Ghi ở cung đường buôn lậu-Kỳ 1: Nhộn nhịp lối mở vùng biên

Quang Thành| 03/01/2017 07:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vào những tháng cuối năm giáp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, khi nhu cầu tiêu thụ hàng hoá của người dân tăng cao cũng là lúc hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng lậu tại các tỉnh biên giới diễn ra phức tạp với nhiều phương thức và thủ đoạn tinh vi.

Các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới đã có những đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế biên mậu, hỗ trợ xuất nhập khẩu, nhưng đây cũng là những con đường các tay buôn thường sử dụng để tuồn hàng lậu xâm nhập vào nội địa.

Nhiều bến đò “đen” vùng biên

Chúng tôi đến Lào Cai vào một ngày cuối năm. Trong vai người đi khảo sát thị trường hàng Trung Quốc, PV báo Công lý được một người đàn ông tên Long chuyên hành nghề xe ôm tại bến xe dẫn đi thâm nhập những bến đò ở Lào Cai.

Trước khi chuyển nghề xe ôm, Long từng có kinh nghiệm nhiều năm làm cửu vạn nên anh ta nắm rất rõ những bến đò thường xuyên chở hàng lậu từ Trung Quốc về, cũng như phương thức hoạt động và quy luật trong giới buôn lậu nơi đây.

“Chỉ tính riêng ở 2 bên cánh gà cửa khẩu quốc tế Lào Cai đã có 3 bến. Trước đây những bến này hoạt động suốt ngày đêm, số lượng hàng cũng rất lớn, nhưng thời gian gần đây báo chí đưa tin nhiều nên giờ hoạt động chủ yếu vào ban đêm", người đàn ông này cho biết.

Ghi ở cung đường buôn lậu-Kỳ 1: Nhộn nhịp lối mở vùng biên

Ban ngày đò chở người, ban đêm nơi đây nhộn nhịp hàng hoá

Long cũng cho chúng tôi biết, dọc sông Hồng từ thành phố Lào Cai lên cửa khẩu phụ Bản Vược (hay còn gọi là km0), huyện Bát Xát cũng có rất nhiều bến đò, nhất là gần khu vực cửa khẩu bản Vược, hàng được vận chuyển bằng tàu lớn, xe tải hạng nặng.

Sau 30 phút đi từ bến xe Lào Cai, Long đưa chúng tôi đi qua nhiều bến đò ở 2 bên cánh gà của cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Dừng lại hút điếu thuốc tại một bến trên sông Hồng, Long cho biết: “Sang sông là đất Trung Quốc rồi, những chiếc thuyền kia vừa chở hàng về và đang bốc lên đấy. Chỉ cần lên bờ là có đội xe chở đi ngay, thường hàng được tập kết tại một địa điểm và chở về xuôi tiêu thụ”.

Theo kinh nghiệm của Long nếu chuyển hàng qua cầu, nơi có lực lượng hải quan, biên phòng canh giữ thì chẳng khác gì “gần lửa rát mặt” nên tốt nhất theo đường đò là chủ yếu. Ban ngày các bến đò này thường vắng ngắt, những chiếc thuyền cũng được áp sát vào bụi cây hoặc mép nước, chỉ khi nào có khách hỏi sang sông chủ đò mới đưa thuyền ra chở.

Theo một chủ đò tên Hương cho biết: “Thường ban ngày tôi chỉ đưa người thôi, còn hàng ban đêm mới về được vì dạo này các cơ quan chức năng làm gắt lắm". Người chủ đò này cũng cho biết mức giá để đưa người cả đi lẫn về là 300.000 đồng/người. Khi sang đến bên kia biên giới muốn đi đâu sẽ có xe ôm chở đi, tiền xe ôm tuỳ thuộc vào địa đểm đến, không tính vào tiền đưa đò. Được biết những tay xe ôm bên kia biên giới cũng là những đối tượng bảo kê, đi đò sang mà không đi xe của họ, lập tức sẽ bị “phím” cho Công an nước bạn.

Khi PV ngỏ ý muốn đi và khi về sẽ có 5 tạ hàng quần áo các loại, kèm theo ít hàng “nóng”, người phụ nữ gần 40 tuổi này cho biết: “Quần áo thì chị không tính theo kg mà tính theo chiếc, mỗi chiếc là 10.000 đồng, loại nào dầy thì cao hơn chút. Còn hàng nóng như súng ống, hay pháo thì phải người quen chị mới chở".

Ở đây, mỗi chủ đò thường có 3 đến 4 chiếc, mỗi chiếc có thể chở được hàng tấn hàng. Những chiếc đò này thường là loại chèo tay, những loại gắn máy dùng vào những phi vụ chở hàng lớn để cho kịp giờ hẹn. Hàng sau khi đã móc nối được tập kết bên kia biên giới, nếu có động sẽ được chủ hàng lập tức cho hàng quay lại điểm xuất phát.

Ghi ở cung đường buôn lậu-Kỳ 1: Nhộn nhịp lối mở vùng biên

Một chủ đò báo giá cho khách, cả đi và về với mức giá 300.000 đồng/ người, có hàng thì tính theo giá khác

Chị Hương cũng tiết lộ cho chúng tôi biết, để được xuôi chèo, các nhà đò phải “làm luật” nếu được bật “đèn xanh” đò mới qua được. Nhưng có những chuyến đang ở giữa sông nếu có “biến” thường phải đẩy hết hàng xuống sông để thoát thân, nhưng trường hợp như vậy rất ít, vì theo chị Hương có “biến” hay không là do chủ đò.

Tiếp tục cuộc hành trình, chúng tôi được Long đưa đến bến đò Bãi Rác, cách cửa khẩu phụ Bản Vược (huyện Bát Xát) khoảng 3km. Tận mắt chứng kiến mới thấy sự quy mô của bến Bãi Rác. Tại thời điểm PV có mặt ở bến, đếm qua cũng có tới 10 chiếc thuyền lớn nhỏ, thuyền nhỏ nhất cũng có trọng tải gần chục tấn. Theo một vị chủ tàu cho biết, hiện giờ nước cạn nên không thể kéo thuyền ra được tất cả phải nằm bất động, đến khoảng 22h trở ra khi nước lên nơi đây mới bắt đầu nhộn nhịp.

Các thuyền này chủ yếu phục vụ cho hàng đông lạnh – hàng tạm nhập, tái xuất. Điều đáng chú ý là cung đường đi của loại hàng này rất khó hiểu. Như lời kể của chủ thuyền, hàng được nhập tại Hải Phòng, sau đó được chuyển về cửa khẩu phụ Bản Vược bằng xe công. Tại đây hàng được chuyển xuống những thuyền có trọng tải lớn, cứ ngoài 22h hằng ngày những tàu này chuyển hàng xuống bến đò Bãi Rác.  

Ghi ở cung đường buôn lậu-Kỳ 1: Nhộn nhịp lối mở vùng biên

Một bến đò khác trên sông Nậm Thi

Ở bến đò Bãi Rác hàng lại tiếp tục được bốc xuống các thuyền có trọng tải nhỏ hơn và đưa sang biên giới Trung Quốc. Nhiều chủ thuyền ở đây sau khi xuất hàng sang Trung Quốc đã tận dụng thuyền không để đánh quả hàng lậu về xuôi bán kiếm lời. Khi được hỏi hàng đánh về để làm gì? Chủ thuyền này cho biết: “Chở hàng gì chẳng được, cứ khách có hàng bảo chở là chở”.

Như vậy, chỉ chưa đầy 3km từ của khẩu phụ Bản Vược đến bến Bãi Rác, hàng được luân chuyển 2 lần, điều này làm cho nhiều người đặt nghi vấn có khả năng nguồn hàng đông lạnh lại quay trở lại nội địa qua những thuyền nhỏ này để tiêu thụ?

Phận cửu vạn vùng biên

Để có một lô hàng lậu trót lọt từ Trung Quốc về Việt Nam là cả một quá trình móc nối và nhiều thủ đoạn rất tinh vi. Một mắt xích quan trọng và góp sức của nhiều thành phần trong việc vận chuyển hàng lậu là những tay cửu vạn, bốc vác tại các bến đò.

Những người đi làm cửu vạn ở đây đều xuất thân từ gia đình nghèo khó, từ những người trung niên đầu hai thứ tóc, hay những đứa trẻ 16 - 17 tuổi, học chưa xong nhưng cũng theo bố mẹ lên vùng biên giới này để mưu sinh. 

Khẩu, một cửu vạn tại bến Phố T cho biết:“Dạo này hàng đang tồn lại nhiều do phần lớn chủ cửa hàng đòi tăng giá mà tiểu thương dưới xuôi lại không chịu. Lương cửu vạn bốc xếp hàng ở đây cũng bấp bênh nên có nhiều người không còn mặn mà. Hơn nữa, đợt cuối năm nay “sao xanh” (ý chỉ lực lượng hải quan và biên phòng-PV) kiểm soát chặt nên mọi người đều dè dặt”.

Ghi ở cung đường buôn lậu-Kỳ 1: Nhộn nhịp lối mở vùng biên

Đội quân củu vạn đang đợi hàng về để bốc

Theo Khẩu, mỗi bến đều có một tay anh chị đứng ra nhận chung cho cả bến. Ai muốn xin gia nhập đội quân này đều phải có “lót” tay cho họ. Giá “lót” tuỳ vào mỗi quan hệ của mỗi người với những “trùm cửu vạn" ở mỗi bến.

Dưới tay mỗi ông “trùm cửu vạn” này thường có vài chục người. Ông Ngọc, người được các cửu vạn ở đây khá nể vì khôn khéo và có “mối quan hệ” cho biết: “Tôi dưới trướng của anh Đạt, mỗi khi hàng về, anh Đạt đứng ra nhận rồi giao cho từng anh em bốc, thường ai làm phật ý anh thì sẽ chẳng bao giờ được gọi. Có đứng cả ngày cũng không kiếm được đồng nào".

Như ông Ngọc chia sẻ, công của anh em được trả tuỳ theo lượng hàng hoá, nếu may mắn được Ngọc gọi thì trung bình mỗi thuyền được khoảng 30.000đ/người. Và một ngày anh em chia nhau ra bốc, mỗi người cũng được gần 100.000 đồng.

Để được làm “cửu vạn”, ngoài chuyện có sức khỏe, mối quan hệ hay “lót” tay còn phải có uy tín. Một “cửu vạn” nếu không có người quen giới thiệu thì phải đặt cọc, trong trường hợp để mất hàng sẽ bị mất tiền công và mất luôn khoản đặt cọc này. Bởi vậy, “cửu vạn” thường chống trả rất quyết liệt mỗi khi bị lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ.

Khi được hỏi bốc hàng gì trên thuyền họ đều không trả lời được. Họ chỉ biết, chờ hàng và nhận lệnh rồi bốc lên xe lấy tiền, miễn là càng nhiều hàng càng tốt.

* Còn tiếp...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ghi ở cung đường buôn lậu-Kỳ 1: Nhộn nhịp lối mở vùng biên