Gia Lai: Rừng trồng bị hàng trăm người dân kéo lên chặt phá

N.Khánh-T.Sỹ| 14/01/2016 08:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hàng chục ha rừng trồng của Tiểu khu 1028, thuộc Lâm phần quản lý rừng phòng hộ Chư Sê đã bị hàng trăm người dân của xã Bar Măih cầm theo dao, rựa kéo nhau vào chặt phá.

Sự việc xảy ra vào sáng ngày 11/1, khoảng 300 người dân của hai làng Phăm Kăh 1 và Phăm Kăh 2, xã Bar Măih (huyện Chư Sê) rủ nhau vào khu vực rừng nói trên để chặt hạ 9,64ha gỗ sao có đường kính dao động khoảng trên dưới 20cm, được trồng vào năm 2006. Đây là số gỗ rừng trồng nằm trong diện tích 30ha thuộc địa phận làng Tơ Drăh, do Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Chư Sê quản lý.

Nhận được nguồn tin báo, lực lượng chức năng địa phương đã có mặt để nắm bắt tình hình, cũng như báo cáo nhanh lên UBND huyện Chư Sê để xin ý kiến chỉ đạo.

Sau khi nhận báo cáo nhanh từ xã, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo các cơ quan, ban ngành cùng lực lượng chức năng đến hiện trường để xử lý vụ việc. Bên cạnh đó, để đề phòng vấn đề quá khích từ người dân, Công an huyện cũng đã điều động một đội cơ động vào hiện trường nơi xảy ra vụ việc .

Gia Lai: Rừng trồng bị hàng trăm người dân kéo lên chặt phá

Gỗ sao bị chặt nằm ngổn ngang trên diện rộng

Được biết, nguyên nhân dẫn đến sự việc là do các hộ nhận khoán đất rừng thuộc lâm phần quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Sê đã sử dụng đất không đúng mục đích theo tinh thần Dự án 135. Trước đó, dự án ban đầu là trồng cây cao su, nhưng các cán bộ thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Sê và những người dân nhận khoán thấy lợi ích từ cây tiêu, cây cà phê mang lại trước mắt nên đã bất chấp trồng hai loại cây này. Từ đó, người dân bức xúc nên kéo nhau lên phá rừng trồng tiêu.

Về vấn đề để sai phạm trong sử dụng sai mục đích đất rừng được giao khoán, huyện đã chỉ đạo Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Sê trong thời gian 1 tháng phải có câu trả lời vì sao các hộ dân lại trồng tiêu và cà phê thay vì trồng cao su như nhận khoán ban đầu.

Việc chặt phá gần 10ha rừng trồng đã được ngăn chặn lúc 12h cùng ngày. Đến hơn 15h, người dân đã giải tán sau khi nghe các cán bộ phân tích, vận động về nội dung vụ việc.

Trước đó, tại tiểu khu này cũng đã bị người dân đốn hạ và chặt phá gỗ một lần. Về lâu dài, các cơ quan có thẩm quyền cần phải thường xuyên tuyên truyền vận động người dân, đồng thời xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng sai phạm, nhằm tránh sự việc tái diễn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Lai: Rừng trồng bị hàng trăm người dân kéo lên chặt phá