Tạo cho trẻ thói quen tự giác học

Giáo dục - Ngày đăng : 13:06, 29/04/2016

Trẻ khi bước vào độ tuổi đi học là giai đoạn phát triển vô cùng quan trọng. Những kiến thức từ lớp nhỏ sẽ làm nền tảng cho con khi trình độ ngày càng nâng cao. Như vậy làm thế nào để trẻ tự giác học và chủ động lĩnh hội được những kiến thức.

Trẻ nhỏ luôn có tinh thần thích vui chơi, chạy nhảy hơn là ngồi một chỗ tập trung vào học bài. Chính vì thế mà sự tự giác học của con là không cao. Vậy làm thế nào để bạn có thể tạo cho con một ý thức tự giác đến giờ là ngồi vào bàn học, để trẻ có thể chủ động lĩnh hội được những kiến thức trên lớp cũng như bài tập về nhà được hiệu quả hơn, hãy tham khảo những ý kiến dưới đây.

Trang trí, bày biện góc học tập mà bé ưa thích

Trước hết muốn con tự học bạn hãy trao cho con một vị trí riêng biệt - đó là góc học tập của con. Vì với trẻ con, tinh thần muốn sở hữu là rất cao. Khi có một góc học tập mà bé yêu thích thì bé sẽ có ý thức tự giác ngồi vào bàn học hơn. Bạn nên chuẩn bị một góc học tập với không gian yên tĩnh, đủ ánh sáng, dụng cụ học tập được xếp ngay ngắn và phòng học được sơn màu sắc mà bé yêu thích. Ngoài ra bạn nên có một thời gian biểu cho bé ở trong phòng học để giúp bé có thể tự điều chỉnh được thời gian của mình, đó cũng được xem là một cách tạo thói quen tự giác học tập cho trẻ hiệu quả.

Tạo cho trẻ thói quen tự giác học

Tạo ra một thói quen học tập nề nếp, duy trì đều đặn, chính xác hàng ngày

Ví dụ ngày nào cũng vậy, đúng 8 giờ tối là con ngồi vào bàn học bài. Nếu hôm nào không có bài tập về nhà thì sẽ dành thời gian học đó để cùng đọc sách, viết chính tả v.v.. Nếu một số ngày trong tuần, ví dụ thứ 5 hàng tuần con học vẽ đến 8 giờ tối, cha mẹ có thể điều chỉnh riêng cho ngày thứ 5, 8h30 tối con mới bắt đầu học bài.

Dạy con tự soạn sách vở khi bắt đầu đi học

Ngay trong ngày đầu tiên của năm học lớp 1, bạn hãy cùng thống nhất con sẽ tự soạn sách vở hàng ngày. Nếu con bạn chưa biết chữ, mẹ hãy cắt hình tròn hay những hình ngộ nghĩnh dán vào những quyển sách, quyển vở để con tự phân biệt. Từ hôm sau cứ nhìn vào các hình hay các màu khác nhau con bạn có thể tự biết hôm nay sẽ học môn gì. Hơn nữa với cách làm này bạn cũng rèn cho con thêm sự nhận biết giữa các hình khối hay màu sắc khác nhau.

Thiết lập nguyên tắc giữa bố mẹ và con cái

Bạn nên tạo ra những nguyên tắc hợp lý để con bạn dễ dàng nghe theo như ăn cơm xong 30 phút lên ngồi học bài, học xong bài mới được cho xem tivi… Những nguyên tắc này được làm thường xuyên thì khi lớn lên nó sẽ trở thành thói quen cho con trẻ mà không cần bạn phải nhắc nhở.

Tạo cho trẻ thói quen tự giác học

Để con tự nghiệm ra hệ quả khi quên làm bài tập cô giáo

Với cách quản lý mới từ trường, lớp đó là gửi tin nhắn, thư điện tử cho phụ huynh những nội dung bài hôm nay con cần phải làm, nhưng bố mẹ hãy thử lờ quên đi để con tự nhớ và làm những bài tập gì khi từ trường về nhà. Trẻ con khi ở nhà chúng có thể là trung tâm vũ trụ và làm gì cũng được nhưng khi ra trường, tác động từ thầy cô và bạn bè khiến trẻ sẽ sợ bị phạt và chê cười. Do vậy, nếu con quên bài tập về nhà ngày hôm nay bạn hãy để con "trải nghiệm" cảm giác bị phạt khi tới lớp vì sự sơ suất của mình, có như thế từ lần sau trẻ sẽ không bao giờ quên bài tập về nhà nữa.

Không tạo ra các hình thức thưởng phạt liên quan đến bài tập về nhà

Cách này khiến trẻ có xu hướng học để được thưởng chứ không tự giác học cho bản thân. Ngoài ra làm như vậy có thể sẽ tạo ra stress cho trẻ, khiến chúng phải làm mọi cách để tránh bị phạt và được thưởng. Hoặc tệ hơn nữa, đến một lúc nào đó, trẻ cảm thấy phạt hay thưởng cũng chẳng quan trọng với chúng nữa, và sẽ chẳng còn muốn học.

Tạo cho trẻ thói quen tự giác học

Làm gương cho con noi theo

Khi còn nhỏ trẻ con thường rất bị ảnh hưởng bởi các hoạt động của người lớn rồi hình thành thói quen. Chính vì thế bạn nên làm gương cho con, nên nghiêm túc trong việc đọc sách hay làm việc từ đó trẻ cũng có thể dần dần hình thành các thói quen tự giác học tập nghiêm túc hằng ngày. Ngoài ra khi con học bài bố mẹ không nên xem tivi hay cười nói chuyện quá to vì khi đó sẽ làm ảnh hưởng sự tập trung của bé trong quá trình học tập.

Tuyết Nhung