Mua mấy chai nước ngọt của hãng Coca-Cola Việt Nam về dùng, chị Minh tá hỏa khi phát hiện thấy một chai có mảnh thủy tinh và mẩu giấy có chữ viết nổi lập lờ bên trong.
Theo dự kiến, chiều ngày 14/12, TAND thành phố Hà Nội sẽ mở phiên xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giữa bà Nguyễn Thị Bình Minh, 33 tuổi (ở phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) và Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam. Tuy nhiên, phiên tòa đã phải hoãn do nguyên đơn có đơn xin tạm hoãn với nguyện vọng là mời thêm luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
Theo đơn khởi kiện của bà Minh, ngày 5/10/2011, bà Minh mua một số chai nước cam ép thủy tinh mang nhãn hiệu Splash của hãng Coca-Cola (sản xuất ngày 29/6/2011, hạn sử dụng ngày 29/12/2011) do Chi nhánh Coca-Cola tại Hà Nội sản xuất. Trong số mặt hàng này, bà Minh phát hiện có một chai Splash còn nguyên nắp chứa nhiều tạp chất, mảnh thủy tinh và mẩu giấy có viết chữ bên trong chai nước.
Do không nhớ tên cửa hàng nên bà Minh đã ủy quyền cho Công ty luật làm việc với Coca-Cola Việt Nam. Tuy nhiên, hai bên không đạt được thỏa thuận nên bà Minh đã khởi kiện ra tòa.
Yêu cầu trong đơn khởi kiện của bà Minh, Coca-Cola Việt Nam phải bồi thường số tiền mua 1 chai nước cam ép Spalsh vào thời điểm mua là 7.500 đồng; có văn bản giải thích rõ với người tiêu dùng về nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện dị vật trong chai nước; công khai xin lỗi nguyên đơn và người tiêu dùng trên 5 số báo liên tiếp về việc để sản phẩm khuyết tật lưu hành trên thị trường.
Chai nước của Coca-Cola Việt Nam có dị vật mà bà Minh cung cấp
Theo Kết luận giám định của Viện Khoa học hình sư - Bộ Công an: Sơn màu đỏ trên nắp chai thủy tinh nhãn “Minute Maid Splash” cùng loại sơn, khác màu với sơn màu vàng của nắp chai cùng nhãn có nắp màu vàng do Coca-Cola Việt Nam cung cấp làm mẫu so sánh; thành phần và các chỉ tiêu hóa lý của dung dịch trong chai tương tự mẫu so sánh.
Mẫu gửi đến giám định chỉ có một chai nên không kiểm tra được độ kín của nắp chai vì trong quá trình đo độ kín nắp chai, mẫu giám định có thể bung nắp và dung dịch trong thiết bị đo trào vào dung dịch mẫu làm thay đổi thành phần mẫu, ảnh hưởng kết quả phân tích các chỉ tiêu hóa, lý khác”.
Bảo vệ quan điểm của mình, phía Coca-Cola Việt Nam khẳng định, sản phẩm nước cam ép Splash được thực hiện theo quy trình liên tục. Coca -Cola Việt Nam đề nghị tòa bác đơn khởi kiện và đòi nguyên đơn phải hoàn trả cho công ty chi phí giám định vật chứng là gần 73 triệu đồng.
Ngày 23/9/2015, TAND quận Bắc Từ Liêm đã mở phiên sơ thẩm và tuyên không chấp nhận đơn khởi kiện của bà Minh. Đồng thời, theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Coca - Cola Việt Nam phải có nghĩa vụ chứng minh không có lỗi trong việc gây ra thiệt hại, do đó tòa cũng bác yêu cầu hoàn trả tiền chi phí giám định của bị đơn.
Dự kiến đến ngày 31/12/2015 phiên phúc thẩm sẽ được mở lại.