Bộ GD-ĐT chính thức công bố quy định đánh giá học sinh tiểu học
Giáo dục - Ngày đăng : 16:30, 28/09/2016
Bộ Giáo dục - Đào tạo ban hành Thông tư 22 sửa đổi, bổ sung sẽ thay thế Thông tư 30 và được triển khai bắt đầu từ ngày 6/11/2016. Theo đó thông tư này vẫn giữ nguyên cách đánh giá thường xuyên bằng việc nhận xét, đánh giá định kì bằng điểm số kết hợp với nhận xét; kết hợp đánh giá của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh.
Trong thông tư 22 đã có những vấn đề đổi mới và có tính chất bám sát vào quá trình học tập và rèn luyện của các em học sinh tại trường. Qua đó thay vì có hai mức đánh giá là hoàn thành và chưa hoàn thành, trong thông tư 22 này sẽ có thêm một mức là hoàn thành tốt.
Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định đánh giá học sinh tiểu học nhằm khắc phục những bất cập xung quanh việc bỏ chấm điểm ở bậc học này.
Việc đánh giá theo 3 mức sẽ được giáo viên thực hiện vào giữa kì, cuối mỗi học kì, cung cấp những thông tin phản hồi rất hữu ích liên quan đến quá trình học tập của học sinh, những lĩnh vực nào có sự tiến bộ, lĩnh vực học tập nào còn khó khăn.
Đồng thời việc thay đổi này giúp học sinh nhận ra mình thiếu hụt những gì so với chuẩn kiến thức, kỹ năng hay yêu cầu, mục tiêu bài học để cả giáo viên và học sinh cùng điều chỉnh hoạt động dạy và học.
Thông tư 22 cũng quy định thông qua quá trình đánh giá thường xuyên đến giữa và cuối mỗi học kì, lượng hóa mỗi năng lực, phẩm chất thành ba mức: tốt, đạt, cần cố gắng (trước đây theo Thông tư 30 chỉ có 2 mức đạt và chưa đạt).
Theo quy định trong Thông tư 22, những gánh nặng về sổ sách sẽ được giảm tải cho các giáo viên trong quá trình dạy và theo dõi các em học sinh. Theo đó, sổ theo dõi chất lượng giáo dục sẽ được thay bằng bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục, đồng thời không quy định cứng nhắc bất kì loại sổ nào sử dụng.
Tại thông tư này cũng quy định rõ việc khen thưởng những học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện và những học sinh có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về từng nội dung đánh giá. Để phân biệt với những em chỉ hoàn thành nhiệm vụ, từ đó sẽ tạo cho các em tinh thần cố gắng để đạt thành tích và kết quả cao nhất trong tất cả quá trình rèn luyện của bản thân.
Một điểm thay đổi quan trọng nữa trong Thông tư 22 là quy định thêm về các bài kiểm tra định kì giữa các kì học cho khối 4 và khối 5 đối với hai môn Tiếng Việt và Toán nhằm giúp giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục, phụ huynh có thêm thông tin về quá trình học tập của học sinh với hai môn học này. Học sinh qua đó cũng được làm quen dần với cách thức kiểm tra đánh giá của bậc học tiếp theo.