Bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam đã có những chia sẻ liên quan đến công tác tư pháp nêu trong các báo cáo thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và giám sát chuyên đề.
PV: Qua các báo cáo của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, ông có đánh giá về tình hình thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp?
ĐB Nguyễn Văn Chiến: Về báo cáo thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và giám sát chuyên đề Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC báo cáo cũng đã bao quát được nhiều mặt của các ngành trong giai đoạn hiện nay. Để thực thi những quy định của Luật TTHS 2015 cũng đã đặt ra một số hoạt động và có chuyển biến tích cực.
Như Chánh án Nguyễn Hoà Bình đã báo cáo vấn đề về công bố bản án của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử đã nhận được sự đồng tình của người dân. Tính đến nay, đã có 146.336 bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của gần 90% các Thẩm phán Tòa án các cấp được đăng tải.
Đây được coi là bước đột phá trong hoạt động chỉ đạo điều hành của lãnh đạo TANDTC nhằm nâng cao năng lực, trách nhiệm của các Thẩm phán, tăng tính thống nhất trong việc áp dụng pháp luật cũng như tạo điều kiện để nhân dân tham gia giám sát hoạt động xét xử của Tòa án.
ĐB Nguyễn Văn Chiến
Với lượng truy cập để tìm hiểu về các bản án là 6.764.910 lượt và đã có hàng chục nghìn ý kiến bình luận, góp ý đối với các bản án, quyết định của Tòa án. Rất nhiều bản án được đánh giá tốt, nhưng cũng có những bản án được đánh giá còn có hạn chế nhận được sự đóng góp,… tôi cho rằng đó là một trong những thành công đáng kể.
Tuy nhiên, trong báo cáo cũng đề cập đến một số biện pháp mới như: việc thụ lý giải quyết đơn qua con đường điện tử; báo cáo cũng đã đưa ra việc tìm những giải pháp nhằm nâng cao chât lượng bản án, tôi cho rằng, việc phân công Thẩm phán giải quyết án cũng đảm bảo trên cơ sở bình đẳng, khách quan, tránh hiện tượng nể nang, tiêu cực. Hiện nay, việc cần phải xem xét thêm phân công án bằng biện pháp ngẫu nhiên trên hệ thống điện tử một cách ngẫu nhiên là rất cần thiết.
Về vai trò của VKSNDTC thực hiện việc kiểm sát việc tuân theo pháp luật là trách nhiệm rất cao trong giai đoạn thực hiện cải cách tư pháp hiện nay. Nhưng trong Báo cáo thẩm tra của Ban dân nguyện đánh giá lượng án trả hồ sơ nhiều, vấn đề là do vi phạm tố tụng, điều tra thiếu, yếu chứng cứ nhưng hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật vẫn còn hạn chế, do vậy VKS cần nâng cao hơn nữa để đảm bảo chất lượng.
PV: Ông đánh giá như thế nào về việc thực hiện cam kết trong trả lời chất vấn của các vị Trưởng ngành từ các kỳ họp trước?
ĐB Nguyễn Văn Chiến: Kỳ họp trước, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã đề cập đến việc sẽ phấn đấu để Tòa án trở thành biểu tượng công lý và thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng. Trong thời gian vừa qua đặc biệt những vụ án tham nhũng lớn, Tòa án đã tạo điều kiện cho bên buộc tội và bên gỡ tội thực hiện tốt vai trò của mình ở phiên xử công khai.
Các Tòa án không hạn chế thời gian dành cho tranh tụng, tôn trọng và đảm bảo cho các bên tham gia tố tụng đưa ra chứng cứ và trình bày hết các ý kiến của mình. Trên cơ sở kết quả tranh tụng, Hội đồng xét xử đưa ra các phán quyết đúng pháp luật, được dư luận xã hội ủng hộ.
Tuy nhiên, ở đâu đó các địa phương vẫn còn tình trạng chưa bảo đảm cho người bào chữa tham gia tranh tụng đầy đủ. Vấn đề này cũng còn phải có những chỉ đạo của Chánh án, chấn chỉnh để thực hiện tốt vấn đề này.
PV: Vừa qua Tòa án đã triển khai thí điểm hòa giải án dân sự và đối thoại án hành chính khá thành công, ông nhìn nhận về vấn đề này như thế nào?
ĐB Nguyễn Văn Chiến: Đây là hoạt động mà giới luật sư cũng như người dân quan tâm từ nhiều năm nay, chúng tôi đã tham gia vào hoạt động hòa giải trên cơ sở kinh nghiệm từ Thẩm phán Hoa Kỳ, luật sư Pháp và một số nước châu Âu đã triển khai hoạt động này.
Khi dự án này được tổ chức thí điểm tại Hải Phòng và hiện đang nhân rộng ở một số tỉnh, tôi cho rằng biện pháp này rất cần thiết và sẽ hiệu quả. Vì với số lượng án phải thụ lý nguồn lực giải quyết còn hạn chế và án tồn đọng nhiều như hiện nay đó là biện pháp tháo gỡ rất khả quan.
Tại phiên trả lời chất vấn chiều nay, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng đã đề cập đến đối thoại trong giải quyết án án hành chính khi thí điểm ở Hải Phòng khá thành công và tháo gỡ những khó khăn, tôi cho rằng đây là một cơ chế rất tốt.
Việc hòa giải trước khi Tòa án xét xử nếu tổ chức tốt ở các Trung tâm hòa giải cạnh Tòa án gồm có Thẩm phán, KSV nghỉ hưu cùng với luật sư có kinh nghiệm tham gia tôi nghĩ rằng sẽ hiệu quả, qua đó giảm áp lực án nhiều, án tồn đọng như hiện nay.
PV: Phiên chất vấn tại kỳ họp này diễn ra sau khi lấy phiếu tín nhiệm, có tạo ra tâm lý khá thoải mái cho các Bộ trưởng, Trưởng ngành không và ông quan tâm chất vấn vấn đề gì?
ĐB Nguyễn Văn Chiến: Điều này cũng có yếu tố tâm lý không những thoải mái mà còn tạo điều kiện cho các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ phải trả lời chất vấn có thời gian nghiên cứu và quan hơn nữa đến hoạt động ngành mình để trả lời câu hói chất vấn đảm bảo đúng, trúng trọng tâm, tránh trả lời chung chung, vòng vo như là những lần chất vấn trước đây.
Tôi sẽ chất vấn xoay quanh các vấn đề kinh tế, đặc biệt là các giải pháp tư pháp mà tôi đã có dịp bình luận và cho ý kiến trong các phiên thảo luận. Tôi quan tâm đến vấn đề làm sao để nâng cao chất lượng của công tác điều tra, truy tố xét xử, giảm thiểu vi phạm pháp luật của cơ quan điều tra truy tố. Qua đó cũng mong muốn rằng, hoạt động xét xử sẽ được bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật, bảo đảm yếu tố công bằng và quyền và lợi ích hợp pháp của người dân sẽ được bảo vệ.
Xin cảm ơn ông!