Ở cái tuổi ngoại ngũ tuần nhưng ông Lê Ngọc Hiệp vẫn giữ được vẻ phong độ và bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ...
Với tinh thần đam mê công việc giữ “cán cân công lý”, Chánh án TAND huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa luôn mong muốn, với sự nỗ lực của mình có thể mang lại sự công bằng cho xã hội, góp phần tuyên truyền pháp luật, giúp nhân dân có ý thức thực hiện luật pháp và cùng nhau bảo vệ pháp luật.
Sinh năm 1960 tại xã Thái Hòa, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, Chánh án Hiệp lại khởi nghiệp từ một người lính thuộc ngành cơ yếu. Với tính cách cương trực, thẳng thắn, ông thấy mình phù hợp với nghề Tòa án nên đã xin chuyển ngành. Ông chuyển sang Tòa án từ tháng 5/1984 và về làm việc tại TAND huyện Như Xuân đến năm 1988. Sau đó, ông đi học Đại học Luật, tháng 10/1991, ông về công tác tại TAND huyện Nông Cống, đến năm 1995, ông được bổ nhiệm làm Thẩm phán. Năm 1996, ông Lê Ngọc Hiệp lại được luân chuyển công tác đến TAND huyện Như Thanh với chức vụ Phó Chánh án và năm 2013 thì về công tác tại TAND huyện Triệu Sơn với chức vụ Chánh án.
Chánh án TAND huyện Triệu Sơn Lê Ngọc Hiệp
Trong công việc, ông luôn đặt nhiệm vụ xét xử lên hàng đầu, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị. Do vậy, ông quan tâm tới mọi việc, từ thụ lý, theo dõi chặt chẽ tiến độ giải quyết các loại án nhằm đảm bảo số án đã thụ lý, giải quyết trong thời hạn luật định, lên kế hoạch chuẩn bị phiên tòa, chuẩn bị cơ sở vật chất và xúc tiến hoạt động tố tụng theo quy định của pháp luật. Ông luôn gắn công việc chuyên môn với nhiệm vụ chính trị tại địa phương, phối hợp chặt chẽ với các ngành hữu quan để việc giải quyết các loại án đạt kết quả tốt nhất.
Đặc biệt, vị Chánh án này rất quan tâm tới việc xét xử lưu động. Từ đầu năm 2014 đến nay, Tòa án huyện Triệu Sơn đã xử được 15 vụ lưu động. Đây là một thành tích mà Tòa án huyện Triệu Sơn từ trước tới giờ chưa bao giờ có. Còn tính từ tháng 7/2013 đến nay, số lượng các vụ xét xử lưu động của TAND huyện đã lên tới 25 vụ. Khi được hỏi, tại sao ông lại quan tâm đặc biệt tới việc xét xử lưu động, ông quan niệm: Việc đưa một số vụ án ra xét xử lưu động nhằm mục đích tuyên truyền pháp luật một cách thiết thực hơn, qua quá trình xét xử giúp người dân thấy được, chỉ một hành vi rất nhỏ nhưng nếu không thực hiện theo luật pháp cũng là phạm tội. Từ đó, giúp người dân tự ý thức về pháp luật và tuân thủ pháp luật.
Từ khi trở thành “người của Tòa án”, ông Lê Ngọc Hiệp đã tham gia xét xử khoảng 2.000 vụ và không hề có án hủy, không oan sai, luôn xử đúng người, đúng tội, mang lại sự nghiêm minh và công bằng xã hội. Theo ông Hiệp, một người Thẩm phán cần phải có cái tâm, đó là tâm huyết với nghề, tình yêu nghề và không nên so sánh với các ngành nghề khác. Thẩm phán phải đặt luật pháp lên cao hơn lợi ích và tình cảm cá nhân, không nên vì lợi ích hay tình cảm cá nhân mà làm mất đi công bằng trong xã hội.
Nếu chưa được trực tiếp dự những phiên tòa do ông Hiệp xét xử, tôi vẫn nghĩ, những điều mà đồng nghiệp trong cơ quan nhận xét về ông chỉ là cái nhìn ưu ái mà cấp dưới dành cho cấp trên. Nhưng, khi được chứng kiến vụ án lưu động mà ông trực tiếp xét xử mới thấy hết được sự cương trực, uy nghiêm của một vị chủ tọa. Cách ông “cầm cân nảy mực” khiến tôi thực sự ấn tượng về ông. Ông thực sự xứng đáng là một tấm gương điển hình của hệ thống Tòa án.