Quyền miễn trừ trách nhiệm và sự độc lập của Thẩm phán
Tiêu điểm - Ngày đăng : 20:25, 31/01/2017
Năng lực chuyên môn liên quan đến sự độc lập của Thẩm phán
Tính độc lập khi xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân (Hội thẩm) từ lâu đã là một nguyên tắc hiến định. Hiến pháp năm 2013 cũng đã quy định về sự độc lập của Thẩm phán như đã nói ở trên. So sánh với quy định liên quan trong Hiến pháp năm 1992 có thể thấy, Hiến pháp 2013 đề cập rõ ràng và mạnh mẽ hơn đến sự độc lập của Thẩm phán và Hội thẩm. Bổ sung này nhấn mạnh tầm quan trọng cũng như thái độ dứt khoát của Nhà nước đối với việc can thiệp vào hoạt động xét xử của Tòa án, là bảo đảm quan trọng cho việc thực hiện nguyên tắc Thẩm phán và Hội thẩm xét xử độc lập trên thực tế.
Quy định kể trên cũng mở rộng nội hàm về tính độc lập của Thẩm phán và Hội thẩm khi sửa từ “khi xét xử” sang “việc xét xử”. Sự sửa đổi này hàm ý sự độc lập của Thẩm phán và Hội thẩm không chỉ được bảo đảm trong phiên tòa, mà trong suốt quá trình thụ lý vụ án. Dù vậy, các luật chuyên ngành cần cụ thể hóa các biện pháp đảm bảo thực hiện tính độc lập của Thẩm phán và Hội thẩm trong việc xét xử, trong đó cần nhắc đến các yếu tố có thể ảnh hưởng đến họ bên ngoài quá trình xét xử, vì những yếu tố này có ảnh hưởng rất lớn, thậm chí mang tính quyết định đến sự độc lập của họ trong quá trình xét xử.
Bên cạnh đó, việc lần đầu Hiến pháp 2013 khẳng định Tòa án “thực hiện quyền tư pháp” và có nhiệm vụ đầu tiên là “bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân” rồi mới đến nhiệm vụ “bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước” cũng có ý nghĩa tăng cường tính độc lập của Thẩm phán và Tòa án. Bởi, những quy định này đã khu biệt, nhấn mạnh vị trí, vai trò của Tòa án là chủ thể duy nhất của quyền xét xử, được thực hiện quyền đó là không chịu bất kỳ sự can thiệp của bất kể chủ thể nào trong xã hội. Quy định này cũng đã được cụ thể hóa vào Luật Tổ chức TAND năm 2014.
Mẫu trang phục mới của Thẩm phán TAND
Ngoài ra, sự độc lập của Thẩm phán cũng được quy định trong các luật về tố tụng mới có hiệu lực thi hành gần đây. Tuy nhiên, hiện tại, nhìn chung những quy định về vấn đề này phần lớn mới nằm ở mức độ lý thuyết, việc thực hiện trên thực tế còn nhiều hạn chế. Hiện tượng can thiệp vào hoạt động xét xử của Tòa án và của Thẩm phán còn diễn ra khá phổ biến, ở nhiều cấp độ, dưới nhiều hình thức, khiến cho các Tòa án và Thẩm phán trong nhiều trường hợp không thể quyết định vụ việc một cách khách quan, vô tư, chỉ tuân theo pháp luật.
Hiện nay, ở nước ta chưa có một hiệp hội nghề nghiệp riêng dành cho các Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh tư pháp khác, cũng chưa có bộ quy tắc về đạo đức nghề nghiệp dành riêng cho Thẩm phán, Hội thẩm để làm cơ sở kiểm soát hành vi, chuẩn mực và lối sống, cũng như thái độ và sự cần mẫn của họ trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Với Thẩm phán, mặc dù TANDTC đã ban hành bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức Tòa án năm 2008 song đối tượng áp dụng và nội dung của nó quá rộng, chưa phải bộ quy tắc đạo đức của Thẩm phán.
Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức của Thẩm phán cũng có mối liên hệ chặt chẽ với tính độc lập của họ. Một Thẩm phán yếu về chuyên môn và tư cách đạo đức thường không giữ được tính độc lập trong hoạt động nghề nghiệp, do đó, việc tuyển chọn Thẩm phán cần nhấn mạnh các yếu tố này. Bên cạnh đó, việc tuyển chọn hiện nay còn tồn tại một số bất hợp lý, bằng chứng là số lượng sinh viên luật tốt nghiệp trong những năm gần đây nhiều nhưng các Tòa án vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu, thiếu Thẩm phán.
Thực tế, việc tuyển chọn Thẩm phán hiện nay vẫn có sự tham gia của nhiều chủ thể ngoài ngành không hẳn là điều thuận lợi. Cụ thể, khoản 1 Điều 66 Luật Tổ chức Tòa án 2014 quy định, thành phần của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia bao gồm cả Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam. Về nguyên tắc, quá trình tuyển chọn càng có sự tham gia của nhiều chủ thể, đặc biệt là các chủ đề ngoài ngành sẽ càng làm tăng áp lực lên các Thẩm phán, khiến họ bị phụ thuộc và khó giữ được tính độc lập trong hoạt động nghề nghiệp.
Hơn nữa, các điều kiện về đãi ngộ và nhiệm kỳ, theo Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức TAND năm 2014, nhiệm kỳ của Chánh án, Phó Chánh án các Tòa và Hội thẩm là 5 năm. Riêng với Thẩm phán, nhiệm kỳ đầu là 5 năm và nếu được bổ nhiệm lại, nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm. Đây là một bước tiến bộ so với quy định trước đó, tuy nhiên, với quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm như hiện nay thì việc quy định nhiệm kỳ, cho dù dài hơn vẫn có thể làm ảnh hưởng đến tính độc lập của Thẩm phán và Hội thẩm.
Cơ chế giải trình trong hệ thống tư pháp
Liên quan đến chế độ đãi ngộ, thực tế các Thẩm phán hiện nay mặc dù có mức lương cao hơn so với mức lương chung của các ngành khác, song vẫn thấp so với nhu cầu bảo đảm đời sống và tích lũy cho họ và gia đình.
Pháp luật hiện nay cũng chưa có các quy định cụ thể về bí mật nghề nghiệp và quyền miễn trừ của Thẩm phán. Ở nhiều quốc gia, vấn đề miễn trừ trách nhiệm đối với Thẩm phán được quy định ngay trong Hiến pháp. Đó là bởi sự thiếu vắng quy định này có thể gây rủi ro cho các Thẩm phán trong hoạt động nghề nghiệp và vì vậy ảnh hưởng đến việc xét xử độc lập của họ.
Hơn nữa, cơ chế kỷ luật Thẩm phán còn thiếu hợp lý. Hiện nay chỉ có hai cơ chế kỷ luật cùng được áp dụng đối với Thẩm phán, đó là chế độ kỷ luật nghề nghiệp và chế độ kỷ luật công chức. Chế độ kỷ luật nghề nghiệp được áp dụng khi một Thẩm phán không còn xứng đáng với chức danh của mình thì sẽ bị tước chức vụ bởi người có thẩm quyền bổ nhiệm họ. Tuy nhiên, những căn cứ để áp dụng hình thức kỷ luật này chưa cụ thể, chủ yếu dựa vào sự xem xét của những người tham gia và quy trình ra quyết định kỷ luật. Còn chế độ kỷ luật công chức hành chính, chưa có quy định cụ thể áp dụng cho Thẩm phán. Ngoài ra, pháp luật hiện hành cũng không quy định đầy đủ về quy trình, thủ tục để Thẩm phán có thể khiếu nại quyết định kỷ luật đối với mình.
Từ những phân tích trên thấy rằng, để đảm bảo hoạt động xét xử của Thẩm phán ở nước ta được thực sự độc lập, qua đó góp phần thúc đẩy sự liêm chính của hệ thống tư pháp và phòng chống oan sai trong tố tụng hình sự, cần phải có những giải pháp.
Giải pháp đầu tiên phải kể đến là, không nên chỉ giới hạn những đảm bảo cho sự độc lập của Thẩm phán, Hội thẩm trong việc xét xử, mà cần mở rộng những bảo đảm đó đến các yếu tố có thể ảnh hưởng đến họ bên ngoài quá trình xét xử, tức là lồng ghép các vấn đề độc lập của Thẩm phán vào toàn bộ cơ chế chính sách của Thẩm phán như: nhiệm kỳ, phương thức bổ nhiệm của Thẩm phán; các biện pháp bảo đảm tài chính của Tòa án và thu nhập của Thẩm phán…
Thứ hai, cần sớm xây dựng bộ quy tắc về đạo đức nghề nghiệp cho Thẩm phán để không những đảm bảo uy tín của họ trong hoạt động nghề nghiệp mà còn cho phép Thẩm phán được quyền xét xử theo lương tâm mà không trái pháp luật. Đó là bởi pháp luật thì cứng nhắc và chỉ mang tính chất định khung nên sự đúng sai, công bằng nhiều khi phải dựa vào lương tâm của người Thẩm phán. Tuy nhiên, lương tâm phải được ràng buộc bởi trách nhiệm, thể hiện ở các quy tắc đạo đức nghề nghiệp của Thẩm phán. Tính trách nhiệm của Thẩm phán ở đây chính là cơ chế giải trình trong hệ thống tư pháp. Các Thẩm phán phải giải trình được cơ sở ra phán quyết của mình, mà trước hết và quan trọng nhất là nhận định về tình tiết của vụ việc và cơ sở để áp dụng pháp luật, qua đó khắc phục được tình trạng ra phán quyết tùy tiện, thiếu cơ sở.
Thứ ba là quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm Thẩm phán, phải đảm bảo để không có sự phân biệt đối xử về bất cứ yếu tố gì bất hợp lý trong quá trình này, từ đó chọn ra những Thẩm phán có năng lực, đạo đức; cũng như việc khuyến khích những người có năng lực và đạo đức tốt cống hiến cho hệ thống Tòa án. Ngoài ra, để góp phần duy trì tính độc lập của Thẩm phán, cần nghiên cứu tăng cường chế độ đãi ngộ với họ. Khi mức lương của các Thẩm phán được cải thiện, đảm bảo cho cuộc sống của mình và gia đình sẽ giúp cho Thẩm phán chuyên tâm hơn vào công việc và cũng là một biện pháp “dưỡng liêm” trong hoạt động nghề nghiệp…