Cha mẹ đừng làm tổn thương con bằng lời nói
Giáo dục - Ngày đăng : 07:09, 10/04/2016
Trong một phút nóng giận hay căng thẳng, bố mẹ có xu hướng dùng những lời lẽ không nên để nói với các con. Nhiều người nghĩ rằng những câu nói đó sẽ giúp con biết sai mà nhận, biết suy nghĩ một cách chín chắn hơn. Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn ngược lại, chỉ vài từ được nói ra đôi khi làm con sợ, khóc hay mất tự tin và tồi tệ hơn là có nguy cơ hủy hoại mối quan hệ giữa bố mẹ và con.
Dưới đây là một số câu nói mà bố mẹ nên tuyệt đối tránh nói với con cái mình:
1. Tại sao con không được như….nhỉ?
Nếu bố mẹ có thói quen so sánh bé với những bạn khác, bé sẽ dần hình thành tâm lý bi quan, mặc cảm hoặc cáu kỉnh, khó chịu. Không những vậy, trong lòng bé sẽ sinh ra nhiều thói ghen ghét, bé sẽ ghét những người mà bé bị so sánh hay thậm chí là ghét bỏ chính bố mẹ. Không có gì khiến một đứa trẻ cảm thấy khổ sở hơn là bị cho là kém cỏi hay hư đốn hơn bạn bè, anh chị em.
Khi đã bị tổn thương, thậm chí, bé sẽ không muốn cố gắng để đạt được những hành vi tốt nữa. Cha mẹ nào cũng mong muốn con cái mình thông minh, giỏi giang, ngoan ngoãn tuy nhiên nên học cách chấp nhận thực tế rằng, mỗi bé là một cá thể độc lập. Thay vì nói điều này, bạn nên cổ vũ cá tính và những mặt mạnh của con.
2. Đừng khóc nữa!
Cha mẹ đừng coi thường cảm xúc của con
Sau khi trẻ bị bố mẹ mắng thường có xu hướng là khóc lóc. Bố mẹ đang bực mình cộng với việc nghe tiếng khóc của con nên càng thêm khó chịu và hạ lệnh cho con “không được khóc”. Tuy nhiên bố mẹ cần biết rằng trẻ nhỏ cần cảm thấy an toàn khi thể hiện cảm xúc.
Khi có chuyện gì đó không vui khiến con khóc hoặc buồn bực, đừng vội coi thường cảm xúc của trẻ và dùng những lời lẽ không hay để làm tổn thương con. Mỗi cảm xúc của trẻ đều đáng được tôn trọng và hẳn là bố mẹ không muốn nhìn thấy con mình vô cảm chứ? Nói với con không được khóc ngụ ý rằng việc khóc là không tốt trong khi đó hoàn toàn là điều bình thường.
3. Im miệng ngay!
Việc bố mẹ quát con "Im miệng ngay!" là cướp đi quyền được nói của con. Tuổi nhỏ là tuổi được hỏi, được thắc mắc và được tranh luận. Chưa nói đến việc con hỏi nhiều, thắc mắc nhiều cũng là cách để con phát triển khả năng giao tiếp và có được cách ăn nói sắc sảo sau này.
Khi con mắc lỗi hãy cho con một cơ hội được giải thích, đừng vội phủi bay lời nói của con để rồi nhanh chóng đưa ra kết luận áp đặt của bố mẹ. Điều quan trọng là khi con đang nói lại bị bố mẹ quát "im ngay", chúng sẽ sinh ra tư tưởng là người lớn không muốn nghe mình nói và về lâu dài sẽ khiến cho con không muốn chia sẻ hay tâm sự bất cứ điều gì với bố mẹ. Chính từ một câu nói vô tình như vậy, bố mẹ sẽ làm cho mối quan hệ gia đình trở nên tồi tệ và xa cách.
4. Sao con ở bẩn thế hả?
Trẻ nhỏ thường mải chơi và chưa có ý thức chăm sóc và vệ sinh bản thân. Cho đến tuổi dậy thì, cả bé trai và bé gái đều cần có sự quan tâm, hướng dẫn và chăm sóc cách vệ sinh cơ thể, vì đây là giai đoạn thay đổi tâm sinh lý quan trọng.
Việc bố mẹ chê bai con, làm bé mặc cảm về bản thân, và đôi khi còn gây cho bé cảm giác buồn bã và tức giận. Thay vào đó, bố mẹ nên góp ý và giúp bé trong việc vệ sinh cơ thể.
5. Con là một đứa vô dụng, ngốc ngếch
Có thể trẻ không làm được điều gì khiến bố mẹ vừa ý, hoặc chúng cứ động vào cái gì là làm hỏng cái đó, nhưng đừng vội vàng nói với con những lời lẽ mang tính chê bai. Tuy nhiên không ít bố mẹ buột miệng mà tuyên bố con là một đứa ngốc, một đứa vô dụng. Những câu này được sử dụng nhiều lần sẽ khiến trẻ nghĩ rằng chúng thật sự là những người chẳng có ích lợi gì. Trẻ cũng không muốn cố gắng để thay đổi nữa vì chúng sẽ nghĩ rằng: “Dù mình có cố gắng thể nào thì trong mắt bố mẹ, mình luôn luôn là đứa vô dụng”.
6. Bố/Mẹ cũng ghét con
Việc bố mẹ tuyên bố ghét con sẽ khiến trẻ cảm thấy tủi thân. Vì với các con, bố mẹ là những người gần gũi và quan trọng nhất, vậy khi nghe bố mẹ nói ghét mình, trẻ sẽ cảm thấy sao?
Vào lúc nào đó, theo cách nào đó, con cái sẽ nói rằng chúng ghét bố mẹ mình. Nhưng thay vì hạ mình bằng vai phải vế với một đứa trẻ và nói rằng bạn cũng ghét chúng, hãy cho con biết rằng dẫu gì bạn vẫn cứ yêu chúng.
7. Vì bố, mẹ bảo thế
Cha mẹ đừng ra lệnh cho con mà hãy nhẹ nhàng giải thích để con hiểu những việc con nên làm
Đây là một câu nói sai lầm kinh điển mà chúng ta cần phải vĩnh viễn bỏ qua. Khi yêu cầu con cái làm điều gì, bạn cần giải thích rõ ràng và hợp lý nếu không trẻ sẽ thấy có lý do gì phải dừng hành động hay thái độ được cho là sai trái của mình.
Trẻ nhỏ thường thích có nhiều hành động và thói quen mà bố mẹ không ngờ tới, chúng có thể thích nghịch bẩn, thích chạy nhảy lung tung khắp nhà. Tuy nhiên trước những hành động đó của con, bố mẹ không nên thẳng thắn ngăn cấm con mà hãy nhẹ nhàng nói lí do tại sao con không nên làm như vậy. Khi ép buộc trẻ làm theo điều mình nói mà không có lí do thì sẽ khiến trong lòng trẻ cảm thấy không thoải mái.
Cha mẹ cần biết rằng roi vọt có thể làm đau da thịt con trẻ nhưng lời nói của bố mẹ có thể làm chúng tổn thương tinh thần.