Bạo lực được “ngụy biện” dưới danh nghĩa giáo dục

Giáo dục - Ngày đăng : 07:01, 26/11/2016

Rất nhiều cha mẹ coi việc đánh đập con cái chỉ với ý nghĩa là để giáo dục con, mong cho con tốt lên mà không biết rằng, đó chính là những hành vi bạo lực ảnh hưởng đến tâm sinh lý lâu dài của trẻ.

Mặc dù trẻ em công nhận rằng bố mẹ có trách nhiệm giáo dục các em nhưng một nghiên cứu gần đây cho thấy, trẻ em không bằng lòng với việc bị bạo hành. Bạo lực tại gia đình có tác hại lâu dài về thể chất, tâm lý, tình cảm và kết quả học tập của trẻ em.

Đây là một trong những kết luận của nghiên cứu “Hiểu về những trải nghiệm của trẻ em bị bạo lực ở Việt Nam: Bằng chứng từ chương trình nghiên cứu Những cuộc đời trẻ thơ” do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) thực hiện.

Nghiên cứu đã tìm hiểu những hình thức bạo lực mà trẻ em phải hứng chịu tại gia đình ở Việt Nam. Trong đó các yếu tố như nghèo khổ, những áp lực do khó khăn về tài chính đã làm căng thẳng các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và là nhân tố góp phần gây ra bạo lực tại gia đình.

Bạo lực được “ngụy biện” dưới danh nghĩa giáo dục

Bạo lực trong gia đình đang ảnh hưởng đến tâm sinh lý trẻ em. Ảnh minh họa

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu trên khoảng 2.000 thanh thiếu niên và phỏng vấn các em trong suốt 4 năm (2011-2014) để tìm hiểu xem các em biết gì về bạo lực, đã trải nghiệm bạo lực như thế nào, nguyên nhân gì dẫn tới bạo lực tại gia đình, các em quan niệm thế nào vệ hậu quả xảy ra, những hỗ trợ nào mà các em thấy là có hiệu quả để giải quyết bạo lực.

Bà Vũ Thị Thanh Hương, Nghiên cứu viên cao cấp của Viên Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và cũng là tác giả của nghiên cứu này cho biết: “Bố mẹ sử dụng bạo lực đối với con cái để giải quyết các vấn đề mà họ gặp phải trong cuộc sống hàng ngày và điều đó được xã hội chấp nhận.”

Thêm vào đó, các định kiến cố hữu về giới cũng thường được sử dụng để bào chữa cho việc nam giới sử dụng bạo lực để chứng tỏ quyền lực của mình đối với các thành viên khác trong gia đình. Các định kiến xã hội cũng góp phần bào chữa cho việc sử dụng bạo lực như là một công cụ của “giáo dục” và “kỷ luật” đối với trẻ em.

Hải Vân