
c) Khi phạm tội là người chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi);
d) Là người từ 70 tuổi trở lên;
đ) Là người đang bị mắc một trong các bệnh hiểm nghèo như: Ung thư giai đoạn cuối, liệt, lao nặng kháng thuốc, xơ gan cổ chướng, suy tim độ III trở lên, suy thận độ IV trở lên, nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS đang có nhiễm trùng cơ hội, không có khả năng tự phục vụ bản thân và có tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao hoặc mắc một trong các bệnh khác được Hội đồng giám định y khoa, bệnh viện cấp tỉnh hoặc cấp quân khu trở lên kết luận bằng văn bản là bệnh hiểm nghèo, nguy hiểm đến tính mạng.
e) Là người từ 60 tuổi trở lên mà thường xuyên ốm đau, không tự phục vụ bản thân được.
Người từ 60 tuổi trở lên mà thường xuyên ốm đau là người phải nằm điều trị tại bệnh viện liên tục trong thời gian dài (từ ba tháng trở lên) hoặc không liên tục nhưng nhiều lần phải nằm điều trị tại bệnh viện (mỗi lần không dưới một tháng), không lao động, không tự phục vụ bản thân được và không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội, có kết luận bằng văn bản của Hội đồng giám định y khoa hoặc bản sao bệnh án, xác nhận bằng văn bản của Bệnh viện cấp tỉnh, cấp quân khu trở lên về tình trạng bệnh tật.
g) Người bị kết án có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và bản thân là lao động duy nhất trong gia đình: Là trường hợp người bị kết án có gia đình đang lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, không còn tài sản gì đáng kể hoặc có bố đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con ốm đau nặng kéo dài, không có người chăm sóc mà người bị kết án là lao động duy nhất trong gia đình, được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận là đúng.
h) Người bị kết án phạt tù về tội phạm ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng do vô ý là nữ giới mà đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù lần đầu vì lý do đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi (tính đến ngày 30/11/2016), nếu xét thấy việc đặc xá cho họ không làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
II. ĐIỀU KIỆN ĐƯỢC ĐỀ NGHỊ ĐẶC XÁ
2.1. Người bị kết án đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù có nơi cư trú rõ ràng (có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc đơn vị quân đội nơi quản lý người bị kết án).
2.2. Trong thời gian đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người bị kết án luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của chính quyền địa phương nơi cư trú hoặc cơ quan, đơn vị nơi quản lý (có nhận xét của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc đơn vị quân đội nơi quản lý người bị kết án); khi được đặc xá sẽ không làm phương hại đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; không gây ảnh hưởng tiêu cực tới công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của Nhà nước và địa phương.
2.3. Người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, tiền bồi thường thiệt hại, tiền truy thu, án phí và các nghĩa vụ dân sự khác, trừ những trường hợp không bị kết án phạt tù về các tội phạm về tham nhũng đã 70 tuổi trở lên hoặc từ 60 tuổi trở lên nhưng thường xuyên ốm đau hoặc người đang mắc bệnh hiểm nghèo mà bản thân người đó và gia đình không còn khả năng thực hiện.
- Người bị kết án là người chưa thành niên phạm tội mà trong bản án, quyết định của Tòa án giao trách nhiệm bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự khác cho bố mẹ hoặc người đại diện hợp pháp thì phải có đầy đủ tài liệu chứng minh bố, mẹ hoặc người đại diện hợp pháp đã thực hiện xong trách nhiệm bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự mới được xem xét, đề nghị đặc xá.
- Những trường hợp sau đây được coi là đã thực hiện xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, tiền truy thu, án phí và các nghĩa vụ dân sự khác hoặc chưa thực hiện xong nhưng vẫn được xem xét, đề nghị đặc xá nếu có đầy đủ các điều kiện khác:
+ Người bị kết án được Tòa án miễn thực hiện hình phạt bổ sung là phạt tiền, tiền truy thu, án phí.
+ Người bị kết án được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại có văn bản đồng ý xóa nợ, không yêu cầu thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại về dân sự nữa và được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc Cơ quan thi hành án dân sự đang thụ lý vụ việc đó xác nhận.
+ Người bị kết án phải chấp hành nghĩa vụ dân sự (như về cấp dưỡng) cho bên bị hại theo định kỳ hàng tháng mà tính đến ngày 30/11/2016, bản thân người bị kết án hoặc thân nhân của họ đã chấp hành đầy đủ, đúng hạn các khoản nghĩa vụ dân sự theo định kỳ mà bản án, quyết định của Tòa án đã tuyên và được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc Cơ quan thi hành án dân sự đang thụ lý vụ việc đó xác nhận.
+ Người bị kết án được Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra Quyết định đình chỉ thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
2.4. Tính đến ngày 30/11/2016, Quyết định hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù (không tính số lần ban hành quyết định) của Tòa án có thẩm quyền vẫn đang có hiệu lực thi hành đối với người bị kết án.
III. CÁC TRƯỜNG HỢP KHÔNG ĐỀ NGHỊ ĐẶC XÁ
Không được đề nghị đặc xá cho người bị kết án phạt tù đang được hoãn, tạm đình chỉ trong các trường hợp sau đây:
3.1. Bản án hoặc quyết định của Tòa án đối với người đó đang có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
3.2. Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội khác.
3.3. Trước đó đã được đặc xá.
3.4. Có từ hai tiền án trở lên (mà chưa được xóa án tích).
3.5. Phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia.
3.6. Bị kết án phạt tù về một trong các tội: Khủng bố; phá hoại hòa bình; chống loài người; tội phạm chiến tranh; chống người thi hành công vụ có tổ chức (quy định tại điểm a khoản 2 Điều 257 Bộ luật hình sự năm 1999) hoặc phạm tội nhiều lần (quy định tại điểm b khoản 2 Điều 257 Bộ luật hình sự năm 1999) hoặc xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội (quy định tại điểm c khoản 2 Điều 257 Bộ luật hình sự năm 1999) hoặc gây hậu quả nghiêm trọng (quy định tại điểm d khoản 2 Điều 257 Bộ luật hình sự năm 1999).
3.7. Bị kết án phạt tù từ 10 năm trở lên đối với tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người do cố ý.
3.8. Bị kết án phạt tù từ 07 năm trở lên đối với tội cướp tài sản, cướp giật tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, sản xuất trái phép chất ma túy, mua bán trái phép chất ma túy, chiếm đoạt chất ma túy.
3.9. Bị kết án phạt tù (theo bản án) thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Giết người có tổ chức (quy định tại điểm o khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự năm 1999);
- Giết người có tính chất côn đồ (quy định tại điểm n khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự năm 1999);
- Cố ý gây thương tích có tổ chức (quy định tại điểm e khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999) hoặc có tính chất côn đồ (quy định tại điểm i khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999) hoặc phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người (quy định tại điểm c khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999);
- Hiếp dâm có tính chất loạn luân (quy định tại điểm e khoản 2 Điều 111 Bộ luật hình sự năm 1999);
- Hiếp dâm trẻ em có tính chất loạn luân (quy định tại điểm a khoản 2 Điều 112 Bộ luật hình sự năm 1999);
- Cướp tài sản có sử dụng vũ khí (quy định tại điểm d khoản 2 Điều 133 Bộ luật hình sự năm 1999, các loại vũ khí được quy định tại Điều 3 Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH ngày 30/6/2011 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ); cướp tài sản có tổ chức (quy định tại điểm a khoản 2 Điều 133 Bộ luật hình sự năm 1999); cướp tài sản gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng (quy định tại điểm g khoản 2, điểm c khoản 3, điểm c khoản 4 Điều 133 Bộ luật hình sự năm 1999);
- Cướp giật tài sản có tổ chức (quy định tại điểm a khoản 2 Điều 136 Bộ luật hình sự năm 1999); cướp giật tài sản gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng (quy định tại điểm h khoản 2, điểm c khoản 3, điểm c khoản 4 Điều 136 Bộ luật hình sự năm 1999);
- Trộm cắp tài sản có tổ chức (quy định tại điểm a khoản 2 Điều 138 Bộ luật hình sự năm 1999); trộm cắp tài sản gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng (quy định tại điểm g khoản 2, điểm b khoản 3, điểm b khoản 4 Điều 138 Bộ luật hình sự năm 1999);
- Cướp tài sản nhiều lần, cướp giật tài sản nhiều lần, trộm cắp tài sản nhiều lần (từ hai lần trở lên): Căn cứ để xác định phạm tội nhiều lần là số lần phạm tội được thể hiện trong Bản án hoặc phần quyết định của Bản án có áp dụng điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự năm 1999. Những trường hợp đang phải chấp hành hình phạt tổng hợp của nhiều bản án về cùng một tội mà trong mỗi bản án chỉ thể hiện phạm tội một lần thì vẫn là phạm tội nhiều lần.
3.10. Người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy hoặc người dùng thủ đoạn xảo quyệt, người ngoan cố chống đối trong vụ án phạm tội có tổ chức (căn cứ xác định theo bản án).
3.11. Có căn cứ khẳng định đã sử dụng trái phép các chất ma túy.
Việc khẳng định đã sử dụng trái phép các chất ma túy là căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ của người bị kết án như: Bản án; Cáo trạng; các tài liệu của Cơ quan điều tra; kết quả xét nghiệm của cơ quan y tế cấp huyện trở lên; bản tự khai của người bị kết án có ghi rõ thời gian, số lần sử dụng trái phép chất ma túy…hoặc phiếu khám sức khỏe của Trại giam, Trại tạm giam, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có chữ ký (hoặc điểm chỉ) của người bị kết án thừa nhận là đã sử dụng trái phép các chất ma túy.
3.12. Đang được hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù do phạm từ ba tội trở lên hoặc phạm hai tội do cố ý, kể cả trường hợp tổng hợp hình phạt.
3.13. Đã có một tiền án mà lại bị kết án phạt tù về tội do cố ý.
3.14. Đã từng bị đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, kể cả cơ sở giáo dục trước đây hoặc trường giáo dưỡng mà bị kết án phạt tù về một trong các tội sau đây: Về ma túy; giết người; hiếp dâm trẻ em; cướp tài sản; cướp giật tài sản; cưỡng đoạt tài sản; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; trộm cắp tài sản; bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; chống người thi hành công vụ; mua bán phụ nữ hoặc mua bán người; mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em; gây rối trật tự công cộng; tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
3.15. Người bị kết án phạt tù phạm các tội về ma túy bị phạt tù dưới 07 năm mà thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại trên 01 năm; đối với trường hợp phạm các tội về ma túy nhưng không thuộc trường hợp quy định tại tiểu mục 3.8 Mục này nếu bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm mà thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại trên 02 năm hoặc bị phạt tù trên 15 năm, tù chung thân mà thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại trên 03 năm, trừ trường hợp người bị kết án đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù vì lý do quy định tại điểm đ, e tiểu mục 1.3 Mục I Hướng dẫn này.
IV. HỒ SƠ, TRÌNH TỰ VÀ THỦ TỤC XÉT ĐẶC XÁ
4.1. Hồ sơ đề nghị đặc xá:
Hồ sơ đề nghị đặc xá của mỗi trường hợp người bị kết án đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù bao gồm các tài liệu:
a) Phiếu đề nghị xét đặc xá cho người bị kết án đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
Phiếu này do Tòa án có thẩm quyền đề nghị đặc xá lập theo đúng các thông tin có trong bản án, tài liệu, hồ sơ của người bị kết án.
b) Đơn xin đặc xá và cam kết của người bị kết án đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
Người bị kết án được đề nghị đặc xá phải viết, trực tiếp ký hoặc điểm chỉ vào “Đơn xin đặc xá và cam kết”. Trong Đơn xin đặc xá và cam kết, người bị kết án phải có cam kết thi hành tốt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước khi được đặc xá và có nhận xét của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc đơn vị quân đội nơi quản lý người bị kết án về thái độ ăn năn, hối cải và việc chấp hành chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước tại địa phương trong thời gian được hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc đơn vị quân đội nơi quản lý chỉ xác nhận tình trạng cư trú của người bị kết án là nhận xét không đầy đủ.
c) Bản sao Quyết định thi hành án của người bị kết án.
d) Bản sao bản án đang được hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
đ) Bản sao Quyết định hoãn hoặc Quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù đối với người bị kết án đang còn liệu lực. Trường hợp người bị kết án được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù nhiều lần thì trong hồ sơ phải có đầy đủ các quyết định hoãn, tạm đình chỉ trước đó.
e) Các giấy tờ chứng minh đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, tiền truy thu sung quỹ Nhà nước, án phí hoặc Quyết định miễn hình phạt tiền, miễn nộp án phí của Tòa án; Giấy đồng ý xóa nợ của người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại được Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Cơ quan thi hành án dân sự đang thụ lý vụ việc đó xác nhận; văn bản của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Cơ quan thi hành án dân sự đang thụ lý vụ việc đó xác nhận về việc người bị kết án hoặc thân nhân của người bị kết án đã chấp hành nghĩa vụ dân sự về cấp dưỡng cho bên bị hại theo định kỳ hàng tháng; Quyết định đình chỉ thi hành án của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền.
g) Tài liệu chứng minh đã được xóa án tích là giấy chứng nhận hoặc Quyết định xóa án tích của cơ quan có thẩm quyền cấp cho người bị kết án hoặc trong bản án có xác định là người bị kết án đã được xóa án tích.
h) Đối với người bị kết án phạt tù đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù quy định tại tiểu mục 1.1 và tiểu mục 1.2 Mục I Hướng dẫn này, nếu là người nước ngoài thì phải có văn bản đề nghị của phía nước ngoài (Chính phủ, Đại sứ quán, Cơ quan đại diện Lãnh sự, các tổ chức quốc tế...), bản sao hộ chiếu hoặc thị thực nhập cảnh (nếu có); nếu là người Việt Nam thì phải có đơn hoặc văn bản của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của Việt Nam (các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các Ban của Đảng) đề nghị xem xét đặc xá; có văn bản của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác nhận danh hiệu, học hàm, học vị...; phẩm hàm, người có chức sắc tôn giáo, chức vụ trong các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp....
i) Đối với các trường hợp người bị kết án lập công lớn trong thời gian được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù quy định tại điểm a tiểu mục 1.3 Mục I Hướng dẫn này thì phải có đầy đủ các giấy tờ sau: Bản tường trình về lập công của người bị kết án; văn bản xác nhận, đề nghị hoặc quyết định khen thưởng về việc người bị kết án lập công lớn của Cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện, cấp khu vực trở lên hoặc Cơ quan điều tra sử dụng người bị kết án để phục vụ công tác điều tra hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc đơn vị quân đội được giao quản lý người đó.
k) Bản sao (có chứng thực theo quy định của pháp luật) các giấy tờ: Giấy chứng nhận là thương binh, bệnh binh, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân, Thầy thuốc nhân dân, Nghệ sỹ nhân dân, Huân chương, Huy chương kháng chiến, các danh hiệu Dũng sỹ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước; có thân nhân là liệt sỹ (bao gồm bố đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con đẻ, anh, chị, em ruột hoặc bố nuôi, mẹ nuôi, con nuôi hợp pháp); con đẻ, con nuôi hợp pháp của Bà mẹ Việt Nam anh hùng; con của gia đình được Chủ tịch nước, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng bằng “Gia đình có công với nước”.
l) Kết luận của Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh, cấp quân khu trở lên hoặc bản sao bệnh án, kết luận bằng văn bản của Bệnh viện cấp tỉnh, cấp quân khu trở lên đối với trường hợp người bị kết án đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù bị mắc một trong các loại bệnh hiểm nghèo được quy định tại điểm đ tiểu mục 1.3 Mục I Hướng dẫn này.
Các tài liệu chứng minh người bị kết án đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù đang bị bệnh hiểm nghèo chỉ có giá trị trong thời gian 06 (sáu) tháng, tính đến ngày Tòa án có thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị đặc xá.
m) Kết luận bằng văn bản về bệnh tật của Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh, cấp quân khu trở lên hoặc bản sao bệnh án, kết luận bằng văn bản của Bệnh viện cấp tỉnh, cấp quân khu trở lên đối với trường hợp người từ 60 tuổi trở lên mà thường xuyên ốm đau phải nằm điều trị tại bệnh viện liên tục trong thời gian dài (từ ba tháng trở lên) hoặc không liên tục nhưng nhiều lần phải nằm điều trị tại bệnh viện (mỗi lần không dưới một tháng), không lao động, không tự phục vụ bản thân và không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội.
Các tài liệu chứng minh trên đây chỉ có giá trị trong thời gian 06 (sáu) tháng, tính đến ngày Tòa án có thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị đặc xá.
n) Xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Cơ quan thi hành án dân sự đang thụ lý vụ việc đó về hoàn cảnh kinh tế gia đình đặc biệt khó khăn của người bị kết án không còn tiền, tài sản để thực hiện hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, nộp án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác.
Xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người bị kết án cư trú về thực tế hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, bản thân người bị kết án là lao động duy nhất phải ghi rõ nghề nghiệp đang làm, thu nhập thực tế của người bị kết án được đề nghị xét đặc xá; tuổi, thực trạng sức khỏe, khả năng làm việc của bố mẹ, vợ (chồng), các con của người đó... để chứng minh người bị kết án thuộc trường hợp hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, bản thân là lao động duy nhất. Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú chỉ xác nhận người bị kết án có đăng ký hộ khẩu tại địa phương là không đầy đủ.
o) Phiếu xét nghiệm HIV và bản sao bệnh án, kết luận của bệnh viện cấp tỉnh, cấp quân khu trở lên về việc đã chuyển sang giai đoạn AIDS đang có nhiễm trùng cơ hội, không có khả năng tự phục vụ bản thân và có tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao.
p) Bản sao (có chứng thực theo quy định của pháp luật) đối với các giấy tờ (như Chứng minh nhân dân, Giấy khai sinh, Sổ hộ khẩu…) để chứng minh người bị kết án khi phạm tội là người chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi); là người 70 tuổi trở lên.
q) Kết luận của bệnh viện cấp huyện trở lên về việc người bị kết án là phụ nữ có thai; bản sao giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh của con người bị kết án dưới 36 tháng tuổi.