Tương lai là phải học đại học hay học... đại?

Giáo dục - Ngày đăng : 22:27, 29/06/2016

Không khó để bắt gặp cảnh sinh viên đang theo học các trường nổi tiếng ngày ngày lên giảng đường… ngủ gật, tối café, trà đá chém gió. Đời sinh viên chả mấy chốc vèo trôi. Nhìn lại thì...

Tương lai là phải học đại học hay học... đại?

Định hướng sao cho đúng?

Kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia 2016 sẽ diễn trên cả nước từ ngày 1-4/7. Đây là kỳ thi quan trọng nhất trong năm, không chỉ đối với sĩ tử, mà còn cả những bậc phụ huynh. Bởi đây chính là cánh cửa gần như mang yếu tố quyết định đối với con đường đi sắp tới của các em sau khi kết thúc 12 năm đèn sách.

Đến hẹn lại lên, câu chuyện làm nghề, học nghề, hay nộp hồ sơ xét tuyển vào một trường đại học mơ ước (hoặc chọn đại một trường nào đó cho bằng bạn bằng bè)… tiếp tục trở thành vấn đề nóng hổi của toàn xã hội, một câu hỏi lớn, thậm chí nhiều khi là đòn cân não giữa phụ huynh và học sinh. Theo năng lực, sở thích, đam mê cá nhân, hay theo ý kiến của bố mẹ, lựa chọn đó sẽ góp phần quyết định vào thành công và tạo nên hạnh phúc cho các em sau này.

Học xong, lấy bằng để đó!

Trong bài viết “Chọn nghề cho con hay học cho cha mẹ?”, Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu kể lại một câu chuyện mà bất cứ ai đã “mài đũng quần” trên giảng đường đại học 4-5 năm trời từng không ít lần chứng kiến.

“Nếu có cơ hội lần hai, anh chị nào đang ngồi đây quyết định sẽ chọn lại ngành học cho mình?”. Kết quả vô cùng bất ngờ: 60 - 70% giơ tay nhanh chóng. Có thể độ tin cậy không hoàn toàn, nhưng đó đáng để thừa nhận rằng, đó là một thực trạng gây sốc”, Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu chia sẻ về một kết quả khảo sát nhỏ mà anh thường tiến hành khi giảng dạy.

Lý do là gì? Cùng với việc “do tìm hiểu không kỹ” về ngành học, nên khi vào học, không thấy giống như đã hình dung trước đó, thì “thi theo bắt buộc của gia đình” là một trong những lý do phổ biến nhất mà anh được cung cấp trong cuộc khảo sát kể trên. Vậy là, đã phóng lao thì phải theo lao, dù không muốn học cũng phải cố gắng học cho xong để lấy tấm bằng cử nhân, để xin một công việc nào đó (đã được cha mẹ nhắm từ trước), hoặc cứ để đó… tính sau…

Còn nhớ vào khoảng giữa tháng 8/2015, nhiều người đi qua khu vực đường Cầu Giấy ngạc nhiên thấy một thanh niên cầm tấm biển mang dòng chữ: “Tôi vừa tốt nghiệp, tôi đã là Bố. Tôi cần một công việc để mua sữa cho con. Bạn cần tuyển tôi. Liên hệ: Conanbn90@gmail.com”. Kèm theo đó hình ảnh người bố đang dắt tay con gái và chỉ về phía biển, nơi có những cánh buồm mơ ước.

Tương lai là phải học đại học hay học... đại?

Học đại học, tốt nghiệp, rồi liệu có tìm được việc làm?

Anh thanh niên đã tốt nghiệp, đã là một người cha, nhưng lại không có việc làm, và đi xin việc bằng cách… cầm biển đứng giữa đường! Dị, lạ, vớ vẩn!? Nhiều người bình luận. Nhưng xót xa!

Có lẽ, anh cũng chẳng khác những thạc sĩ, cử nhân phải giấu bằng hay học liên thông ngược là bao. Bởi, cũng như anh, họ cần công việc để kiếm sống, trong khi với tấm bằng thạc sĩ, cử nhân đó, họ thất nghiệp! (tất nhiên, cũng do nhiều lý do khác nữa).

Tôi cũng từng trải qua thời sinh viên, cũng từng có quãng thời gian giống như những sinh viên năm cuối ở các trường ĐH, CĐ mà khi được hỏi, đều có chung một câu trả lời “cứ tốt nghiệp đã, công việc tính sau”. Tôi cũng từng gặp nhiều sinh viên đang theo học các trường nổi tiếng ngày ngày lên giảng đường… ngủ gật, tối café, trà đá chém gió. Cuối cùng, đời sinh viên trôi vèo qua mà không biết mình học được gì và sẽ làm gì trong tương lai. 

Hiểu rõ năng lực, lựa chọn tương lai

Ở một số quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, chẳng hạn như CHLB Đức, Singapore, học sinh đã được phân luồng từ khi học hết Tiểu học, bắt đầu bước chân vào cấp THCS. Và, khi học hết lớp 9, các em đã hiểu được khả năng, sở thích của mình và có thể tự mình lựa chọn nghề sao cho phù hợp. Việc này sẽ giúp các em có thể nhìn lại và xác định một cách tương đối chắc chắn lựa chọn cho mình sau khi hoàn thành 3 năm học ở cấp THPT.

Trong khi đó ở nước ta, câu cửa miệng mà các bậc phụ huynh sẽ hỏi ngay khi con vừa vào học lớp 10 thường là, “con định thi trường nào?”, thay vì xem xét, lựa chọn, tư vấn một nghề thích hợp nào đó hợp với khả năng các em. Thậm chí, nhiều người biết rõ con mình sức học có hạn, song vẫn cố gắng khuyên con thi tốt nghiệp THPT rồi xem trường nào “tàm tạm” nộp hồ sơ xét tuyển(!)

Mới đây, Bộ GD-ĐT vừa công bố thống kê số lượng học sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2016. Theo đó, tổng số thí sinh dự thi năm nay gần 887.400 (giảm hơn 118.200 so với năm 2015). Số thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT là hơn 286.100, chiếm 32% (năm 2015 là 28%).

Số thi để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng gần 519.500, chiếm 59% (năm 2015 là 59%). Số thi chỉ để xét tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng (thí sinh tự do) là 81.770 chiếm 9% (năm 2015 là 13%).

Tương lai là phải học đại học hay học... đại?

Hiểu rõ năng lực của bản thân để có lựa chọn đúng đắn cho tương lai của chính mình

Nhìn vào những con số kể trên, chúng ta có thể thấy một sự thay đổi rõ rệt về tỉ lệ học sinh lựa chọn thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, trong số này, rất nhiều em “đã biết được năng lực của mình đến đâu để chọn học tiếp lên bậc học cao hơn hay chuyển sang học nghề hoặc tìm kiếm một việc làm phù hợp với khả năng là một sự bứt phá trong trong cơ cấu lại ngành nghề”, như nhận định của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga.

Song cũng từ đó đặt ra một bài toán khó cần được giải quyết, làm sao để có thể phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh một cách hiệu quả nhất? Đặc biệt trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, trước sự dịch chuyển lao động khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng ASEAN, tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, sự cạnh tranh về việc làm giữa lao động các nước sẽ diễn ra ngày càng gay gắt.

Kết

Cha mẹ lúc nào cũng mong con mình có cuộc sống tốt đẹp nhất; và trong mắt các bậc làm cha làm mẹ, con cái luôn bé nhỏ, khờ dại và nông cạn. Vậy nên, trước mỗi dấu mốc quan trọng trong cuộc đời, khá nhiều bậc phụ huynh (cho mình cái quyền) tự quyết định (hoặc áp đặt) sự lựa chọn đối với con cái.

Nhưng một sự thực, dù không muốn, song chúng ta vẫn phải thừa nhận rằng, cha mẹ không thể ở mãi bên con, con cái lớn lên sẽ có cuộc sống riêng của mình. Trong khi đó, xã hội ngày càng thay đổi và phát triển, ngày hôm nay khác ngày hôm qua, và ngày mai, ngày sau, rất nhiều ngày sau nữa… sẽ còn biết bao biến động mà cha mẹ, dù đã sống mấy mươi năm trên cuộc đời này, cũng không thể nào lường trước và đoán biết được.

Tương lai mỗi người phải do chính cá nhân đó quyết định! Song để được cha mẹ tin tưởng, “trao quyền” quyết định lựa chọn hướng đi cho riêng mình, thì không chỉ cần sự thay đổi từ trong tư duy, nhận thức và hành động của các em, mà còn ở chính các bậc phụ huynh.

Nhật Minh