Kỳ trước chúng tôi đã đề cập vấn đề bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện thông qua một vụ án cụ thể. Trong kỳ này, chúng tôi nêu một vụ tranh chấp khác cùng những phân tích của tác giả.
Tại Điều 623 Bộ luật Dân sự và tại mục III Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đã quy định rõ chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Trong vụ án này ông Quan, bà Lò là chủ nguồn nguy hiểm cao độ; ông Quan, bà Lò đã giao xe cho anh Bích (là con) không có bằng lái xe, điều khiển xe, ngoài dấu hiệu phạm tội hình sự, đó là tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ, thì về mặt dân sự ông Quan, bà Lò phải là người chịu trách nhiệm bồi thường, việc xác định cả anh Bích liên đới bồi thường là chưa thật chuẩn xác. Anh Bích chỉ có nghĩa vụ bồi hoàn lại sau khi chủ phương tiện đã thực hiện nghĩa vụ bồi thường.
Ngoài ra, trong phần nhận định của bản án sơ thẩm có những điểm không có căn cứ, hoặc dùng từ không chính xác, không bảo đảm tính pháp lý, ví dụ: “việc cháu Dung ở tại nhà ông Quan, bà Lò học là có sự bàn bạc, thỏa thuận khi ông Đường còn sống, nên việc chi phí cho cháu Dung ăn học Hội đồng xét xử nghĩ đều do vợ chồng bà Làn lo liệu…” Đoạn nhận định, đánh giá nói trên không chỉ ra được bất kỳ căn cứ nào làm cơ sở cho kết luận chi phí “… đều do bà Làn lo liệu” mà hoàn toàn dựa trên suy diễn chủ quan, do “Hội đồng xét xử nghĩ” ra. Việc dùng từ “nghĩ” là không bảo đảm ngôn ngữ pháp lý, không đúng.
Trong quá trình giải quyết, xét xử, Thẩm phán hay Hội đồng xét xử chỉ được phép căn cứ vào tài liệu, chứng cứ, và quy định pháp luật cụ thể nào (và phải nêu rõ trong bản án, quyết định) để đưa ra nhận xét, đánh giá, kết luận làm cơ sở cho phán quyết, chứ không được suy diễn, không được “nghĩ” ra. Một suy nghĩ chỉ đúng khi chỉ ra được căn cứ, dựa trên chứng cứ, tài liệu, pháp luật.
Một phiên tòa dân sự
Bản án phúc thẩm, phần giải quyết về án phí chỉ viết: “án phí sơ thẩm và phúc thẩm được giải quyết theo quy định của pháp luật” là không cụ thể, không đúng với hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao. Lẽ ra phải viết rõ án phí sơ thẩm, án phí phúc thẩm được giải quyết như thế nào? dựa vào quy định nào của pháp luật để giải quyết như vậy thì mới chính xác.
Ví dụ 2: vụ tranh chấp “Hợp đồng vay tài sản” giữa các đương sự: Nguyên đơn: Mai Ngọc Hươn, sinh năm 1960. Địa chỉ: Nguyễn Thị Minh Khai, phường 7, thị xã TV, tỉnh TV. Bị đơn: Hồ Hiếu Họ, sinh năm 1956. Địa chỉ: Phạm Thái Bường, phường 4, thị xã VL, tỉnh VL.
Nội dung sự việc: Trong đơn khởi kiện ngày 20/05/2008, đơn yêu cầu bổ sung ngày 08/08/2008, tờ tường trình ngày 07/08/2008 và tờ tường trình bổ sung ngày 28/09/2008 cùng các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, bà Mai Ngọc Hươn yêu cầu ông Hồ Hiếu Họ trả cho bà 02 khoản tiền vay còn nợ và lãi suất, cụ thể:
Ngày 06/10/2003, trong bản đối chiếu công nợ giữa bà Mai Ngọc Hươn với ông Hồ Hiếu Họ tại cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh TV, ông Họ thừa nhận còn nợ bà Hươn 533.291.000 đồng. Ông Họ cam kết trả cho bà Hươn đến 06/10/2004 trả 200.000.000 đồng và 06/10/2005 trả 333.291.000 đồng, nhưng ông Họ không thực hiện và còn hỏi bà mượn thêm 350.000.000 đồng ngày 07/01/2006. Ông Họ đưa ra lý do là đang có kế hoạch làm ăn rất tốt, mua tôm và gạo xuất khẩu ở Cà Mau nhưng yếu vốn. Do tin tưởng ông Họ là bạn làm ăn 15 năm nay nên bà phải vay mượn tiền của người khác đưa cho ông Họ. Đến nay, ông Họ không trả cho bà, bà đã đòi nhiều lần thông qua điện thoại di động, ông Họ hứa hẹn. Ngày 04/10/2008, bà Hươn tiếp tục đòi số tiền 533.291.000 đồng thông qua điện thoại di động có ghi âm và yêu cầu ông viết giấy cam kết trả nợ. Trước đó, ngày 20/06/2008, ông Họ tự nguyện làm cam kết thừa nhận còn nợ bà Hươn 200.000.000 đồng và xin trả dần mỗi tháng 1.000.000 đồng, nếu không thực hiện đúng thì bà Hươn có quyền kiện ra Tòa án, nhưng đến nay ông Họ không thực hiện như ông đã cam kết. Vì vậy, bà Hươn yêu cầu ông Họ trả 02 khoản nợ nói trên là 883.291.000 đồng và tính lãi suất cho đến khi xét xử.
Về phía bị đơn Hồ Hiếu Họ, Tòa án đã thông báo thụ lý vụ án và thông báo các phiên hòa giải hợp lệ, nhưng ông Họ không có văn bản trình bày ý kiến của mình về việc yêu cầu của nguyên đơn và cũng không đến Tòa án để hòa gỉải nên không hòa giải được.
Tòa án phải gửi giấy triệu tập ông Họ hợp lệ lần hai yêu cầu ông có mặt tại phiên tòa, nhưng ông Họ vắng mặt không rõ lý do, nên Tòa án đã căn cứ khoản 2 điều 200 Bộ luật tố tụng dân sự xét xử vắng mặt ông Họ.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 143/2008/DSST ngày 24/11/2008 Tòa án nhân dân thị xã VL, tỉnh VL đã quyết định: Áp dụng Điều 471, Điều 474 và Điệu 476 của Bộ luật dân sự năm 2005; Áp dụng khoản 2 Điều 10; khoản 1 Điều 11 Nghị định 70/CP ngày 12/06/1997 của Chính Phủ, xử: Chấp nhận yêu cầu của bà Mai Ngọc Hươn đòi ông Hồ Hiếu Họ tổng số tiền nợ là 1.324.420.000đ (Một tỷ ba trăm hai mượi bốn triệu bốn trăm hai mươi nghìn đồng).
Buộc ông Họ có nghĩa vụ trả cho bà Hươn số tiền 1.324.420.000đ (Một tỷ ba trăm hai mươi bốn triệu bốn trăm hai mươi nghìn đồng), trong đó có tiền lãi là 441.129.000đ (Bốn trăm bốn mươi mốt triệu một trăm hai mươi chín ngàn đồng).
Án phí: Buộc ông Họ phải nộp 28.324.000đ (Hai mươi tám triệu ba trăm hai mươi bốn ngàn đồng) tiền án phí dân sự sơ thẩm. Hoàn trả lại cho bà Hươn 3.500.000đ (Ba triệu năm trăm ngàn đồng) tiền tạm ứng án phí theo biên lai thu số 001341 ngày 20/5/2008 của Thi hành án dân sự thị xã VL.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ông Hồ Hiếu Họ làm đơn khiếu nại yêu cầu giám đốc thẩm lại bản án sơ thẩm.
Tại kháng nghị số 33/2012/KN-GĐT-DS, ngày 15 tháng 6 năm 2012 của Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh VL đối với Bản án dân sự sơ thẩm số 143/2008/DSST ngày 24 tháng 11 năm 2008 của Tòa án nhân dân thị xã VL (nay là thành phố VL). Đề nghị Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh VL xét xử lại theo thủ tục giám đốc thẩm hủy bản án sơ thẩm nêu trên, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố VL xét xử lại theo đúng quy định pháp luật.
Tại phiên tòa ngày 27 tháng 7 năm 2012, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh VL chấp nhận kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh VL.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 30/2012/GĐT-DS ngày 27/7/2012, Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh VL căn cứ khoản 1 Điều 291, Điều 296, khoản 3 Điều 297, khoản 2 Điều 299 của Bộ luật tố tụng dân sự, HĐXX quyết định: Chấp nhận Quyết định kháng nghị số 33/2012/KN-GĐT-DS, ngày 15 tháng 6 năm 2012 của Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh VL đối với Bản án dân sự sơ thẩm số 143/2008/DSST ngày 24 tháng 11 năm 2008 của Tòa án nhân dân thị xã VL (nay là thành phố VL).
Hủy toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm số 143/2008/DSST ngày 24 tháng 11 năm 2008 của Tòa án nhân dân thị xã VL (nay là thành phố VL) về vụ án “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” giữa nguyên đơn Mai Ngọc Hươn với bị đơn Hồ Hiếu Họ.
Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố VL, tỉnh VL xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật.
Nhận xét: Tại đơn khởi kiện ngày 20/5/2008 bà Mai Ngọc Hươn khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc ông Hồ Hiếu Họ trả bà 350.000.000 đồng gốc và trả lãi theo lãi suất Ngân hàng. Bà Hươn có xuất trình biên nhận đề ngày 7/1/2006 có nội dung ông Họ có mượn bà Hươn số tiền trên.
Tại đơn khởi kiện bổ sung đề ngày 08/08/2008 bà Hươn yêu cầu ông Họ trả bà Khoản tiền vay từ năm 1996 cùng lãi suất Ngân hàng và xuất trình bản đối chiếu công nợ vào ngày 6/10/2003 tại Công an tỉnh Trà Vinh. Tại đơn khởi kiện bổ sung và bản đối chiếu công nợ nói trên thể hiện ông Họ nợ bà Hươn tổng số tiền 533.291.000 đồng, hẹn trả trong hai năm: “năm đầu đến ngày 6/10/2003 trả 200.000.000 đồng, năm sau từ ngày 6/10/2004 đến ngày 6/10/2005 trả đủ số tiền còn lại là 333.291.000 đồng”. Bà Hươn còn xuất trình một bản “xác nhận và cam kết” do ông Họ ký đề ngày 20/6/2008 ông có nợ bà Hươn số tiền 200.000.000 đồng xin trả dần hàng tháng, mỗi tháng 1.000.000 đồng.
Tòa án cấp sơ thẩm nhận định đã tống đạt hợp lệ các văn bản tố tụng nhưng bị đơn không đến, Tòa án không lấy lời khai, không hòa giải được, Tòa án tiến hành niêm yết giấy báo phiên tòa và xét xử vắng mặt. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm không thu thập tài liệu, không kiểm tra ông Họ còn ở địa chỉ như nguyên đơn ghi trong đơn khởi kiện không? Nếu bị đơn không còn ở đó thì ở đâu? Có biết được bị nguyên đơn khởi kiện không?.v.v… Việc Tòa án có công văn hỏi Công an phường với nội dung ông Họ “hiện còn đăng ký hộ khẩu thường trú tại số 20 Phạm Thái Bường, phường 4…; hiện có xin tạm vắng ở địa phương không, đến nơi nào, thời gian tạm vắng” và chỉ được Công an phường trả lời: “ông Hồ Hiếu Họ sinh năm 1956 đăng ký hộ khẩu thường trú 20/A2 Phạm Thái Bường…” và chưa thu thập được tài liệu ông Họ còn cư trú ở đó hoặc cố tình dấu địa chỉ mà đã xét xử vắng mặt ông Họ là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Ngoài ra, việc tống đạt một số văn bản tố tụng có sai sót như quyết định giám đốc thẩm của Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh VL đã nêu, một số văn bản tố tụng Thẩm phán không ký là không đúng.
Về việc giải quyết vắng mặt bị đơn: Trong vụ án này, Tòa án có quyền giải quyết vắng mặt bị đơn khi thu thập được chứng cứ chứng minh bị đơn cố tình dấu địa chỉ, ví dụ biết nguyên đơn đã khởi kiện, bị đơn đã di chuyển đi cư trú ở chỗ khác không báo địa chỉ mới cho nguyên đơn, cho Tòa án…, hoặc bị đơn vẫn cư trú ở địa chỉ nguyên đơn cung cấp nhưng không chịu nhận các văn bản tố tụng, lẩn tránh không tiếp xúc với người giao các văn bản tố tụng… Trong trường hợp này Tòa án phải làm các thủ tục niêm yết giấy báo, văn bản tố tụng theo đúng quy định tại Điều 152 đến Điều 154 Bộ luật tố tụng dân sự, thì việc tống đạt đó mới được coi là hợp lệ. Tòa án cấp sơ thẩm không làm đúng như vậy là sai.
(còn nữa)