Nhìn từng mảng da bong tróc, đỏ rộp trên cơ thể cháu Đào Phúc Lâm (SN 2014, ở thôn Đào Xá, xã Vĩnh Xá, huyện Kim Động- Hưng Yên) khiến ai chứng kiến đều ngậm ngùi xót xa.
“Có sinh con ra mới hiểu thấu phần nào nỗi xót xa của những bậc cha mẹ khi phải tận mắt chứng kiến con mình quằn quại, khóc ré lên mỗi khi bệnh tình tái phát. Giấc ngủ ngon của con cũng bị bóc mòn từng đêm vì ngứa rát, ho ròng. Nó còn nhỏ tuổi mà đã phải sống trong bệnh viện nhiều hơn ở nhà, không được nô đùa, vui vẻ như bao đứa trẻ khác trong xóm”, chị Hương, mẹ cháu bé nói trong nước mắt.
Toàn thân bé Lâm đỏ rực
Trong căn nhà cấp 4 sơ sài, khuôn mặt hốc hác, tiều tụy bởi những tháng ngày chăm con tại Bệnh viện Nhi Trung ương, anh Đào Văn Quỳnh (SN 1975), bố cháu Lâm tâm sự: “Lúc cháu sinh ra được 15 ngày thì có biểu hiện vẩy da khô trên đầu. Khoảng một thời gian sau, da mặt cháu xuất hiện những nốt mẩn đỏ bằng hạt đậu ở hai bên gò má, có nốt phồng rộp, gia đình chỉ nghĩ là lúc vợ cho con bú, sữa mẹ bắn vào da nên mới như thế nhưng ai ngờ…”.
Từ khi phát hiện cháu Lâm có những biểu hiện lạ trên người, vợ chồng anh Quỳnh đêm ngày mất ngủ lo cho bệnh tình của con mình. Hễ ai mách ở đâu có thầy khám đông y giỏi cho trẻ em là anh chị lại bồng con đến xin điều trị, nhưng chứng bệnh vẫn không thuyên giảm.
Nhìn đứa con đầu lòng của anh chị gãi sột soạt, lớp da trên cơ thể đến chảy nước, tróc vảy thành từng mảng đỏ rộp, khiến ai nấy trong nhà đều lo sợ cho bệnh tình của cháu.
Tháng 8 năm 2014, hai vợ chồng quyết định đưa con lên Bệnh viện Nhi Trung ương để thăm khám, điều trị. Qua chẩn đoán, các bác sĩ kết luận, cháu Lâm bị viêm da cơ địa bội nhiễm, chỉ cần bôi kem cho mát, làm mềm da, lớn dần thì tự cơ thể cháu miễn dịch, kháng lại sẽ khỏi. Mấy tháng sau đó, vợ chồng anh chị cũng đã đưa con sang Bệnh viện Da liễu để chẩn đoán lại tình hình bệnh tật thì cũng nhận được kết quả như vậy.
Ngồi cạnh chồng, ôm con vào lòng, chị Trần Thị Hương (SN 1983) chua xót: “Cháu bị viêm da cơ địa bội nhiễm, ngứa quá nên gãi đến khi da chảy nước. Đêm ngủ cháu gãi liên tục, hai vợ chồng phải thức trắng thay phiên nhau trông cháu”.
Từng mảng da ở chân cháu Lâm đóng vẩy
“Những lúc đưa con đi chơi cũng phải để cháu cách xa những cháu khác vì bệnh này dễ bị truyền nhiễm. Hơn nữa, do ngứa quá nên cháu hay gãi nhiều, tôi phải lấy một tấm vải nhỏ bọc tay bé lại để khi gãi không gây trầy xước, chị Hương tâm sự.
Theo chỉ định của bác sĩ, hàng tháng gia đình phải đưa cháu lên Khoa miễn dịch dị ứng của viện 2 lần để điều trị.
Từ ngày cháu Lâm bị bệnh, mọi của cải trong nhà cứ thế mà “đội nón ra đi”. Hiện tại, số tiền mà anh chị vay từ người thân, bạn bè đã gần 200 trăm triệu đồng để có tiền đưa cháu Lâm lên thăm khám tại viện.
Kinh tế gia đình cũng chẳng khấm khá gì, chỉ trông chờ vào vài sào ruộng cấy, bản thân anh Quỳnh làm bảo vệ cho một công ty gần nhà nên lương cũng không được là bao. Mọi chi phí sinh hoạt, ăn uống cho gia đình cũng trở nên tằn tiện.
“Chỉ vài ngày nữa, gia đình phải đưa cháu lên viện để truyền thuốc miễn dịch, nhưng cũng chưa biết xoay sở thế nào. Toàn bộ số tiền từ người thân, bạn bè cho vay cũng đã dồn hết vào phí viện, phí thuốc cho những đợt trước rồi mà bệnh vẫn hoàn bệnh", anh Quỳnh buồn bã chia sẻ.