Các bộ, ngành cần kiên quyết trong xử lý văn bản bằng điện tử

Mai Thoa - Thanh Vân| 19/03/2019 08:46
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trục liên thông văn bản quốc gia vừa chính thức được khai trương tại Hà Nội. Xung quanh vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã có cuộc trao đổi với PV Báo Công lý.

Trục liên thông văn bản quốc gia vừa chính thức được khai trương tại Hà Nội. Đây là sự kiện quan trọng vì đến quý 4/2019, Trục này sẽ trở thành một nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu trên tất cả các hệ thống, mang đến nhiều lợi ích cho cơ quan nhà nước, cho người dân, doanh nghiệp.

Phóng viên Báo Công lý đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng xung quanh vấn đề này.

PV: Thưa ông, khi đưa Trục liên thông văn bản quốc gia vào hoạt động, chúng ta được những gì?

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Tôi cho rằng được rất nhiều thứ. Đầu tiên, khi vận hành trục này sẽ giảm được nhiều khâu, nhiều thủ tục, không phải in ấn, sao gửi giấy tờ. Thông thường, mỗi văn bản gửi từ Trung ương xuống địa phương phải mất 2 ngày, bây chờ chỉ trong giây lát là địa phương nhận được ngay và trình luôn mà không mất chi phí, tiết kiệm được cả thời gian và tiền bạc. Các bộ trưởng, lãnh đạo tỉnh không cần phải ngồi tại phòng làm việc mà đi bất cứ đâu cũng có thể xử lý công việc. Văn bản ký số được ban hành có giá trị như văn bản ký “tươi” có dấu đỏ. Văn bản được lưu trên dữ liệu máy tính, các cán bộ cũng không thể lấy lý do không nhận được văn bản để né trách nhiệm.

Theo tính toán, vận hành hệ thống này sẽ tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước, như: tiền photo, tiền giấy, mực, sao chụp, scan...được khoảng 154,3 tỷ đồng; tiền bưu chính, gửi văn bản hỏa tốc, chuyển phát nhanh... tiết kiệm khoảng 575,2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí về thời gian, nếu tính sơ bộ tiết kiệm khoảng 576 tỷ đồng và như vậy, chúng ta tiết kiệm được trên 1.200 tỷ đồng.

Cái được tiếp nữa mà người dân, doanh nghiệp chờ đón nhiều (dù không thể tính toán chi li được), đó là với cách làm công khai, minh bạch như vậy sẽ giảm tiêu cực, nhanh hơn, tiết kiệm thời gian hơn. Doanh nghiệp có sản phẩm được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, đồng ý chủ trương sớm thì sản phẩm đó sẽ ra sớm hơn so với mong đợi... Đặc biệt, lòng tin của dân và môi trường đầu tư cũng được cải thiện rất nhiều. Đó là lợi ích chưa thể tính bằng con số cụ thể được.

Các bộ, ngành cần kiên quyết trong xử lý văn bản bằng điện tử

Bộ trưởng,Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Bởi vậy, Chính phủ quyết tâm đến ngày 30/6 phải thông qua được e-cabinet (hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc) của Chính phủ.

Quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ là sẽ kết nối với các thành viên Chính phủ trên nền dữ liệu này. Trước đây, Chính phủ họp ba ngày, tiến tới ứng dụng công nghệ thông tin giảm thời gian họp chỉ còn một ngày, vì nội dung văn bản đã được xử lý trên mạng, khi đồng thuận rồi đưa ra Chính phủ biểu quyết thông qua; tới đây sẽ ấn nút bằng vân tay.

Quan điểm của Chính phủ là bỏ, giảm thời gian họp hành, tăng trao đổi liên thông điện tử, giúp cho công việc được giải quyết nhanh hơn, minh bạch hơn. Thậm chí, một văn bản được đem ra lấy ý kiến các bộ, ngành nếu nơi nào chậm trễ hoặc không trả lời cũng sẽ bị chỉ đích danh. Như vậy sẽ tạo ra sự minh bạch, công khai, rõ ràng, mọi người đều có thể giám sát được.

PV: Người dân sẽ được hưởng lợi như thế nào về việc này thưa ông?

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Nếu thực hiện tốt dịch vụ công, công khai các thủ tục hành chính sẽ mang đến cho người dân, doanh nghiệp lợi ích lớn hơn rất nhiều.

Vừa qua, Thủ tướng đã chỉ đạo cuối quý 4/2019 nâng Trục liên thông văn bản quốc gia thành trục liên thông tích hợp với Cổng dịch vụ công và thí điểm ngay thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe, sẽ làm và công khai luôn. Chẳng hạn, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công an kết nối dữ liệu để xử lý vi phạm. Người tham gia giao thông nếu vi phạm ở bất cứ đâu, đi xe biển số nào, bị giữ bằng hoặc tước bằng... tất cả đều được lưu giữ trên nền điện tử. Trường hợp bất khả kháng như hỏa hoạn, mất cắp...cơ quan chức năng chỉ cần truy xuất lại trên hồ sơ, dữ liệu thì có thể tìm ra luôn được. Đặc biệt, khi công dân báo mất CMND thì được cấp lại một cách nhanh chóng.

Hiện nay vẫn còn tình trạng cát cứ, độc quyền về dữ liệu là do hiện nay cơ quan nào cũng muốn giữ, không muốn chia sẻ. Quý 4/2019 sẽ có kho của quốc gia, không phải của riêng bộ ngành nào, tất cả dữ liệu quốc gia bắt buộc phải đưa hết vào đó, Thủ tướng là người quản lý kho dữ liệu đó. Như vậy sẽ tránh được tình trạng dữ liệu riêng, độc quyền  kiểu “kho ông, kho tôi”, mọi thứ đều minh bạch, rõ ràng.

PV: Vậy, vấn đề bảo mật và bảo đảm an toàn hệ thống được đặt ra như thế nào hiện nay, thưa ông?

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Tới đây, chúng ta sẽ phải tiếp tục thể chế hóa, hoàn thiện các nghị định quy định về kết nối chia sẻ, về bảo mật thông tin cá nhân, về xác thực định danh...để quản lý, vận hành hệ thống này. Cách làm là doanh nghiệp đầu tư cả hạ tầng và thiết bị ứng dụng, Nhà nước thuê lại. Chi phí thuê hạ tầng hết khoảng 31 tỷ đồng/năm, chúng ta tiết kiệm được 1.200 tỷ đồng như tôi đã nói ở trên.

Để làm được hệ thống này phải xây dựng hai đường, một đường chạy và một đường dự phòng, luôn có tính bảo mật. Các thiết bị phải được cung cấp từ các nước đảm bảo an toàn nhất. Cùng với đó là việc tận dụng tối đa chuyên gia nước ngoài. Các nước Nhật, Pháp, Hàn Quốc, Estonia, Australia và Ngân hàng Thế giới... sẽ cử một đoàn chuyên gia sang giúp Việt Nam xây dựng Chính phủ điện tử. Các chuyên gia sẽ giúp việc phòng ngừa, tấn công các mã độc hay loại trừ các thiết bị nguy hại, mất dữ liệu thông tin. Đối với văn bản mật, hiện mới cập nhật và theo dõi chứ chưa xử lý trên mạng; các văn bản được mã hóa để đảm bảo an toàn thông tin.

PV: Việc quản lý vận hành hệ thống này hiện nay gặp khó khăn gì, thưa ông?

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Cái khó lớn nhất hiện nay là phải tạo ra sự đồng bộ, phải có cơ sở dữ liệu làm nền tảng để vận hành hệ thống hoạt động, hiện chúng ta chưa có hoặc có chưa đầy đủ. Đến nay mới có dữ liệu về bảo hiểm xã hội, về đăng ký doanh nghiệp, còn dữ liệu về đất đai, dân cư chưa có, chưa đồng bộ...

Các bộ, ngành, địa phương rất quyết tâm, dù có mức độ khác nhau. Vấn đề quan trọng là phải tập huấn và tạo áp lực từ trên xuống. Bên trên giờ phải hoàn toàn không ký tay nữa, nếu nay gửi điện tử, mai ký tay thì không được. Và bên dưới gửi lên mà không gửi điện tử, ký tay thì trên không ký cho nữa.

Văn phòng Chính phủ trang bị Ipad cho lãnh đạo các vụ, dù đi công tác hay họp vẫn có thể giải quyết công việc và ký văn bản trên điện tử. Nếu chúng ta làm tốt sẽ tạo ra nền hành chính hiện đại và đặc biệt là khi tất cả các dịch vụ số hóa hết sẽ rất thuận lợi.

Trước đây việc lưu trữ rất phức tạp, vừa văn bản giấy, vừa phần mềm, nhưng giờ chỉ lưu trên điện tử, bằng phần mềm nên rất rẻ và tiện dụng, tạo ra một nền hành chính hiện đại.

Tuy nhiên, cũng không phải không có rào cản, khi vẫn còn nhiều cán bộ có tư duy ngại bỏ cách làm truyền thống. Có thể nói, ước mơ nền hành chính không giấy tờ khó có thể chạm tay vào nếu không có hành động thực sự quyết liệt, đặc biệt về con người. Đúng là có tình trạng đó, khi nhiều cán bộ của chúng ta vẫn muốn giữ thói quen làm việc giấy tờ vì không muốn từ bỏ quyền lợi của riêng mình. Vậy nên, giờ muốn làm được điều đó phải ban hành thể chế và quy định rất cụ thể về vấn đề này.

Bên cạnh đó, lãnh đạo phải đi tiên phong trong vấn đề này bởi nếu lãnh đạo mà ký giấy, cán bộ sẽ không chịu trình văn bản điện tử. Lãnh đạo xử lý văn bản trên điện tử thì không cán bộ nào dám trình văn bản giấy. Như tôi, dứt khoát không ký tay nên cán bộ không dám trình bản giấy sang. Để cải cách thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị rất quan trọng, nếu làm tích cực cả bộ máy sẽ có chuyển biến tốt.

 PV:Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các bộ, ngành cần kiên quyết trong xử lý văn bản bằng điện tử