Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện và thực tiễn xét xử (kỳ 5)

Duy Kiên| 18/12/2014 10:54
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong số báo này, chúng tôi tiếp tục nêu phân tích của tác giả về vụ án đã đề cập trong số báo trước và một ví dụ khác là một vụ tranh chấp “hợp đồng vay tài sản”.

Về thời hiệu khởi kiện: Tại bản án có đoạn viết: “xét thời hiệu khởi kiện, sự việc kéo dài đến nay một mặt do yếu tố khách quan không áp dụng thời hiệu”. Nhận định này là tùy tiện, không chỉ ra “yếu tố khách quan” là yếu tố gì? Và điều quan trọng là dựa vào căn cứ nào để không áp dụng thời hiệu? Đoạn tiếp theo của bản án sơ thẩm có nêu về giấy hẹn nợ coi đây là xác lập thời hiệu mới, song cũng không chỉ ra cần áp dụng điều nào của bộ luật nào là thiếu sót.

Về nội dung: do không có lời khai, trình bày của ông Họ, nên Tòa án căn cứ vào lời khai, tài liệu do nguyên đơn xuất trình, yêu cầu của nguyên đơn, đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn.

Tuy nhiên, sau khi có bản án sơ thẩm, tại “đơn yêu cầu lần hai, đề ngày 20/3/2012”, ông Họ cho rằng ông trả nợ nhiều lần và chỉ còn nợ 193.000.000 đồng. Đây là một trong những căn cứ quan trọng áp dụng lại thời hiệu khởi kiện theo quy định tại Điều 162 Bộ luật Dân sự năm 2005.

Trong đơn ông Họ trình bày không được rõ ràng, ông có hai khoản nợ hay một khoản nợ, còn theo tài liệu hiện có trong hồ sơ thì ông Họ có hai khoản nợ. Vì vậy, khi giải quyết lại vụ án cần thu thập, làm rõ vấn đề này để việc giải quyết có căn cứ.

Về tính lãi: nếu theo biên bản đối chiếu công nợ tại Công án tỉnh TV ngày 6/10/2003 thì các bên không đề cập về lãi đối với số tiền 533.291.000 đồng. Khi khởi kiện bà Hươn yêu cầu trả theo lãi suất Ngân hàng. Do đó, việc tính lãi phải căn cứ vào Điều 474 Bộ luật Dân sự để giải quyết. Đối với khoản nợ 350.000.000 đồng trong văn bản vay nợ có thỏa thuận lãi, nhưng khi khởi kiện bà Hươn chỉ yêu cầu ông Họ trả theo lãi suất Ngân hàng, thì Tòa án phải căn cứ Điều 476 Bộ luật Dân sự để giải quyết. Việc Tòa án cấp sơ thẩm tính lãi giống nhau về hai khoản nợ là không đúng.

Về Quyết định giám đốc thẩm của Ủy ban thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh VL: Trong vụ án này Tòa án cấp sơ thẩm xét xử vụ án ngày 24/11/2008, nhưng xét xử vắng mặt ông Họ. Theo trình bày của ông Họ thì ông nhận được bản án sơ thẩm trước ngày 15/01/2009. Do các đương sự không kháng cáo và Viện kiểm sát không kháng nghị  bản án sơ thẩm theo quy định của pháp luật, nên bản án sơ thẩm trên có hiệu lực pháp luật. Theo quy định tại Điều 288 Bộ luật tố tụng dân sự thì người có thẩm quyền chỉ có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm Bản án sơ thẩm trên trong thời hạn 3 năm kể từ ngày Bản án có hiệu lực pháp luật. Nhưng đến ngày 15/6/2012 Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh VL vẫn kháng nghị Bản án sơ thẩm trên theo thủ tục giám đốc thẩm và Ủy ban thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh VL khi xét xử giám đốc thẩm vẫn chấp nhận kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh VL là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Ví dụ 3: Vụ án tranh chấp “hợp đồng vay tài sản” giữa nguyên đơn là bà Võ Thị Ngữ với bị đơn là ông Mai Hoàng Vũ; đương sự đều trú tại ấp TL, xã VH, huyện VC, tỉnh STr.

Tại đơn khởi kiện ngày 13/12/2010 và quá trình tố tụng, nguyên đơn bà Võ Thị Ngữ trình bày: Ngày 13/10/1999, ông Mai Hoàng Vũ hỏi bà vay vàng, bà có cho ông Vũ vay 10 chỉ vàng 24k lãi suất 5%/tháng. Vì ông Vũ là con cháu nên khi cho vay không làm giấy tờ và không có người làm chứng, nhưng bà yêu cầu khi nào bà cần thì phải hoàn trả. Qua nhiều năm bà yêu cầu ông Vũ trả vàng nhưng ông Vũ không trả mà còn thách thức bà. Ngày 11/01/2010, bà có đơn yêu cầu tổ hòa giải ấp TL giải quyết và ngày 11/3/2010 tổ hòa giải đã mời ông Vũ lên để giải quyết, ông Vũ đã thừa nhận và lập tờ cam kết hẹn đến ngày 26/4/2010 hoàn trả đầy đủ vàng cho bà trước ban hòa giải của ấp, nhưng đến hẹn ông Vũ vẫn không trả cho bà. Sau đó, bà có gửi đơn lên xã VH, Ban hòa giải xã VH có mời ông Vũ nhiều lần để giải quyết nhưng ông Vũ không chấp hành. Nay bà đề nghị Tòa án huyện VC buộc ông Vũ trả cho bà 10 chỉ vàng đã vay.

Tại Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự số 06/2011/QĐST-DS ngày 14/02/2011, TAND huyện VC đã quyết định:  Đình chỉ giải quỵết vụ án dân sự thụ lý số: 63/2010/TLST-DS ngày 31 tháng 12 năm 2010. Về việc: Tranh chấp hợp đồng dân sự vay tài sản. Hoàn trả lại cho bà Võ Thị Ngữ 878.625đ tiền tạm ứng án phí đã nộp.

Ngày 21/02/2011, bà Ngữ kháng cáo với nội dung: Bà yêu cầu ông Vũ trả bà 10 chỉ vàng, ông Vũ vay từ năm 1999 và không xác định thời gian thanh toán nhưng Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án là không đảm bảo quyền lợi của bà.

Tại quyết định giải quyết việc kháng cáo đối với quyết định đình chỉ giải quyết vụ án số 78/2011/QĐPT ngày 20/4/2011, Tòa án nhân dân tỉnh STr đã căn cứ vào điểm a khoản 5 và khoản 6 Điều 280; Điều 281 Bộ luật tố tụng dân sự, quyết định: Giữ nguyên Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự số 06/2011/QĐST-DS, ngày 14 tháng 02 năm 2011 của Tòa án nhân dân huyện VC về “tranh chấp hợp đồng dân sự vay tài sản” giữa nguyên đơn Võ Thị Ngữ với bị đơn Mai Hoàng Vũ.

Nhận xét: Theo bà Võ Thị Ngữ thì ngày 13/10/1999 bà Ngữ cho ông Mai Hoàng Vũ vay 10 chỉ vàng, lãi suất 5%/tháng, thời hạn vay 1 năm trả cả gốc và lãi, nhưng đến hạn ông Vũ không trả. Ông Vũ cho rằng, không vay vàng của bà Ngữ.

Tại Biên bản hòa giải ngày 13/01/2011, ông Vũ không thừa nhận vay vàng của bà Ngữ và cũng không thừa nhận chữ ký trong Tờ cam kết do bà Ngữ xuất trình, đề nghị giám định chữ ký.

Với các tình tiết trong hồ sơ như đã phân tích ở trên lẽ ra Tòa án phải lấy lời khai đối với những người trong tổ hòa giải của ấp để làm rõ buổi hòa giải ngày 11/3/2010 có lập biên bản không? Nếu có thì đang ở đâu? Có phải ông Vũ đến mượn lại biên bản tại nhà ông Hoành rồi không trả lại? Có hay không, khi hòa giải ông Vũ đã thừa nhận nợ vàng của bà Ngữ? Ông Vũ và bà Ngữ yêu cầu giám định chữ ký của ông Vũ trong Tờ cam kết có nội dung ông Vũ hứa trả vàng cho bà Ngữ, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm lại không cho giám định?

Việc Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm không trưng cầu giám định chữ ký của ông Vũ để làm rõ ông Vũ có vay 10 chỉ vàng của bà Ngữ hay không; chưa làm rõ các nội dung trên mà đã xác định bà Ngữ khởi kiện khi đã hết thời hiệu khởi kiện và đình chỉ giải quyết vụ án là không đúng.

Nếu sau khi xác định ở tổ hòa giải có đủ căn cứ kết luận ngày 11/3/2010 ông Vũ thừa nhận có vay vàng thì ông Vũ đã thừa nhận nợ và thời hiệu khởi kiện được bắt đầu lại theo Điều 162 Bộ luật dân sự.

Từ cácsai sót trong thực tiễn xét xử về áp dụng quy định của pháp luật về bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện, có thể rút ra đôi điều cần lưu ý như sau:

- Khi thụ lý, giải quyết các vụ việc dân sự ngoài việc thu thập các tài liệu để xác định thẩm quyền, thu thập chứng cứ, tài liệu về quan hệ pháp luật đang có tranh chấp, làm rõ yêu cầu của các bên và pháp luật cần áp dụng… thì còn phải thu thập tài liệu, chứng cứ làm rõ vấn đề về thời hiệu.

- Khi xuất hiện các yếu tố về vấn đề thời hiệu phải thu thập đầy đủ các tài liệu, chứng cứ để làm rõ thời điểm quyền và lợi ích bị xâm phạm; thời điểm bên có quyền và lợi ích bị xâm phạm biết được quyền, lợi ích của mình đã, đang bị xâm phạm. Kể từ ngày tiếp theo ngày bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm biết được quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm là thời điểm tính thời hiệu.

- Phải nghiên cứu luật chuyên ngành đối với quan hệ pháp luật đang có tranh chấp có quy định về thời hiệu khởi kiện hay không? nếu luật chuyên ngành không quy định thì phải nghiên cứu Bộ luật Dân sự có quy định về thời hiệu khởi kiện đối với loại quan hệ pháp luật mà Tòa án đang thụ lý giải quyết hay không? nếu các văn bản pháp luật không có quy định về thời hiệu khởi kiện thì mới áp dụng Điều 159 Bộ luật tố tụng dân sự để xác định thời hiệu.

- Khi thấy vụ án có dấu hiệu đã hết thời hiệu khởi kiện, thì không được trả lại đơn khởi kiện, không được ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự ngay mà phải chú ý thu thập tài liệu để xem có xuất hiện các yếu tố, các điều kiện “kéo dài” thời hiệu khởi kiện hay không? nói cách khác có khoảng thời gian nào (kể từ khi quyền và lợi ích bị xâm phạm) theo quy định của pháp luật sẽ không tính vào thời hiệu khởi kiện hay không? Có xuất hiện các điều kiện tính lại thời hiệu khởi kiện hay không? hoặc có thuộc trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện hay không? chỉ khi thu thập đủ tài liệu, có căn cứ khẳng định thời hiệu khởi kiện thực sự đã hết thì mới đình chỉ giải quyết vụ án, không giải quyết nội dung tranh chấp của các bên.

- Ngoài quan hệ tranh chấp được xác định hết thời hiệu, các bên có nêu ra, có tranh chấp các quan hệ pháp luật khác có liên quan chặt chẽ với quan hệ pháp luật đã được xác định hết thời hiệu khởi kiện hay không? ví dụ trong vụ án tranh chấp thừa kế, bên khởi kiện còn chứng minh và yêu cầu về công sức, tiền của đã bỏ ra để duy trì hoặc nâng cấp giá trị của di sản như san lấp ao thành vườn, thành nền nhà, sửa chữa nhà di sản, trong phần đất đang có tranh chấp có đất phần trăm của nguyên đơn.v.v… nguyên đơn yêu cầu chia khối di sản và thanh toán phần công sức, tiền của đã bỏ ra trong khối di sản đó. Khối di sản đã hết thời hiệu sẽ không giải quyết thừa kế, nhưng công sức, tiền của của nguyên đơn đã bỏ ra và nguyên đơn yêu cầu giải quyết thì không được đình chỉ. Vì vậy, nếu có các quan hệ khác thì phải làm rõ để tùy từng trường hợp mà có xử lý phù hợp theo hướng chỉ đình chỉ quan hệ tranh chấp đã hết thời hiệu khởi kiện và giải quyết quan hệ tranh chấp có liên quan trực tiếp với quan hệ tranh chấp hết thời hiệu, đã bị đình chỉ hoặc có đủ điều kiện thì tách ra giải quyết bằng vụ án khác.v.v…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện và thực tiễn xét xử (kỳ 5)