Thông tư 30 giúp trẻ tự học hay… buộc trẻ “học lại”?

Giáo dục - Ngày đăng : 05:30, 25/05/2016

Điểm số đối với học sinh tiểu học giờ là những lời phê đỏ chói, chữ đúng chuẩn “nét thanh, nét đậm” được đóng dấu nghiêm ngắn trên những trang vở hoặc sách bài tập.

Thông tư 30 giúp trẻ tự học hay… buộc trẻ “học lại”?

Giờ tập viết của học sinh lớp 1E trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (Lào Cai) - trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I. Ảnh: Lê Vân / TTXVN

Mới đây, Sở GD-ĐT Hà Nội vừa đề nghị, trước 28/5, phòng GD-ĐT các quận, huyện và thị xã; các trường chuyên biệt trực thuộc Sở báo cáo việc thực hiện đánh giá học sinh tiểu học (năm học 2015-2016) theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT (Thông tư 30) được ban hành ngày 28/8/2014.

Theo đó, điều mà dư luận xã hội rất quan tâm hiện nay là, các thầy cô cũng như phụ huynh có con học tiểu học đánh giá như thế nào về tính tích cực chủ động trong học tập sau hai năm học không còn bị áp lực về điểm số thường xuyên?

Những con dấu “nhân bản” lời phê

Đã qua rồi cái thời len lén cất cuốn tập vào cặp, giấu thật kỹ để bố mẹ không phát hiện do bị điểm kém. Giờ đây, điểm số đối với học sinh tiểu học đã được thay bằng là những lời phê đỏ chói, chữ đúng chuẩn “nét thanh, nét đậm” được đóng dấu nghiêm ngắn trên những trang vở hoặc sách bài tập.

“Lớp mấy chục em, mỗi em lại có tới cả chục cuốn tập cần phải phê, dù cố gắng “giảm tải” nhưng cũng phải dành ra mấy buổi một tuần để nhận xét các con. Rồi việc nhà, việc con cái, việc xã hội… Con dấu khắc sẵn lời phê là cách làm giản tiện, nhanh chóng và… khoa học nhất”, cô H., chủ nhiệm lớp 1A6 một trường điểm ở ngoại thành Hà Nội nói.

Thông tư 30 giúp trẻ tự học hay… buộc trẻ “học lại”?

Một số giáo viên, ngoài nhận xét bằng con dấu, còn chấm điểm để động viên các em cố gắng. Ảnh: Nhật Minh

Cô H. cũng cho biết thêm, trẻ cấp I, nhất là học sinh lớp 1, lớp 2 vốn từ vựng ít, diễn đạt kém, dù cô có đủ sức sáng tạo ra hàng chục lời phê thì con cũng khó lòng hiểu hết. Vậy nên, quanh đi quẩn lại vẫn chỉ “Con làm bài tốt, cô khen”, “Con cần cố gắng hơn nữa”, “Con làm bài chưa đạt”… Nhưng chưa đạt ở chỗ nào, tốt ra sao… thì lũ trò nhỏ không thể nào hiểu được. “Cô trả bài xong là chúng nhét luôn vào ngăn bàn, vào cặp sách rồi… quên biến”, cô H. ngán ngẩm.

Thực tế, nhiều giáo viên tiểu học cho rằng, những lời nhận xét trong vở của học sinh cơ bản chỉ có tác dụng đối với phụ huynh, giúp phụ huynh nắm bắt tình hình học tập của con. Cũng có người cẩn thận gọi điện hỏi cô xem con còn thiếu sót ở đâu, cần cố gắng cụ thể như thế nào, nhưng số này, theo cô H. “vô cùng ít, và cũng chỉ đôi, ba lần là… chán!”.

Thậm chí, ở các khu vực nông thôn, bố mẹ làm ruộng hoặc công nhân theo ca thì rất ít có thời gian đọc nhận xét của cô. Với họ, điểm gần như lời thông báo chính xác và cụ thể nhất về việc học của con đang tiến bộ hay có vấn đề gì. Vì vậy, không chấm điểm, phụ huynh không thể biết con mình giỏi, yếu môn học nào.

Trò lười, cô “lén” chấm điểm

Thi thoảng gọi điện thoại phỏng vấn PGS. Văn Như Cương, cứ nhắc đến câu chuyện bỏ chấm điểm cho học sinh tiểu học, ông đều cho biết nhận được khá nhiều lời “kêu” từ giáo viên.

Mục đích của việc bỏ chấm điểm tiểu học là nhằm giúp các em học sinh kém đỡ mặc cảm, các em giỏi bớt kiêu căng, và từ đó làm giảm tình trạng dạy thêm - học thêm tràn lan. Tuy nhiên, lý do đó thực tế không phù hợp với tâm lý chung của học trò, nhất là các em ở lứa tuổi tiểu học.

Thay vì bị “cào bằng” bằng những lời phê, các em muốn được khuyến khích, động viên một cách cụ thể, để từ đó có động lực phấn đấu vươn lên, học tập tiến bộ hơn. Điểm số được xem là lời nhận xét dễ hiểu nhất đối với học trò!

Thêm vào đó, trong khi trò thì không hiểu cô nhận xét vậy nghĩa là như thế nào, phụ huynh cũng chẳng biết con mình học tập thực chất ra sao. Kiểm tra sách vở của con, thấy bài thường xuyên tốt, được cô khen, bố mẹ yên tâm làm việc nhưng đến khi nhận thông báo chuẩn bị thi học kỳ, ngồi kèm con học, nhiều ông bố bà mẹ mới giật mình tá hỏa: “Cả học kỳ qua bọn trẻ học cái gì?”.

Thông tư 30 giúp trẻ tự học hay… buộc trẻ “học lại”?

Nhận xét, chấm điểm đồng thời. Ảnh: Nhật Minh

Vậy là, mục đích của không chấm điểm học sinh tiểu học là nhằm giảm tình trạng học thêm - dạy thêm vô hình chung lại khiến phụ huynh thêm lo lắng do không biết con mình “đang đứng ở đâu”. “Đi học thêm trở thành tất yếu”, PGS. Văn Như Cương nhấn mạnh.

Thậm chí, nhiều cô giáo buộc phải chấm điểm “chui”, làm sai Thông tư 30 khi nhận thấy tình trạng học trò càng ngày càng lười.

Cô H. chia sẻ: “Trẻ con khôn lắm. Cuốn vở nào cô không hay kiểm tra thì không viết bài, viết ẩu. Các cô không chấm điểm, các con vui chơi thoải mái. Nhưng cuối học kỳ thì phụ huynh tới tấp hỏi han xem con học hành ra sao. Bởi, hết 5 năm tiểu học, kết quả như thế nào cũng ảnh hưởng ít nhiều đến kỳ xét tuyển học sinh vào lớp 6”.

Giúp trẻ tự học hay… buộc trẻ phải học lại?

Cũng theo PGS. Văn Như Cương, việc bỏ chấm điểm thường xuyên ở bậc tiểu học liệu có mâu thuẫn không khi đến cuối mỗi học kỳ và các cấp học trên vẫn chấm điểm như thường? Dưới đây là một thực tế.

Nhiều giáo viên cấp 2, nhất là giáo viên lớp 6, phải lắc đầu kêu trò lười, dốt, lý do là “nền tảng cấp 1” chẳng có gì. Điều này có thể được lý giải bởi tâm lý “sốc” của học sinh khi phải đối mặt với khối kiến thức nặng hơn rất nhiều so với ở tiểu học. Trong khi đó, “do không được rèn luyện, tạo thành thói quen “chịu khổ”, nên con học tập sa sút hơn là chuyện đương nhiên”, cô T., chủ nhiệm lớp 6G trường THCS Y.T (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết.

Thông tư 30 giúp trẻ tự học hay… buộc trẻ “học lại”?

Diễn đàn khoa học đánh giá kết quả một năm thực hiện theo Thông tư 30. Ảnh: Hồng Liên / Kiến Thức

Vậy là, Thông tư 30 - một trong những điểm nằm trong phương pháp dạy học theo mô hình VNEN giúp người được giáo dục trở thành người tự giáo dục, hay nói dễ hiểu, giúp học sinh tiểu học tự học, cuối cùng lại buộc các em phải học lại một lần nữa, ở cấp II, những kiến thức đáng ra đã được lĩnh hội từ cấp tiểu học?!

Cần phải khẳng định, Thông tư 30 không sai khi hướng trọng tâm vào học trò, xây dựng cho trò ý thức tự học, và hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển chung của nền giáo dục thế giới. Nhưng câu chuyện đặt ra là, làm sao để thực hiện cho hợp lý khi mà trình độ giáo viên và phụ huynh ở các vùng miền khác nhau, điều kiện cơ sở hạ tầng phục vụ cho công tác giảng dạy khác nhau, thậm chí chênh lệch nhau.

Làm sao kích thích óc tìm tòi, sáng tạo, tính tự lập, tự học ở trẻ khi mà bản thân các cô lúc này còn đang loay hoay với đống giấy tờ, hồ sơ phải hoàn tất, với sáng kiến khoa học, thi giáo viên dạy giỏi các cấp, và trăm thứ việc không tên khác?

Và, để làm được điều này, theo nhận định của TS. Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội trên báo điện tử VnExpress, “không chỉ cần hành động của Bộ mà cả sự chung sức của các Sở, Phòng và mỗi giáo viên".

Báo VnExpress ngày 24/10/2014  có bài viết “Giáo viên sáng tạo cách “chấm điểm” trích lời nhận xét về Thông tư 30 của đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Minh (TP HCM) như sau:

“Giáo viên hiện nay rất vất vả. Nếu giáo viên môn họa, môn thể dục mà dạy 10 lớp thì phải có sổ điểm và sổ nhật ký cho 10 lớp đó.

Mỗi lớp có trên 50 học sinh. Theo quy định của Bộ là 35 học sinh trên mỗi cuốn, vậy bình quân mỗi lớp có hai cuốn mỗi loại, suy ra mỗi giáo viên trên phải mang 40 cuốn, chưa kể học bạ, sổ liên lạc... đủ loại.

Cô giáo ghi nhận xét thì cứ ghi, thậm chí cô giáo mà buồn quá thì ghi nhận xét cho học sinh giống nhau hết. Chưa học hết kỳ 1 là biết kết quả kỳ 2.

Thông tư 30 cho rằng làm như vậy để học sinh chủ động, thầy cô giáo không gây áp lực cho học trò. Xin thưa rằng, làm như thế này càng áp lực cho học trò, phụ huynh”.

 

Nhật Minh