Việt Nam thiếu mô hình chuẩn về phòng chống bạo lực học đường
Giáo dục - Ngày đăng : 15:38, 23/11/2016
Thông tin trên được ông Bùi Văn Linh chia sẻ tại Hội thảo tập huấn về Nâng cao năng lực phòng ngừa bạo lực giới học đường, Kỹ năng công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong các trường phổ thông, do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các tổ chức thuộc Liên Hợp quốc tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội.
Bạo lực ở trường học không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý của học sinh mà còn liên quan đến việc các em nghỉ học nhiều hơn, kết quả học tập kém hơn, bỏ học, tự ti, trầm cảm, mang thai và bị các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như HIV.
Theo Cơ quan Liên Hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), ở khu vực châu Á Thái Bình Dương, ước tính mỗi năm có tới 246 triệu trẻ em gái và trẻ em trai bị bạo lực ở trường học.
Tại Việt Nam, vấn đề bạo lực ở lứa tuổi học đường đang gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp ở nhiều địa phương. Trong khi đó, công tác phối hợp nhà trường- gia đình- xã hội còn lỏng lẻo, chưa hiệu quả, nhất là trong việc làm gương của người lớn, chăm sóc, bảo vệ và quản lý học sinh, sinh viên.
Bạo lực học đường gia tăng không chỉ ảnh hướng đến sức khỏe tâm lý của học sinh mà con khiến các em bỏ học, tự ti, trầm cảm...
Ông Bùi Văn Linh cho biết, khó khăn của ngành giáo dục – đào tạo trong vấn đề phòng ngừa bạo lực trong lứa tuổi học đường hiện nay là thiếu các mô hình chuẩn về phòng chống bạo lực học đường để triển khai trên toàn quốc, không đủ nhân nhân lực có chuyên môn để tổ chức tư vấn, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh- sinh viên.
Vì vậy, để ngăn ngừa bạo lực giới ở trường học thì cần trang bị cho giáo viên những kiến thức cơ bản về tâm lý và kỹ năng tư vấn cơ bản để tư vấn cho học sinh. Sàng lọc và phân loại nhóm học sinh cá biệt trên cơ sở đó phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, Ban giám hiệu nhà trường có biện pháp chăm sóc, giáo dục các em chuyển đổi hành vi của mình để không xảy ra những hậu quả mà chúng ta phải giải quyết.
Nhằm góp phần ngăn ngừa bạo lực giới học đường, trong 2 ngày tập huấn, các chuyên gia giới thiệu bộ công cụ với tên gọi "Xây dựng các mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng: Ngăn ngừa bạo lực giới ở trường học". Bộ công cụ này được Đại học Melbourne (Australia) xây dựng với sự hỗ trợ của nhóm công tác khu vực về bạo lực giới ở trường học thuộc Sáng kiến Giáo dục cho Trẻ em gái khu vực Đông Á - Thái Bình Dương.
Bộ tài liệu được sử dụng trong hai ngày tập huấn nhằm trang bị kiến thức cơ bản về công tác tư vấn tâm lý và kỹ năng tư vấn tâm lý cơ bản cho các nhà quản lý, cán bộ, giáo viên cốt cán các trường THCS và THPT. Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu cũng đóng góp ý kiến cho Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý trong các trường phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo.