Dạy thêm, học thêm: Câu chuyện chưa có hồi kết
Giáo dục - Ngày đăng : 06:32, 04/09/2016
Cái gốc của dạy thêm, học thêm
Câu chuyện dạy thêm, học thêm gần đây lại nóng lên khi TP Hồ Chí Minh quyết liệt trong việc thực hiện quy định cấm dạy thêm, học thêm. Đã có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh quy định cấm này, không chỉ có giáo viên và cả những người làm công tác quản lý, những bậc phụ huynh…Thậm chí có vị Hiệu trưởng một trường Tiểu học đã khóc mà cho rằng: “Chúng ta nên tính đến phương án quản lý sao cho tốt chứ đừng quản lý không được thì cấm. Tại sao các bác sĩ được mở phòng khám ngoài giờ, ca sĩ chạy sô kiếm tiền được mà giáo viên lại không thể sống bằng chính nghề của mình?”.
Bà Nguyễn Thị Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Túc (Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh), cho rằng việc ngưng dạy thêm là rất đột ngột và khiến nhà trường rất buồn. Bởi lẽ trường dạy thêm trong ba năm qua và thực hiện rất tốt, đến nay chưa xảy ra bất kỳ phản ánh tiêu cực nào từ phụ huynh. Đặc biệt trường còn có chế độ để miễn giảm cho các trường hợp khó khăn. Áp lực của các trường hiện nay là phải giải quyết một lượng kiến thức quá lớn. Điểm đầu vào lớp 10 của trường rất thấp nhưng vẫn phải dạy chung một chương trình sách giáo khoa và thi cử. Vì thế để có được đầu ra tốt cho các em là một bài toán rất khó cho nhà trường.
Một Hiệu trưởng khác cũng khá tâm tư khi cho rằng, nếu xóa bỏ việc dạy thêm, học thêm nhưng vẫn giữ nguyên cách thi cử, đánh giá học sinh thì chắc chắn giáo dục sẽ đi xuống. Vị Hiệu trưởng cũng cho rằng, việc thi cử và chương trình học, nếu không thay đổi thì việc dạy thêm, học thêm vẫn còn tồn tại.
Chừng nào còn nặng nề thành tích, chừng đó nạn dạy thêm học thêm vẫn còn tồn tại
Trái ngược với ý kiến của các thầy cô, Tiến sĩ Vũ Thu Hương, Giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng: “Học thêm là việc mà trẻ được tiến hành khi việc học chính không thể đầy đủ, để trẻ theo kịp bài học trên lớp cũng như chương trình học. Đối tượng phục vụ của trường lớp nói chung và vấn đề dạy thêm, học thêm là trẻ nhỏ. Nhưng thời gian gần đây, tại Việt Nam, bọn trẻ chẳng còn có quyền được sử dụng những gì của chúng nữa. Tất cả được gom vào túi tiền và tham vọng của người lớn".
Tiến sĩ Hương cũng cho rằng, học sinh vốn coi việc đi học là một sự cạnh tranh vô cùng lành mạnh, nhưng chính các phụ huynh lại không thích những thứ đó và luôn đặt ra câu hỏi cho chính mình, cho con mình: Con mình thế này, con người khác ra sao, nó đạt thành tích thế nào và con mình đứng thứ mấy trong lớp?...
Và rồi chính những câu hỏi đó đã khiến các bậc phụ huynh tạo áp lực cho con, đẩy con đến một sự "quá tải" không cần thiết.
Mới đây nhất, ông Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư Trung ương trong cuộc tiếp xúc với cử tri Đà Nẵng đã có câu trả lời khi cử tri đặt câu hỏi vể vấn đề dạy thêm, học thêm cũng như kiến nghị về việc cấm triệt để dạy thêm, học thêm.
Theo ông Huynh, chống dạy thêm, học thêm thực chất là chống tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, cắt xén chương trình học chính khóa trên lớp để bắt học sinh đi học thêm và sẽ không cho lên lớp hay trừ điểm khi không đi học thêm. Còn nếu dó là nhu cầu chính đáng của phụ huynh, học sinh, là sự tự nguyện thì không thể cấm.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh, cho biết theo khảo sát của Sở, chỉ có khoảng 1/3 học sinh đang học thêm. Theo ông, nguyên nhân dạy thêm, học thêm xuất phát từ nhu cầu chính đáng của phụ huynh học sinh để đáp ứng yêu cầu của thi cử. Đề thi THPT quốc gia hiện nay phân hóa rõ rệt, nặng kiểm tra kiến thức hơn theo hướng phát triển kỹ năng khiến học sinh buộc phải học thêm. Sĩ số học sinh hiện nay rất lớn, một giáo viên giỏi cỡ mấy cũng không thể truyền đạt hết kiến thức đến từng em và cho các em tập luyện.
Có một thực tế không thể phủ nhận đó là lương của một giáo viên mới ra trường sau khi cộng trừ tất cả các khoản chưa đến 3 triệu đồng/tháng, cùng với tiền dạy thêm tại trường tối đa được thêm 3 triệu đồng, như vậy thu nhập một tháng của một giáo viên chưa được 6 triệu đồng. Với mức thu nhập như vậy, trong điều kiện cuộc sống hiện nay, quả thật sẽ gặp nhiều khó khăn.
Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh đã đưa ra 5 giải pháp trước mắt để quản lý việc dạy thêm, học thêm: Thứ nhất, không cho phép giáo viên dạy học sinh mình đang dạy chính khóa trong bất kỳ trường hợp nào, kể cả trong và ngoài nhà trường. Sở sẽ xử lý ở mức cao nhất là đuổi việc nếu giáo viên vi phạm. Thứ hai, nâng cao trách nhiệm của Hiệu trưởng nhà trường trong việc quản lý giáo viên dạy thêm. Hiệu trưởng sẽ chịu mức kỷ luật cao nhất nếu để xảy ra việc ép buộc HS tham gia học thêm của giáo viên trong đơn vị mình. Thứ ba, ngừng cấp phép mới cho việc dạy thêm trong nhà trường. Thứ 4, Sở GD-ĐT tiếp tục phối hợp với các quận, huyện để tiến hành thanh tra, kiểm tra để chấm dứt dạy thêm sai quy định. Thứ năm, Sở sẽ tiếp tục đổi mới kiểm tra đánh giá, phương pháp giảng dạy và chấm dứt việc ra đề kiểm tra, đề thi theo hướng học thuộc. |
Trước đây, khi Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT quy định về việc cấm dạy thêm, học thêm từ năm 2012 đã khiến nhiều địa phương “gặp khó” khi mà phải đi kiểm tra để “bắt” các giáo viên tổ chức dạy thêm, học thêm trái phép, và không tránh khỏi những nỗi niềm của thầy cô như bị “xúc phạm” khi buộc lòng phải ký vào biên bản vi phạm ngay trước mặt học sinh.
Biên bản vi phạm vẫn ký nhưng việc học thêm, dạy thêm cũng không thể giảm đi hay bị xóa bỏ, bởi đơn giản rằng trong nền kinh tế thị trường, có cầu ắt có cung, khi học sinh, phụ huynh còn muốn học thì giáo viên vẫn dạy. Và có lẽ người chịu nhiều “thiệt thòi” lại là các bậc phụ huynh khi mà ngoài việc trả chi phí cho việc học thì còn phải trả thêm phí thuê địa điểm, phí quản lý trung gian…
Một câu hỏi đặt ra, vì sao nên nỗi? Vì sao ta cứ phải dạy thêm, học thêm? Các nước khác có dạy thêm học thêm hay không? Xin thưa, bất kỳ nước nào cũng có dạy thêm, học thêm, thậm chí chi phí cho học thêm ở nước ngoài không hề rẻ và học sinh các nước học thêm để thi được vào các ngôi trường danh giá như Havard, Oxford, Yale, Chicago….
Chỉ có điều, việc dạy thêm học thêm của các nước khác không rầm rộ như ở nước ta và thu nhập của giáo viên nước họ không phải đến từ việc dạy thêm.
Cấm cũng cần có lộ trình phù hợp
Quyết liệt trong việc cấm dạy thêm, học thêm để ngăn chặn tiêu cực là điều tốt, tuy nhiên nếu vì thế mà kỷ luật, đuổi việc khi giáo viên vi phạm lại cần phải cân nhắc và xem xét lại. Bởi vi phạm nào cũng có căn nguyên của nó, không thể vội vàng xử lý khi chưa tìm hiểu rõ nguồn cơn, điều đó sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy không đáng có.
Việc cấm dạy thêm, học thêm muốn thực hiện tốt cũng cần phải thực hiện đồng bộ với việc đổi mới chương trình dạy học, các phương pháp kiểm tra, đánh giá năng lực của học sinh, để từ đó có những giải pháp phù hợp nâng cao hiệu quả học tập.
Không phủ nhận một thực tế rằng việc dạy thêm, học thêm cũng có nhiều biến tướng, tiêu cực, tuy nhiên, theo thống kê con số này chỉ chiếm khoảng 10% và các cơ quan quản lý cũng đã kịp thời kiểm tra, chấn chỉnh.
Cấm dạy thêm, học thêm tràn lan là điều cần thiết
Dù phản đối hay ủng hộ, thì thực chất việc cấm dạy thêm, học thêm tràn lan là điều cần thiết, bởi có thể thấy rằng, bất kỳ một đứa trẻ Tiểu học nào, khi chưa chính thức đến trường cũng đã phải học thêm rất nhiều, từ nhận biết mặt chữ, mặt số đến việc luyện chữ sạch, chữ đẹp…. Tuy nhiên, dù cấm hay hạn chế cũng cần phải có lộ trình phù hợp, đảm bảo được quyền lợi của học sinh, tránh những xáo trộn không cần thiết. Bởi suy cho cùng, học sinh mới là đối tượng chính của bất kỳ một quyết sách giáo dục nào.
Có lẽ, câu chuyện dạy thêm, học thêm vẫn còn là chủ đề bàn cãi kéo dài và chỉ khi nào học sinh thoát khỏi áp lực thi cử, phụ huynh thoát khỏi suy nghĩ con em mình học để đậu đại học, giáo viên không bị nặng về thành tích và có được đồng lương xứng đáng thì lúc ấy chuyện dạy thêm - học thêm sẽ không còn là “vấn nạn” mà trở thành một hoạt động đầy trách nhiệm đối với con em chúng ta và khi đó câu chuyện mới mong có hồi kết.