BQL rừng phòng hộ Lang Chánh (Thanh Hóa): Lập xưởng gỗ dăm trái phép?

Thanh Phương| 20/03/2016 06:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Không chỉ có các hộ gia đình, các công ty thi nhau đầu tư lắp đặt các xưởng băm dăm trái phép mà Ban Quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh (trực thuộc Sở NN&PTNT) cũng xây dựng giàn băm dăm rất quy mô.

Theo quan sát của PV, 2 giàn băm dăm gỗ nằm trong xưởng chế biến lâm sản của Ban Quản lý rừng phòng hộ tại thị trấn Lang Chánh. Các loại gỗ nhỏ, hoặc các cành, sản phẩm hỏng được đưa vào băm. Được biết, trước đây giàn máy băm này hoạt động liên tục, lượng gỗ băm là rất lớn nhưng nay do khan hiếm đầu vào nên hoạt động cầm chừng.

Tại buổi làm việc PV, ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh cho hay: “Đây là cơ quan nhà nước, tôi làm công ăn lương, có phải đầu đất đâu mà đi làm dăm trái phép. Xưởng chế biến lâm sản thuộc Ban đã có từ lâu, chủ yếu sản xuất các sản phẩm chuyên sâu về gỗ như xẻ, bóc, đồ thủ công khi không thể tận dụng được thì phần cành, ngọn, gỗ nhỏ mới đưa vào băm. Giàn máy băm dăm này được lắp đặt hoàn thiện từ tháng 7/2015, tới tháng 12/2015 thì được tỉnh phê duyệt đề án, cấp phép hoạt động. Công suất 20.000m3/năm. Chúng tôi cũng đồng tình về việc hạn chế, cấm các cơ sở băm dăm gỗ, nên tập trung vào chế biến sâu, nâng cao chất lượng, không thể sử dụng được thì mới chuyển qua băm”.

BQL rừng phòng hộ Lang Chánh (Thanh Hóa): Lập xưởng gỗ dăm trái phép?

Giàn máy băm dăm gỗ của Ban Quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh

Trao đổi với PV, ông Lê Văn Đốc, phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa cho biết: “Quan điểm của ngành trong việc tham mưu cho tỉnh là hạn chế đến mức thấp nhất các cơ sở chuyên băm dăm, chỉ xem xét các đơn vị có tận dụng việc chế biến lâm sản sau đó khi không thể sử dụng được mới chuyển qua băm. Việc chuyên chế biến dăm gỗ thì hiệu quả khai thác, tận dụng cây lâm nghiệp không cao bởi chủ yếu dùng gỗ nhỏ, non hiệu quả thấp; anh em quản lý địa bàn rất vất vả vì người dân thường xuyên khai thác cây trước độ tuổi, rất dễ xảy ra tình trạng trộm cắp lâm sản; Khi cây đến tuổi thì có thể chế biến sản phẩm gỗ chất lượng cao như ván, xẻ thanh, đóng thùng… Thêm vào đó là các cơ sở chế biến dăm gỗ thường kê khai thuế ở nơi khác nên địa phương không thu thuế được”.

Vẫn theo ông Đốc, khi có Quyết định 5115/QĐ-BNN-TCLN của Bộ Nông nghiệp thì Sở đã chuyển cho các địa phương, huyện, thị trên địa bàn để kiểm tra, rà soát, cấp phép cho phù hợp. Đối với Ban Quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh có xưởng chế biến băm dăm thì Sở cũng có nắm được. Nhưng tất cả cái gì liên quan tới phần chế biến thì không liên quan tới Sở Nông nghiệp. Thực tế, sản xuất chế biến thì thuộc Sở Công Thương quản lý. Chức năng của Ban quản lý là bảo vệ rừng nếu như đối tượng sản xuất không phụ thuộc ngân sách nhà nước mà thuộc dịch vụ thì Ban có toàn quyền quyết định. Mảng chế biến này, Sở không quan tâm vì đơn vị tự chủ về tài chính, việc lắp ráp, xây dựng, thuê bao nhiêu người… thì tùy đơn vị. Ông Đốc cho rằng, dây chuyền gỗ dăm được cấp phép từ năm trước. Còn dây chuyền băm giá bao nhiêu tiền, công suất như thế nào thì các ông không biết được.

Về vấn đề này, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng kinh tế đối ngoại Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Thanh Hóa khẳng định Sở là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh về việc cấp phép đầu tư các dự án chế biến lâm sản, băm dăm gỗ. Hiện tỉnh đang giao cho Sở kiểm tra, rà soát tất cả các cơ sở chế biến dăm gỗ trên địa bàn. “Nếu như Ban Quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh có xưởng gỗ băm dăm thì Sở Kế hoạch & Đầu tư chưa hề tham mưu cho UBND tỉnh cấp phép. Nếu có thì phải có trong danh mục mà Sở đang quản lý”, ông Dũng cho hay.

Theo điều tra của PV, ngày 11/12/2015 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền ký Quyết định 5203/QĐ-UBND phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết Xưởng chế biến lâm sản công suất 50.000m3/năm của Ban Quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh, trong đó sản xuất ván bóc, thanh nan và băm dăm 20.000m3/năm.

Như vậy, liệu rằng quyết định của UBND tỉnh Thanh Hóa đã phù hợp, hay đã  tạo tiền lệ xấu cho các đơn vị khác xin mở cơ sở băm dăm?  Bởi tại mục 1, phần III, Quyết định 5115/QĐ-BNN-TCLN của Bộ Nông nghiệp đã nêu rõ: “Đối với các vùng: Đông Bắc bộ, Bắc Trung bộ và Nam Trung bộ hạn chế phê duyệt đầu tư mới cơ sở sản xuất dăm gỗ, chỉ xem xét trong trường hợp những dự án có đầu tư chế biến sau dăm gỗ ở giai đoạn từ năm 2016-2020, nhưng phải có thỏa thuận của Bộ NN&PTNT”.

Câu trả lời cho vấn đề nêu trên, xin dành cho các cơ quan, ban ngành tỉnh Thanh Hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
BQL rừng phòng hộ Lang Chánh (Thanh Hóa): Lập xưởng gỗ dăm trái phép?