Ấm tình hai mái Trường Sơn

Nam Hoàng-Vân Phạm| 17/04/2015 08:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việt Nam - Lào, hai quốc gia, hai dân tộc láng giềng đã cùng nhau vun đắp nên một quá trình lịch sử sâu đậm tình đoàn kết, tương trợ lẫn nhau.

Với hơn 2000km đường biên giới tiếp giáp bắt đầu từ cột mốc ngã ba biên giới A Pa Chải và kết thúc tại cột mốc ngã ba biên giới Bờ Y, thiên nhiên kỳ diệu đã kiến tạo dải Trường Sơn hùng vĩ cùng dãy Pu Xam Sao hiểm trở là đường biên giới tự nhiên. 

Truyền thống hữu hảo

Hai mái Trường Sơn hôm nay đang khởi sắc từng ngày với những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc giao lưu, phát triển kinh tế giữa hai nước. Hai Đảng, hai Nhà nước luôn khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác xây dựng khu vực biên giới ngày càng ổn định và phát triển toàn diện hơn. Đó là sự tiếp nối truyền thống vẻ vang của thế hệ hôm nay đối với công lao của cha ông, những người dân Việt - Lào đã đổ máu xương để bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc mình, để xây dựng và bảo vệ tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc.

Trong quá khứ, quan hệ Việt - Lào vốn đã có những khởi đầu tốt đẹp và thân thiện. Các thư tịch cổ còn lưu giữ được cho tới ngày nay đã cho thấy mối quan hệ bang giao tốt đẹp trên mọi phương diện giữa các triều đại phong kiến Việt Nam - Lào. Khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, Lào, Campuchia cuối thế kỷ 19, chúng sáp nhập ba nước thành “xứ Đông Dương thuộc Pháp” và đặt ách đô hộ tàn ác lên cả ba dân tộc. Lịch sử ghi nhận đã nhiều lần nhân dân hai nước cùng kề vai sát cánh chống quân xâm lược, vùng biên giới Việt - Lào trở thành nơi ghi dấu những câu chuyện ấm áp nghĩa tình, những chiến công vang dội của quân dân hai nước đã vun đắp nên một tình hữu nghị đặc biệt cho tới tận ngày nay.

Cuối năm 1928, bản Xiêng Vang - một bản nhỏ thuộc tỉnh biên giới Khăm Muộn là nơi chứng kiến những tháng ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại bắt đầu truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê Lin và tư tưởng cứu nước mới vào Đông Dương. Tại đây, Người đã soạn tài liệu tuyên truyền, mở lớp dạy chữ, đào tạo cán bộ cách mạng từ một số Việt Kiều yêu nước và những người Lào tiến bộ. Sau khi ra đời chưa được bao lâu, do yêu cầu của cách mạng, tháng 10/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương để tăng cường thêm sức mạnh cho phong trào đấu tranh của ba nước Đông Dương.

Ấm tình hai mái Trường Sơn

        Người Việt trên đất Lào quây quần đón Tết 

Giữa những ngày Tháng Tám năm 1945 lịch sử, cùng với quá trình Tổng khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương và Xứ uỷ Lào, phong trào cách mạng của hai nước Việt Nam và Lào ngày càng phát triển. Ngay sau khi nước Việt nam dân chủ cộng hòa ra đời, ngày 4/9/1945, Hoàng Thân Shuvanuvông đã có cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội. Ông tuyên bố rằng: "Quan hệ Lào - Việt từ nay sẽ mở ra một kỷ nguyên mới…”. 

Nếu như vùng biên Khăm Muộn đã yêu thương, giúp đỡ cho những tháng ngày hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Lào thì những bà con ở xã biên giới Phiêng Xoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La đã đùm bọc, chở che cho người con ưu tú của cách mạng Lào Cayxỏn Phôngvihẳn. Đồng chí đã được gia đình cụ Tráng Lao Khô nhận làm con nuôi. Tại vùng đất biên cương này, đồng chí Cayxỏn Phôngvihẳn đã tổ chức thành lập Quân giải phóng Lào, lấy tên đơn vị là Lát - Xa - Vông. Từ đây, các bạn Lào đã mở rộng căn cứ thành bốn khu Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, Phong Xa Lỳ và Luông Pha Băng. Sau này, đồng chí Cayxỏn Phôngvihẳn đã đặt tên bản là Lao Khô để tưởng nhớ những người từng giúp mình và cách mạng Lào. Bản Lao Khô ngày nay đã được lãnh đạo hai Đảng, hai nhà nước đầu tư xây dựng một khu di tích lịch sử cách mạng Việt - Lào trên biên giới.

Cùng kề vai sát cánh      

Thật khó có thể kể hết những câu chuyện nhường cơm sẻ áo, yểm trợ nhau qua từng trận đánh, chi viện cho nhau qua từng chiến dịch của những chiến sỹ giải phóng quân Lào với quân tình nguyện Việt Nam. Trong kháng chiến chống Pháp, nhân dân Lào vẫn nhớ những người lính trong đoàn quân Tây Tiến giúp đỡ quân dân Lào xây dựng, củng cố vùng giải phóng và các căn cứ liên hoàn suốt từ Thượng Lào đến Trung Lào, Hạ Lào. Trong kháng chiến chống Mỹ, một lần nữa quân dân hai nước lại kề vai sát cánh đấu tranh với kẻ thù mới. Những chiến công liên tiếp của liên quân Việt Lào đã buộc Mỹ phải công nhận nền độc lập của Lào tại Hội nghị Giơnever tháng 7/1962. Sự kiện này đánh dấu vị thế của cách mạng Lào trên trường quốc tế, đồng thời thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết gắn bó giữa hai nước Việt Nam - Lào.               

Là một dân tộc hiền hòa và nghĩa tình son sắc, nhân dân các bộ tộc Lào cũng đã có những sự giúp đỡ quan trọng để cách mạng Việt Nam nhanh chóng giành được thắng lợi vẻ vang. Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại chính là một biểu tượng không thể phủ nhận về tình đoàn kết chiến đấu giữa hai dân tộc anh em. Đường phía tây Trường Sơn nhiều đoạn chạy dọc theo khu vực biên giới của đất bạn qua các tỉnh Trung và Hạ Lào. Trong quá trình mở đường, Đảng và nhân dân bạn giúp đỡ hết sức nhiệt tình, vì bạn coi đây là con đường chiến đấu chung của cả ba nước Đông Dương đánh Mỹ. Vậy là đường Trường Sơn cứ dài theo đất nước, như mũi tên lao về phía quân thù cho đến ngày toàn thắng.               

Từ năm 1959 đến năm 1962, tình hình biên giới Việt - Lào vô cùng căng thẳng với sự xuất hiện của bọn thám báo, biệt kích được Mỹ - Ngụy đào tạo trên đất Lào rồi tung về đánh phá ta. Đồng thời cuộc nội chiến ở Lào diễn ra hết sức quyết liệt, cán bộ và nhân dân Lào yêu nước bị bọn phản động phái hữu sát hại và truy đuổi phải tạm lánh qua nước ta để tránh sự khủng bố của địch. Vùng biên giới Điện Biên, Sơn La, Nghệ An, Thanh Hóa, mỗi ngày các đồn biên phòng và chính quyền địa phương phải tiếp nhận và giải quyết nơi ăn chốn ở cho hàng nghìn người Lào.

Ấm tình hai mái Trường Sơn

Đồng bào hai nước đắm say trong điệu múa Lăm Vông

Trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, đất nước còn nhiều khó khăn, song với tinh thần “giúp bạn là tự giúp mình”, Trung ương Đảng chủ trương đẩy mạnh công tác giúp đỡ bạn Lào về mọi mặt. Nghị quyết số 170/NQ-TƯ ngày 10/10/1967 của Bộ Chính trị nêu rõ phương châm giúp bạn của ta là “một cách cơ bản, toàn diện, liên tục và lâu dài…”.

Trong rất nhiều những hoạt động giúp bạn trên biên giới Việt Lào, có thể nói, chiến dịch K5 là một biểu tượng của tinh thần đoàn kết chiến đấu, đồng cam cộng khổ giữa những người chiến sỹ cách mạng Lào - Việt trên biên giới.

Vào năm 1968, tuyến biên giới Việt Lào trở nên vô cùng phức tạp với các hoạt động tàn bạo của bọn phỉ Vàng Pao do CIA trực tiếp chỉ huy nhằm khống chế các địa bàn hành lang biên giới, chia cắt vùng giải phóng của bạn với miền Bắc nước ta. Theo yêu cầu của bạn, các lực lượng chủ lực của quân khu 4 đã tiến hành nhiều trận chiến đánh tan lực lượng phỉ và phái hữu dọc đường 7 trên đất bạn, song phỉ lại co cụm về vùng núi phía Nam đường 7, chiếm đóng 3 vị trí là Mường Chuồn, Phà Cạt và Pa Hom.

Chúng đẩy mạnh hoạt động biệt kích, thám báo và xâm nhập vào nước ta để do thám, chỉ điểm cho máy bay địch bắn phá. Trước tình hình đó, Công an nhân dân vũ trang Nghệ An đã báo cáo lên tỉnh ủy Nghệ An xin chủ trương giải quyết. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, Trung ương Đảng và Chính phủ đã nhất trí với đề xuất của tỉnh Nghệ An là mở chiến dịch tiêu diệt phỉ Vàng Pao với tên gọi là chiến dịch K5, giao cho Công an nhân dân vũ trang thực hiện.      

Suốt thời gian từ năm 1969 đến 1972, ta bám chắc địa bàn, xây dựng cơ sở chính trị và cùng lực lương vũ trang nước bạn liên tục chiến đấu tiêu diệt đồn Mường Chuồn, đồn Pa Hom, đồn Phà Cạt, làm tan ra nhiều toán phỉ và gián điệp tay sai, giải phóng hàng vạn nhân dân Lào thoát khỏi sự khống chế, kìm kẹp của địch. Chiến thắng này có ‎ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ biên giới từ xa và làm thất bại âm mưu phá hoại cách mạng hai nước của kẻ địch. Hơn 3000km2 thuộc huyện Mường Mày, tỉnh Bôllykhămsay hoàn toàn giải phóng.

 Hòa bình, ổn địnhvà hữu nghị

Cuộc kháng chiến chống Mỹ thành công, giang sơn thu về một mối, hai đất nước Việt - Lào cùng bước vào công cuộc tái thiết đất nước, tiến theo con đường chủ nghĩa xã hội. Giữa bộn bề công việc, song lãnh đạo hai Đảng, hai đất nước đã sớm thống nhất giải quyết vấn đề biên giới, lãnh thổ. Ngày 18/7/1977, “Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào” đã được ký kết.

Một năm sau khi ký Hiệp ước, Việt Nam - Lào bắt đầu tiến hành phân giới cắm mốc trên thực địa. Trong công tác đặc biệt quan trọng này, Công an nhân dân vũ trang đã góp một phần không nhỏ sức lực và trí tuệ. Chính phủ chỉ rõ: “Phải huy động lực lượng Công an nhân dân vũ trang trực tiếp tham gia vào việc phân giới cắm mốc và có kế hoạch đảm bảo an toàn trong quá trình triển khai công tác này tại thực địa” (Chỉ thị số 319/TTg ngày 11/11/1977).          

Tham gia phân giới cắm mốc trong hoàn cảnh lực lượng phải huy động quân số triển khai các đồn trạm trên vùng mới giải phóng, không bao lâu sau phải trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và phía Tây Nam, song Công an nhân dân vũ trang đã xác định, công tác hoạch định biên giới phải gắn liền với việc xây dựng biên giơi hòa bình, hữu nghị và bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên phòng. Ngày 1/8/1978, đội khảo sát gồm 5 đồng chí của Đồn biên phòng Sen Bụt, Công an nhân dân vũ trang Bình Trị Thiên đã hy sinh trên đường đi khảo sát thực địa.

Sau 6 năm lăn lộn trên những đỉnh cao hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, bằng lòng quyết tâm và tinh thần tương trợ lẫn nhau, lực lượng phân giới cắm mốc hai nước đã hoàn thành nhiệm vụ, hệ thống mốc quốc giới Việt Lào được hoàn thành với 202 mốc trên tổng số 2067km đường biên. Tháng 1/1986, tại Thủ đô Viên Chăn - Lào, hai bên đã ký Nghị định thư về việc phân giới cắm mốc toàn bộ đường biên giới quốc gia, mở ra một thời kỳ mới trong xây dựng và phát triển của hai nước nói chung và khu vực biên giới nói riêng. Từ đây, biên giới Việt - Lào đã thực sự là biên giới hòa bình, hữu nghị và ổn định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ấm tình hai mái Trường Sơn