Ngỡ ngàng "Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi" vào đề thi
Giáo dục - Ngày đăng : 11:06, 23/05/2016
Hình ảnh trong poster quảng cáo bộ phim You are apples in my eyes
Nhiều fan hâm mộ bộ phim You are apples in my eyes cũng như cuốn tiểu thuyết Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi khá bất ngờ khi xem đề thi môn Ngữ Văn lớp 11 mới đây.
Cụ thể, câu 1 (3 điểm) đề thi môn Ngữ Văn học kỳ II lớp 11, trường THPT Thanh Hà (Hải Dương), có nội dung như sau:
“Tác giả Cửu Bá Đao trong tiểu thuyết Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi đã cho rằng “Tuổi thanh xuân giống như một cơn mưa rào. Cho dù bạn từng bị cảm lạnh vì tắm mưa, bạn vẫn muốn được đằm mình trong cơn mưa ấy một lần nữa”.
Từ ý nghĩa của câu nói trên, hãy viết bài văn nghị luận bày tỏ suy nghĩ của em về ý nghĩa và giá trị của tuổi trẻ trong cuộc đời của mỗi con người”.
Tác phẩm "Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi" vào đề thi. Ảnh: Zing
Đề văn này đã được đăng tải lên nhiều diễn đàn dành cho giới trẻ. Chỉ sau vài tiếng, đề thi đã nhận được 5.000 lượt thích, gần 2.000 chia sẻ. Các bình luận đều đồng ý, đây là đề văn đầy xúc cảm, gần gũi với lứa tuổi học trò.
Theo Zing, người ra đề bài này là Tăng Thị Xuân, giáo viên dạy giỏi đồng thời là chủ nhiệm bộ môn Ngữ văn của trường. Cô Xuân thường xuyên đưa các sự kiện, bộ phim hoặc sách vào đề kiểm tra nghị luận xã hội.
“Điều này khiến môn Ngữ văn trở nên gần gũi hơn, học sinh hào hứng, có nhiều tư liệu viết hơn, đồng thời giúp chúng mình chịu khó theo dõi các sự kiện, cũng như đọc sách và xem phim hơn”, Zing dẫn lời một học sinh lớp 11 trường THPT Thanh Hà cho biết.
Vài giờ sau khi được đăng tải lên diễn đàn dành cho giới trẻ, đề thi đã nhận được 5.000 lượt thích, và gần 2.000 chia sẻ. Các comment đều đánh giá đây là một đề văn tốt, gần gũi với lứa tuổi học trò và giàu cảm xúc.
Trước đó, đề kiểm tra môn Ngữ văn trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP HCM) cũng nhận được phản hồi tích cực từ giáo viên, phụ huynh và học sinh khi hình ảnh nhạc sĩ Trần Lập được đưa vào, với nội dung như sau: “Nhạc sĩ Trần Lập đã qua đời ở tuổi 42, nhưng những gì đã viết, cách anh sống vẫn còn mãi với người ở lại. Cho nên điều quan trọng không phải anh sống bao lâu mà anh sống như thế nào? Anh/chị có đồng ý như vậy không?”.
Bài viết của em Bùi Như Mai, học sinh lớp 11CA3 của trường, đã được cô giáo đánh giá cao với lời nhận xét và thông điệp ấm áp: “Hiểu và bàn luận giải quyết vấn đề tốt. Hãy sống tích cực, tử tế hết mức có thể, không cần gì cả, chỉ cần mình thấy vui là đủ rồi”.
Xu hướng ra đề thi mở hiện nay khá phổ biến. Không chỉ riêng môn Ngữ văn, mà ngay cả các môn khoa học tự nhiên cũng sử dụng những hiện tượng truyền thông có sức ảnh hưởng với giới trẻ như nữ hoàng giải trí Hồ Ngọc Hà, ca sĩ Sơn Tùng M-TP, hay “nữ hoàng nội y” Ngọc Trinh…
Cách ra đề như trên khá thú vị, đánh trúng tâm lý và xu hướng thần tượng của phần lớn giới trẻ. Tuy nhiên, một số đề bài có nội dung khiên cưỡng, thậm chí bị xem là phản cảm, nhảm nhí, gây “hại não” cho học sinh.
Chẳng hạn, đề thi học kỳ II môn Ngữ văn vừa qua của Sở GD-ĐT Gia Lai đưa ra một trích đoạn trong tác phẩm của tác giả Đoàn Công Lê Huy “gây sốt” cộng đồng mạng vì độ trúc trắc, khó hiểu của câu từ.
Đề thi trích dẫn: “Hòn đá có thể cho lửa, cành cây có thể cho lửa. Nhưng chỉ có con người mới biết nuôi lửa và truyền lửa. Lửa xuất hiện khi có tương tác, ít ra là hai vật thể tạo lửa. Lửa là kết quả của số nhiều. Cô bé bán diêm là số đơn. Cô đã chết vì thiếu lửa. Để rồi từ đó loài người đã cảnh giác thắp nến suốt mùa Giáng sinh để cho không còn em bé bán diêm nào phải chết vì thiếu lửa...”.
Hậu duệ Mặt Trời cũng không phải ngoại lệ. Một số đề thi nhanh chóng “bắt kịp xu hướng” đưa tác phẩm này vào đề kiểm tra tiếng Anh, đề kiểm tra Vật lý, và đề thi Văn như trên đây.
Đặc biệt, khi bom tấn truyền hình Hậu duệ Mặt Trời của điện ảnh Hàn Quốc tạo ra cơn sốt ở nhiều nước châu Á, một số đề thi nhanh chóng “bắt kịp xu hướng” đưa tác phẩm này vào đề kiểm tra tiếng Anh, đề kiểm tra Vật lý… khiến nhiều người lắc đầu ngán ngẩm.
Trong bài viết mới đây trên báo An ninh Thủ đô, tác giả Vinh Hương dẫn lời PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, ông ủng hộ cách đổi mới ra đề cho học sinh theo hướng mở.
Tuy nhiên, theo tác giả Vinh Hương, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cũng cảnh báo: “Quá lạm dụng sẽ phản tác dụng. Ồ ạt đưa phim ảnh, người nổi tiếng... vào đề thi có thể gây ra hiệu ứng ngược, kích thích học sinh lao vào những hiện tượng giải trí phù phiếm với cớ là để cập nhật thông tin cho bài thi. Đặc biệt, nếu không cẩn trọng trong cách đặt câu hỏi thì việc đề cập đến những bộ phim, diễn viên, ca sĩ nổi tiếng sẽ khiến một bộ phận học sinh ham mê phim ảnh, thần tượng lại chiếm lợi thế so với những em chăm học, không có điều kiện, sở thích theo dõi phim ảnh, thần tượng”.