Thẩm phán TANDTC Bùi Ngọc Hòa: Bảo đảm cho Hội đồng Thẩm phán TANDTC thực hiện tốt nhiệm vụ theo đúng quy định của pháp luật
Tiêu điểm - Ngày đăng : 06:45, 30/01/2017
Tạo điều kiện để Hội đồng Thẩm phán TANDTC thực hiện tốt nhiệm vụ xét xử, khắc phục tình trạng quá tải về công việc. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với Thẩm phán TANDTC Bùi Ngọc Hòa.
Thẩm phán TANDTC Bùi Ngọc Hòa
Phóng viên: Xin ông cho biết sự khác nhau trong quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014 và Luật Tổ chức TAND năm 2002 về thẩm quyền xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm của TANDTC?
Thẩm phán TANDTC Bùi Ngọc Hòa: Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, nhiều nội dung quan trọng về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của TAND, về Thẩm phán TAND đã được bổ sung, sửa đổi. Luật Tổ chức TAND năm 2014 đã thể chế hóa các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp; bảo đảm cụ thể hóa tinh thần cũng như các quy định của Hiến pháp về Tòa án. Một trong những điểm mới của Luật Tổ chức TAND năm 2014 là các quy định về thẩm quyền xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm của TANDTC.
Cụ thể là, theo Luật Tổ chức TAND năm 2002 và các văn bản pháp luật tố tụng tư pháp thì tại TANDTC việc tổ chức xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm được giao cho Hội đồng Thẩm phán TANDTC và các Tòa chuyên trách thuộc TANDTC. Theo đó, các Tòa chuyên trách thuộc TANDTC (Toà Hình sự, Toà Dân sự, Toà Kinh tế, Toà Lao động và Toà Hành chính) có nhiệm vụ xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm những vụ án mà bản án, quyết định của TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng. Còn Hội đồng Thẩm phán TANDTC có nhiệm vụ xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định của các Tòa chuyên trách, các Tòa phúc thẩm thuộc TANDTC đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng.
Còn theo quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014 (cũng đã được cụ thể hóa trong các văn bản luật tố tụng) thì tại TANDTC hiện nay không còn các Tòa chuyên trách nữa và việc xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm do Hội đồng Thẩm phán TANDTC thực hiện. Tại Điều 23 Luật Tổ chức TAND năm 2014 quy định việc tổ chức xét xử của Hội đồng Thẩm phán TANDTC gồm: “Hội đồng Thẩm phán TANDTC xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm 5 Thẩm phán hoặc toàn thể Thẩm phán TANDTC. Việc xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm 5 Thẩm phán hoặc toàn thể Thẩm phán TANDTC được thực hiện theo quy định của luật tố tụng”.
Phóng viên: Vậy quy định về thẩm quyền xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán 5 thành viên và Hội đồng Thẩm phán toàn thể như thế nào, thưa ông?
Thẩm phán TANDTC Bùi Ngọc Hòa: Theo quy định của các văn bản luật tố tụng (cụ thể là tại Điều 382, 403 BLTTHS năm 2015; Điều 337, 357 BLTTDS năm 2015; Điều 266, 286 Luật TTHC năm 2015) thì Hội đồng Thẩm phán TANDTC giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp cao bị kháng nghị. Theo đó, Hội đồng Thẩm phán TANDTC xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm 5 Thẩm phán đối với bản án, quyết định của TAND cấp cao bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Toàn thể Hội đồng Thẩm phán TANDTC xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp cao nhưng có tính chất phức tạp hoặc bản án, quyết định đã được Hội đồng Thẩm phán TANDTC xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm 5 Thẩm phán nhưng không đạt được sự thống nhất khi biểu quyết thông qua quyết định về việc giải quyết vụ án.n thể là những vụ án thuộc một trong các trường hợp gồm: Quy định của pháp luật về những vấn đề cần giải quyết trong vụ án chưa rõ ràng, chưa được hướng dẫn áp dụng thống nhất; việc đánh giá chứng cứ, áp dụng pháp luật có nhiều ý kiến khác nhau; việc giải quyết vụ án liên quan đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Việc tổ chức xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm do Hội đồng toàn thể hoặc Hội đồng 5 thành viên sẽ do Chánh án TANDTC xem xét, quyết định.
Mặt khác, chúng ta cần hiểu rằng, dù được đưa ra xét xử bởi Hội đồng xét xử 5 thành viên, nhưng giá trị pháp lý của các quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm do Hội đồng xét xử 5 thành viên là quyết định tố tụng cao nhất, có hiệu lực pháp luật, không bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, trừ trường hợp xem xét lại theo thủ tục đặc biệt theo quy định của pháp luật tố tụng giống như quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán toàn thể.
Phóng viên: Ý nghĩa của việc quy định Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm 5 thành viên, thưa ông?
Thẩm phán TANDTC Bùi Ngọc Hòa: Thực tiễn thực hiện các quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2002 và các quy định pháp luật có liên quan về tổ chức, hoạt động của Hội đồng Thẩm phán TANDTC cũng có những tồn tại, bất cập. Việc quy định Hội đồng Thẩm phán TANDTC phải mở phiên họp toàn thể để thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 22 của Luật Tổ chức TAND năm 2002 là: Khi mở phiên họp phải có ít nhất 2/3 tổng số thành viên tham gia; quyết định của Hội đồng phải được quá nửa tổng số thành viên tán thành. Trong khi đó, cùng với nhiệm vụ xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm, Hội đồng Thẩm phán TANDTC còn được giao những nhiệm vụ rất quan trọng khác, đó là ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, góp ý kiến đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do TANDTC hoặc các cơ quan hữu quan khác chủ trì soạn thảo. Thực tế này dẫn đến tình trạng quá tải trong công tác của Hội đồng Thẩm phán và là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc để án giám đốc thẩm, tái thẩm quá thời hạn xét xử hoặc tình trạng chậm ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật thuộc thẩm quyền của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.
Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014 thì thẩm quyền của Hội đồng Thẩm phán TANDTC còn được bổ sung nhiệm vụ lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có tính chuẩn mực của các Tòa án để tổng kết thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.
Như vậy, với việc thay đổi phương thức xét xử của Hội đồng Thẩm phán TANDTC theo hướng quy định có Hội đồng xét xử gồm 5 thành viên hoặc Hội đồng toàn thể Thẩm phán TANDTC sẽ tạo điều kiện để Hội đồng Thẩm phán TANDTC thực hiện tốt nhiệm vụ xét xử, khắc phục tình trạng quá tải về công việc; bảo đảm cho Hội đồng Thẩm phán TANDTC thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ theo đúng quy định của pháp luật.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!