Các đảng CDU, CSU và SPD ở Đức chính thức bước vào các cuộc đàm phán tái lập chính phủ “Đại liên minh”, nhằm tìm cách chấm dứt bế tắc chính trị tại nước này.
Gần 2 tháng sau khi các cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên minh với các đảng Xanh và đảng Dân chủ tự do (FDP) đổ vỡ, tối qua ngày 7/1, các đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) cầm quyền của nữ Thủ tướng Angela Merkel và đảng Dân chủ xã hội (SPD) chính thức bước vào các cuộc đàm phán tái lập chính phủ “Đại liên minh” tại Đức.
Theo đó, các cuộc đàm phán này sẽ được chia ra làm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên, bắt đầu từ ngày 7/1 và kéo dài đến ngày 12/1, là giai đoạn thảo luận về các chủ đề chung.
Trong vòng 6 ngày, 39 thành viên đại diện cho 3 đảng CDU, CSU và SPD sẽ được chia thành các nhóm nhỏ theo chủ đề nhằm thảo luận và thống nhất các đường hướng quan trọng cho chính phủ liên minh sắp tới.
Giai đoạn hai, là giai đoạn soạn thảo thoả thuận liên minh, sẽ được bắt đầu từ ngày 22/1, nếu như Đại hội của đảng SPD tổ chức trước đó một ngày, chấp nhận và thông qua kết quả đàm phán ở giai đoạn 1.
Trước thềm cuộc đàm phán, Chủ tịch đảng SPD là ông Martin Schulz cho biết, đảng của ông sẽ bước vào cuộc đàm phán với tư duy cởi mở và xây dựng, đồng thời không vạch ra bất cứ lằn ranh đỏ nào về các chính sách có thể có trong chính phủ liên minh mới.
Thủ tướng Angela Merkel và lãnh đạo các chính đảng tại Đức
Theo nhận định chung của giới phân tích chính trị tại Đức, mặc dù SPD bước vào các cuộc đàm phán lập chính phủ liên minh một cách tương đối miễn cưỡng do sức ép phải gánh vác trách nhiệm tháo gỡ thế bế tắc chính trị tại Đức, nhưng đảng này sẽ không đặt ra quá nhiều rào cản đối với CDU/CSU do trong vài năm gần đây, đã có hai lần SPD tham gia chính phủ “Đại liên minh” với CDU/CSU.
Sức ép chính hiện nay dồn về phía nữ Thủ tướng Đức, Angela Merkel bởi bà Merkel buộc phải dẫn dắt các đàm phán đi đến thành công, nếu muốn tiếp tục giữ vai trò thủ lĩnh CDU/CSU cũng như chiếc ghế Thủ tướng Đức.
Nữ thủ tướng sẽ phải thuyết phục các nhà lãnh đạo SPD rằng họ có đủ mục tiêu chung để bắt đầu đàm phán liên minh chính thức vào tháng 3 hoặc tháng 4/2018. Các nước đồng minh Liên minh châu Âu (EU), như Pháp, xem Đức là trụ cột ổn định trong khối và hy vọng bà Merkel thành công.
Hiện, đa phần người Đức cho rằng kỷ nguyên lãnh đạo của bà Merkel sắp chấm dứt dù vẫn dành cho bà nhiều tin tưởng. Cuộc thăm dò dư luận mới nhất do Viện Nghiên cứu Infratest-dimap thực hiện đầu năm 2018 cho thấy, chỉ có 45% người dân Đức cảm thấy hài lòng nếu Liên đảng bảo thủ CDU/CSU của bà Merkel liên kết với SPD.
Dù vậy, 75% cho rằng CDU cần phải có một sự đổi mới, trong khi 67% nói rằng thời hoàng kim của bà Merkel đã qua. Ngoài ra, 45% người được hỏi muốn Thủ tướng Merkel trao quyền cho người kế nhiệm trong 4 năm tới.
Nếu cuộc đàm phán nêu trên thất bại, nước Đức sẽ phải đối mặt các cuộc bầu cử mới hoặc lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến II sẽ được điều hành bởi một chính phủ thiểu số do bà Merkel lãnh đạo.
Tuy nhiên, theo giới phân tích nhiều khả năng cuộc đàm phán thành lập chính phủ giữa CDU/CSU và SPD sẽ nhanh chóng có kết quả khi người dân đang ngày càng cho thấy sự mệt mỏi của họ đối với tiến trình đàm phán thành lập chính phủ liên minh.
Phát biểu trước báo giới Đức ngay trước khi bước vào các cuộc đàm phán với SPD, bà Merkel cũng tỏ ra lạc quan khi tuyên bố tin tưởng rằng các cuộc đàm phán sẽ kết thúc thành công.