Những “phiên tòa” không ở chốn công đường
Tiêu điểm - Ngày đăng : 07:24, 01/02/2017
Nói đến công đường là nói đến nơi diễn ra xét xử các loại vụ án… nhưng còn có các vụ án mà không phải đưa ra xét xử cũng giải quyết xong. Đó chính là những phiên hòa giải các mâu thuẫn phát sinh từ những việc rất nhỏ, song nếu không có sự nhạy bén của những người giữ cán cân công lý thì sẽ diễn ra rất khó lường, thậm chí dẫn đến những mâu thuẫn đỉnh điểm đáng tiếc.
Đến với TAND huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, được nghe Chánh án Phùng Chí Thiện tâm sự, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về những “phiên tòa” này.
Bắt đầu câu chuyện, anh kể, làm cán bộ Tòa án vùng cao vất vả lắm, phải băng rừng lội suối đi cơ sở là chuyện bình thường. Khi làm Thẩm phán TAND huyện Si Ma Cai anh nhớ nhất là lần đến xã Sín Chéng xác minh vụ tranh chấp trâu. Gia đình anh Sủng có con trâu hơn 1 tuổi bị lạc đàn, tìm hơn 2 tháng vẫn không thấy. Một hôm, đi làm nương vô tình nhìn thấy nó, anh vui mừng dắt về thì bà Sẻng ở thôn bên cạnh nhận là trâu của bà. Địa phương hòa giải nhiều lần không thành nên họ khởi kiện ra tòa. Để nắm bắt nôi dụng vụ kiện, anh cùng với thư ký xuống thôn xác minh. Đường từ huyện đến xã thì không xa nhưng từ xã vào thôn thì vừa dốc vừa quanh co. Ông trưởng thôn chỉ nhà đương sự bên kia sườn đồi, nhìn thấy lờ mờ nhỏ xíu. Tuy đã thấm mệt nhưng vì muốn giải quyết dứt điểm vụ án, các anh quyết định đi đến tận nơi. Nhìn thì gần thế mà đi gần nửa ngày đường mới tới. Đến nơi, chủ nhà đi nương chưa về, bụng thì đói nên cả hai đánh liều vào bếp lấy mèn mén ăn, vừa ăn vừa nhìn nhau cười. Mãi chiều muộn chủ nhà mới về. Qua xác minh, xem xét cùng lời khai của những người hàng xóm thì xác định con trâu đó thuộc quyền sở hữu của anh Sủng. Anh Sủng nhận lại trâu và thanh toán tiền công chăn dắt hơn hai tháng, vụ án được khép lại.
Chánh án TAND huyện Bảo Thắng Phùng Chí Thiện
Lại có lần vụ án tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại về tài sản, các anh vẫn gọi đùa là vụ án “đá nghé”. Vào năm 2003, có đương sự kiện ra Tòa về chuyện con nghé chết. Trên đường về nhà, anh L. thấy có con nghé nằm ngang qua đường chắn lối đi. Vì không đi được, anh L. dùng chân đá vào con nghé nhưng không thấy nó dậy, anh dùng que đánh nhưng nó vẫn không dậy nên hất đầu con nghé lăn xuống ruộng. Rủi thế nào con nghé không dậy được nữa. Sau khi phát hiện ra chủ con nghé là chị P mang ra thịt, cán bộ thú y kết luận con nghé bị tụ huyết trùng. Thấy vậy, chị P kiện đòi anh L phải bồi thường, chính quyền địa phương hòa giải nhiều lần không thành nên chị P làm đơn ra Tòa. Anh L cho rằng, con nghé chết là do bị tụ huyết trùng và anh lập luận nếu không đá thì nó cũng chết. Xem lại giấy xác nhận của cán bộ thú y chụp dấu treo mà cán bộ thú y làm sao có thẩm quyền kết luận bị tụ huyết trùng. Sau nhiều lần hòa giải, cuối cùng hai bên thỏa thuận trị giá con nghé 450.000 đồng mỗi bên chịu một nửa, vụ án được khép lại…
Khi được giao giải quyết vụ án này, anh đi bộ nửa ngày lên đến tận nơi xảy ra vụ việc. Đầu tiên, anh đã phải làm công tác dân vận nắm tâm tư nguyện vọng của các bên đương sự. Biết tập tính của người dân tộc thiểu số, anh đã ăn cơm cùng cả hai bên, kết hợp tác động phân tích giải thích rồi gặp riêng từng bên. Bằng sự thân thiện gần gũi, anh đã thuyết phục được đương sự tự thỏa thuận với nhau.
Anh kể tiếp, có hai vợ chồng người dân tộc Mông xin ly hôn. Đến phần chia tài sản thì oái ăm thay, gia đình có ao, xác định được bao nhiêu kg cá mà định giá. Chị vợ cứ đòi tháo ao bắt cá cân lên rồi chia, chồng cũng đồng ý. Nhưng cá còn nhỏ bán không được bao nhiêu, anh nghĩ ra một cách là đợi cuối năm cá lớn thu hoạch bán được bao nhiêu thì chia đôi, như vậy sẽ đỡ thiệt cho cả hai bên. Nhưng đợi cá lớn thì vụ án bị kéo dài mà không có lý do tạm đình chỉ thế nên anh nghĩ ra một cách là đề nghị chị vợ rút đơn. Anh chồng bảo đến lúc đó nó không làm đơn nữa thì sao? Anh giải thích cô ấy không làm đơn thì chồng làm đơn, anh chồng đồng ý. Vụ kiện đã được đình chỉ do nguyên đơn rút đơn, đến cuối năm hai vợ chồng tháo ao bắt cá bán, năm đó vì rét đậm nên cá chết nhiều, riêng nhà anh, chị ao sâu nên cá không chết lại bán được giá. Hai vợ chồng lại sống với nhau hạnh phúc. Người chồng nói với anh “nếu không có mày thì tao đã mất vợ”!
Anh Thiện sinh ra và lớn lên tại miền quê trung du tỉnh Phú Thọ. Học xong cấp III, anh tình nguyện vào quân ngũ, đến tháng 5/1989, anh được chuyển ngành về công tác tại TAND huyện Bảo Thắng, tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là tỉnh Lào Cai). Qua thời gian nỗ lực phấn đấu, đến tháng 10/2010 anh được bổ nhiệm làm Chánh án TAND huyện Bảo Thắng.
Anh chia sẻ, Thẩm phán ở cấp huyện không chuyên về một loại án nào như cấp tỉnh mà phải xét xử tất cả các loại. Mỗi loại có khó khăn riêng đòi hỏi Thẩm phán phải có kỹ năng, xác định chính xác các mối quan hệ pháp luật, nghiên cứu kỹ và vận dụng hợp lý. Mỗi công việc có một cái khó riêng, xử án hình sự thì chính xác với các tình tiết phạm tội của bị cáo, còn án dân sự cũng nhiều khi mất ăn, mất ngủ mấy ngày liền trước khi vụ án đem ra Hội đồng. Rồi không phải án tuyên xong là người Thẩm phán đã có thể “ăn ngon, ngủ kỹ”, nhiều vụ tình tiết phức tạp, tội phạm nghiêm trọng còn phải tiếp tục theo dõi cho đến phiên phúc thẩm, thậm chí là giám đốc thẩm.
Công tác giải quyết, xét xử án dân sự của Tòa án thuộc địa bàn vùng cao miền núi ngoài sự tuân thủ pháp luật nói chung, bản thân người Thẩm phán còn phải hiểu được phong tục tập quán của các bản làng, tộc người sinh sống nơi đây thì mới có hiệu quả, bản án, quyết định của Tòa án mới được người dân sở tại tâm phục, khẩu phục.
Được biết tại Hội nghị rút kinh nghiệm xét xử và tổng kết công tác thi đua khen thưởng năm 2016 của 14 TAND tỉnh phía Bắc vừa qua, TAND huyện Bảo Thắng là một trong những đơn vị được đề nghị tặng cờ thi đua của Chính phủ.