Đừng để con bị tổn thương trong giai đoạn dậy thì
Giáo dục - Ngày đăng : 12:59, 07/04/2016
Độ tuổi dậy thì thường rơi vào tuổi từ 15-18 được coi là giai đoạn quan trọng để hình thành nhân cách và chuẩn bị bước vào tuổi trưởng thành, trở thành công dân có trách nhiệm dân sự một cách đầy đủ.
Về tâm lý, đây là thời kỳ các em hình thành ý thức tự lập, thích làm theo ý mình và hay bất đồng với cha mẹ. Tính tự ái, ích kỉ cũng là đặc điểm lớn ở lứa tuổi này, vì thế các em rất dễ tổn thương khi bị mắng nặng lời, đôi khi dẫn đến hành động nông nổi.
Bên cạnh sự phát triển về tâm lý, ở tuổi dậy thì các em cũng ham hiểu biết hơn, thu nhận nhiều thông tin tốt xấu lẫn lộn từ môi trường và qua các phương tiện truyền thông. Trước nhiều sự lựa chọn của bể thông tin, nếu không có định hướng, giáo dục phù hợp từ cha mẹ, nhà trường, học sinh lứa tuổi này dễ bị nản chí và không thể đưa ra quyết định cho bản thân mình ở những dấu mốc quan trọng trong đời.
Chia sẻ với con mọi điều cũng là cách bạn ngầm dạy cho con phải trò chuyện cởi mở hơn về những vấn đề con đang gặp phải
Quản mà như không quản
Khi con bạn đang trong giai đoạn chuyển giao nửa trẻ con nửa người lớn thì những quy định hay sự dạy dỗ quá khắt khe của bố mẹ sẽ tạo cho chúng cảm thấy mất tự do, tù túng và nuôi dưỡng trong tâm lý một cảm giác ức chế để lâu ngày là rất nguy hiểm. Đây cũng là lúc cái tôi của chúng rất lớn, chúng muốn tự quyết định, muốn được thể hiện trước mọi người.
Điều bạn nên làm trong trường hợp này là hãy tôn trọng con và để cho chúng kiểm soát được 40% những quyết định về chúng. Nhưng tất cả mọi sự lựa chọn đều do bậc cha mẹ hoàn toàn có thể định hướng trước. Hãy thường xuyên nói chuyện, tâm sự với con về những điều đúng sai. Yêu cầu chúng phải tự chịu trách nhiệm nếu vấn đề chúng làm là không đúng. Như vậy, bạn vừa có thể hướng con đi theo những nguyện vọng của bạn thân nhưng lại để chúng làm điều đó một cách tự nguyện.
Tất cả đều có giới hạn
Khi một đưa trẻ đến tuổi dậy thì mà bố mẹ không quan tâm hoặc thả cho tự do làm bất kỳ điều gì mình muốn, chúng sẽ cảm thấy không ai buồn quan tâm đến mình mà tuổi này lúc nào cũng muốn được người khác chú ý. Chính vì thế chúng sẽ thu hút sự quan tâm của người khác và chứng tỏ bản thân bằng những cách tiêu cực do không được định hướng như ăn mặc thiếu vải, tiếp xúc với những người bạn giang hồ, tham gia đánh nhau, gây sự, gây rối mất trật tự.
Có thể tự do lựa chọn bạn, tự do ăn mặc cũng như chọn địa điểm vui chơi... nhưng đừng quá đà. Hãy để con bạn hiểu và phải tôn trọng những giới hạn trong gia đình của mình để từ đó điều tiết được giữa sở thích bản thân cũng như phù hợp với từng lứa tuổi. Do đó, một trong những điều bố mẹ cần quan tâm khi con đến tuổi dậy thì là hãy trở thành một người bạn, một người thân luôn quan tâm, để ý, đồng ý những việc đúng đắn và trách phạt những việc làm sai lầm của chúng.
Nghiêm khắc nhưng cũng rộng lòng tha thứ
Bạn hãy xây dựng những nguyên tắc riêng trong gia đình từ khi chúng còn nhỏ để có thể hình thành một nếp sống quen thuộc. Hãy nghiêm khắc với những hành động sai trái của chúng ngay từ đầu, tránh việc tạo ra những lối mòn trong hành động và suy nghĩ.
Nhưng với bọn trẻ, thời gian đầu do chưa quen với những quy tắc này, chúng sẽ liên tục vi phạm tuy nhiên đừng mắng mỏ trẻ mà hãy tỏ ra bao dung, độ lượng, dùng những lời lẽ nhẹ nhàng để phân tích cái đúng cái sai trong hành động hay suy nghĩ của trẻ. Đồng thời, tỏ ra hơi thất vọng khi biết chúng đã làm như vậy và bày tỏ thái độ mong rằng lần sau chúng sẽ không mắc lỗi thêm một lần nào nữa.
Sự bao dung, độ lượng của bạn sẽ khiến con bạn tôn trọng bạn hơn. Hãy luôn cố gắng là tấm gương của trẻ để có thể tâm phục khẩu phục bạn. Nóng nảy và giận dữ không bao giờ là thái độ đáng hoan nghênh khi dạy trẻ ở lứa tuổi này. Hãy giúp con mình trưởng thành hơn qua những sai lầm.