Bão số 9 giật cấp 12 liên tục đổi hướng, các tỉnh ven biển chủ động ứng phó

Mai Đỉnh| 23/11/2018 07:22
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trước tình hình cơn bão số 9 có khả năng đi thẳng vào khu vực Nam Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ, các địa phương đang gấp rút chuẩn bị công tác phòng chống, ứng phó để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do cơn bão gây ra.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, hồi 04 giờ ngày 23/11, vị trí tâm bão số 9 nằm trên khu vực phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa, cách đất liền các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu khoảng 450km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam mỗi giờ đi được khoảng 10-15km và có khả năng mạnh thêm. Đến 04 giờ ngày 24/11, vị trí tâm bão cách bờ biển các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu khoảng 230km về phía Đông, cách đảo Phú Quý khoảng 130km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 180km tính từ tâm bão.

Do ảnh hưởng của bão nên ở khu vực phía Tây vùng biển giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, sau tăng lên cấp 9-10, giật cấp 12; biển động rất mạnh.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km, đi vào đất liền các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ với cường độ mạnh cấp 8, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. 

Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với rìa phía Tây hoàn lưu bão số 9, từ trưa nay ở vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận có gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 8; từ sáng mai (24/11) gió mạnh cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9-10, giật cấp 12. Biển động rất mạnh. Sóng trên biển vùng gần tâm bão cao 5-7m, vùng gần bờ cao 3-5m.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9 kết hợp với không khí lạnh, từ chiều tối và đêm nay (23/11) đến ngày 26/11 ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận và Nam Tây Nguyên có mưa rất to (300-500mm/đợt); Bắc Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa to (100-200mm/đợt).

Từ ngày 24-27/11, trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Nam và khu vực Tây Nguyên khả năng ở mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2; các sông từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận ở mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị tại các tỉnh trên. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1-2.

Bão số 9 giật cấp 12 liên tục đổi hướng, các tỉnh ven biển chủ động ứng phó

Vị trí và hướng đi của con bão số 9 (theo Nchmf)

Ngày 22/11, Thủ tướng Chính phủ có Công điện 1671/CÐ-TTg chỉ đạo tập trung ứng phó với bão số 9 và mưa lũ. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành liên quan, các địa phương ở khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của bão, mưa lũ theo dõi chặt chẽ diễn biến, kịp thời chỉ đạo, triển khai các phương án ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ"; rà soát, kiểm đếm tàu thuyền trên biển, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch, nhất là tàu thuyền xa bờ để hướng dẫn di chuyển tránh bão.

Quảng Nam chủ động trước diễn biến của bão

Ban Chỉ huy PCTT tỉnh đã ban hành Công điện số 5 chỉ đạo các địa phương, đơn vị chủ động ứng phó. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với các địa phương ven biển thường xuyên giữ thông tin liên lạc, thông báo, hướng dẫn cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến của bão để thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm.

Khánh Hòa di dời hàng trăm hộ dân đến nơi an toàn

Rút kinh nghiệm của cơn bão số 8 vừa qua, gây thiệt hại nặng về người và tài sản, ngay khi bão số 9 trên Biển Đông hình thành có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến Khánh Hòa, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã khẩn trương thực hiện các biện pháp ứng phó.

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, trên cơ sở diễn biến thực tế, tỉnh đã chỉ đạo các ban, ngành, địa phương tổ chức kiểm tra, bố trí lực lượng canh gác tại các điểm xung yếu, nguy hiểm nhằm bảo đảm an toàn cho người và phương tiện. Khẩn trương di dời, sơ tán khoảng 280 ngàn dân đến nơi an toàn. Đối với  40 ngàn lồng bè và hơn 8.000 lao động đang ở trên trên biển, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các đơn vị, địa phương kiên quyết di dời, không để người dân ở lại trên các lồng bè.

Toàn tỉnh có 30 hồ chứa thủy lợi, hiện tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan, vận hành xả lũ hợp lý sao cho vừa bảo đảm an toàn cho hạ du, vừa bảo đảm an toàn hồ chứa và tích nước tối đa để phục vụ sản xuất. TP Nha Trang hiện còn 71 điểm xung yếu với khoảng 400 hộ dân đang sinh sống. Tùy theo tình hình thực tế, địa phương sẽ triển khai các phương án di dời người dân ở những khu vực này cũng như các hộ nuôi trồng thủy sản trên lồng bè đến nơi an toàn.

Phú Yên chỉ đạo triển khai công tác bảo đảm an toàn 44 hồ đập

Tỉnh Phú Yên chỉ đạo các ngành liên quan và chính quyền các địa phương thường xuyên cập nhật thông tin bão số 9 để chủ động ứng phó.  Tính đến 16h chiều 22/11, hơn 1.000 tàu thuyền của ngư dân thị xã Sông Cầu, huyện Tuy An, huyện Đông Hòa và thành phố Tuy Hòa tỉnh Phú Yên được thông báo đầy đủ thông tin về bão số 9. Những tàu thuyền còn neo đậu tại bờ cương quyết không làm thủ tục xuất bến. 

Bộ đội Biên phòng tỉnh đã lên phương án trực 24/24 giờ; sẵn sàng ứng phó. Chính quyền các địa phương có số lồng nuôi lớn đang khẩn trương vận động người dân có biện pháp an toàn và cương quyết không để người ở lại trên lồng bè. Trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc việc ứng phó với bão số 9, lãnh đạo tỉnh Phú Yên lưu ý trong trường hợp mưa lớn, kết hợp xả lũ phải có cảnh báo cho người dân. Bên cạnh đó phải đảm bảo an toàn hồ đập. Riêng 44 hồ đập, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai công tác bảo đảm an toàn.

Bình Ðịnh hướng dân ngư dân đang di chuyển tàu thuyền ra khỏi vùng nguy hiểm

Hiện công tác ứng phó với bão số 9 đã được triển khai khẩn trương. Sáng 22/11, ngành chức năng đã liên lạc và hướng dẫn ngư dân di chuyển tàu thuyền tìm nơi tránh trú an toàn. Toàn tỉnh có 6.245 tàu với 43.031 ngư dân, trong đó có 4.194 tàu với 26.505 ngư dân hoạt động ven bờ và neo đậu tại bến cá trong tỉnh, còn lại hoạt động tại các vùng biển khác và vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Hiện ngư dân đang di chuyển tàu thuyền ra khỏi vùng nguy hiểm.

Bình Thuận cấm tàu thuyền ra khơi từ 16h chiều 22/11

Ngày 22/11 khu vực tỉnh Bình Thuận chịu ảnh hưởng của gió mùa đông bắc cường độ trung bình đến mạnh và huyện đảo Phú Quý là địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 9. Ðể chủ động ứng phó với bão, Ban Chỉ huy PCTT tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố ven biển triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn tàu thuyền; đề nghị cấm tàu thuyền ra biển hoạt động từ 16 giờ ngày 22/11; tổ chức kêu gọi và bố trí bến bãi, sắp xếp, neo đậu tàu thuyền an toàn.

Bà Rịa – Vũng Tàu: Chuẩn bị phương án di dân 3 xã ven biển tránh trú bão an toàn

UBND huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, 3 xã ven biển là Bình Châu, Phước Thuận và Bưng Riềng là những địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp nếu bão tiến vào đất liền, do vậy công tác ứng phó với bão đã được địa phương triển khai khẩn cấp, phân công các địa phương tổ chức di dân đến nơi an toàn.

Ngay trong chiều 22/11, gần 4.000 tàu thuyền với khoảng 20 nghìn ngư dân đã được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kêu gọi vào bờ. Hơn 3.000 tàu cá với gần 20 nghìn ngư dân đang hoạt động trên biển cũng được thông báo di chuyển khỏi vùng nguy hiểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bão số 9 giật cấp 12 liên tục đổi hướng, các tỉnh ven biển chủ động ứng phó