Đảm bảo quyền bào chữa trong tố tụng hình sự

Phương Nam| 04/09/2018 13:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là một quyền hiến định được tất cả các bản Hiến pháp của nước ta ghi nhận và được cụ thể hóa trong Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS).

Vì vậy, việc bảo đảm các quyền này được thực thi một cách đầy đủ là yêu cầu tất yếu trong quá trình cải cách tư pháp ở nước ta hiện nay.

Nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử

Quyền bào chữa là tổng hợp các quyền của người bị bắt, khám xét khẩn cấp, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị kết án, người bào chữa nhằm bảo vệ đương sự khỏi sự buộc tội, kết tội oan, sai của cơ quan có thẩm quyền tố tụng hình sự bằng hành động đưa ra những lý lẽ, chứng cứ xác định vô tội, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên ghi nhận nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử. Quy định này là nền tảng pháp lý cơ bản để nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa và đảm bảo quyền bào chữa của bị cáo được thực thi trên thực tế.  Trên nền tảng nguyên tắc Hiến định, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS năm 2015) đã bổ sung nguyên tắc “Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” (Điều 26). Đây là quy định mới, căn cứ pháp lý quan trọng để đảm bảo quyền bào chữa nói riêng và quyền công dân, quyền con người nói chung. BLTTHS năm 2015 đã quy định rõ mối quan hệ, vị trí giữa những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án là bình đẳng, đây là tiền đề quan trọng để các chủ thể thực hiện hoạt động tranh tụng bảo vệ quan điểm, quyền lợi của mình khi tham gia tố tụng. Chỉ trên cơ sở bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ thì hoạt động tranh tụng mới đảm bảo chất lượng, hiệu quả và thực thi.

Đảm bảo quyền bào chữa trong tố tụng hình sự

Ảnh minh họa

BLTTHS 2015 đã dành một mục lớn để quy định về hoạt động tranh tụng tại phiên tòa (mục 5, chương XXI - Thủ tục tranh tụng tại phiên tòa). Trong đó, quy định cụ thể từ trình tự phát biểu tranh luận, đến phần đối đáp giữa người tham gia tố tụng (người bào chữa, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác) với kiểm sát viên giữ quyền công tố, quy định cho phép bị cáo được nói lời sau cùng để tự bào chữa; trong chương này luật cũng quy định Hội đồng xét xử không được hạn chế thời gian đối đáp, tranh luận giữa các bên.

 Việc tôn trọng và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong đó có quyền của người bào chữa từ phía Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án là một đảm bảo quan trọng cho việc thực hiện quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Ðặc biệt việc thực hiện và bảo đảm tốt quy định về tranh tụng tại phiên tòa, kết quả tranh tụng là cơ sở để ra phán quyết là một biện pháp bảo đảm quan trọng không thể thiếu, là yêu cầu tất yếu của quá trình cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền con người nói chung và quyền bảo chữa nói riêng trong tố tụng hình sự.

Tiến bộ trong quy định về quyền bào chữa

BLTTHS năm 2015 thể hiện bước tiến bộ trong quy định về quyền bào chữa. Đối với BLTTHS năm 2003, quyền bào chữa xuất hiện sớm nhất kể từ thời điểm một người bị tạm giữ (Điều 48). Còn BLTTHS năm 2015, thì quyền bào chữa của người bị buộc tội xuất hiện sớm hơn đó là kể từ thời điểm một người bị bắt (Điều 58 và Điều 74). Quy định này giúp phía bị “buộc tội” được bình đẳng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Điều 60, BLTTHS 2015 quy định, bị can có quyền: “Đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra khi có yêu cầu”. Quy định này là điểm mới quan trọng đảm bảo quyền cơ bản của bị can, bị cáo, là sự ghi nhận về mặt pháp lý để bị can, bị cáo thực hiện các quyền của mình một cách bình đẳng

 Theo quy định tại Điều 305 BLTTHS 2015: Chủ tọa phiên tòa phải hỏi kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng xem ai có yêu cầu triệu tập thêm người làm chứng hoặc yêu cầu đưa thêm vật chứng và tài liệu ra xem xét hay không”. Quy định này nhằm bảo đảm sự bình đẳng trước Tòa án giữa đại diện Viện kiểm sát và những người tham gia tố tụng trong việc giải quyết các yêu cầu, cung cấp nguồn chứng cứ cũng như đưa ra chứng cứ trực tiếp.

 Một quy định rất quan trọng và liên quan đến quyền bào chữa là “quyền im lặng” của người bị tạm giữ, tạm giam. Khái niệm “quyền im lặng” được hiểu là: “Quyền không có một hành động gì trước sự việc đáng lẽ phải có thái độ, phải có phản ứng”. Im lặng không chỉ không nói, không lên tiếng mà còn không hành động gì. BLTTHS 2015 mặc dù chưa trực tiếp quy định quyền im lặng nhưng đã ghi nhận quyền này thông qua một số quy định tại điểm e, khoản 1, điều 58, điểm c, khoản 2, điều 59, điểm d, khoản 1, điều 60, điểm h, khoản 2, điều 61.

Theo đó, các điều khoản này lần lượt ghi nhận: người bị bắt giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị tạm giữ, bị can và bị cáo đều có quyền trình bày ý kiến, trình bày lời khai, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.

Theo ý kiến chuyên gia, nhằm tiếp tục hoàn thiện BLTTHS liên quan đến quyền bào chữa, đối với việc ghi nhận đảm bảo quyền bào chữa cho người bị bắt, cần bổ sung, mở rộng thêm điều kiện để được mời hoặc nhờ người bào chữa hoặc quy định bổ sung cơ chế bảo đảm cho người bị bắt thực hiện quyền này.

Đối với quy định triệu tập người làm chứng hoặc yêu cầu đưa thêm vật chứng và tài liệu ra xem xét, cần quy định đầy đủ hơn trong suốt quá trình diễn ra xét xử. Ở đây, mới chỉ dừng lại ở việc thủ tục bắt đầu phiên tòa, vì vậy, cần bổ sung theo hướng trong suốt quá trình xét xử tại phiên tòa, nếu lời khai của bị cáo mâu thuẫn, có xuất hiện một số tình tiết mới chưa thể hiện trong hồ sơ vụ án, thì cả bên buộc tội và bên gỡ tội có quyền đề nghị triệu tập thêm người làm chứng hoặc đưa ra vật chứng để xem xét toàn diện và khách quan hơn.  

Về trình tự xét hỏi quy định tại Điều 307 BLTTHS năm 2015 cần sửa đổi theo hướng: Kiểm sát viên xét hỏi trước, tiếp theo là người bào chữa, người bảo vệ quyền, nghĩa vụ liên quan đến vụ án tiến hành xét hỏi. Kiểm sát viên hỏi về các tình tiết liên quan đến việc buộc tội; người bào chữa hỏi về các tình tiết liên quan đến việc gỡ tội; người bảo vệ quyền, nghĩa vụ liên quan đến vụ án mà mình bảo vệ. Nếu thấy tình tiết có mâu thuẫn thì hội đồng xét xử có quyền trực tiếp xét hỏi để làm rõ mâu thuẫn giữa các tình tiết.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu và ban hành các văn bản pháp luật nhằm thực hiện các quy định về chỉ định người bào chữa, ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can, sao chép, số hóa tài liệu trong hồ sơ vụ án hình sự, giám định tư pháp và hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Bổ sung quy định khi phát hiện quá trình khởi tố, điều tra, truy tố không bảo đảm quyền bào chữa của người bị bắt, bị tạm giữa, bị can thì Tòa án không mở phiên tòa, trả hồ sơ để Viện kiểm sát khắc phục vi phạm.         

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đảm bảo quyền bào chữa trong tố tụng hình sự