Sửa đổi những bất cập của kỳ thi năm trước, tạo thuận lợi cho thí sinh

Giáo dục - Ngày đăng : 06:49, 05/02/2016

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố chủ trương tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2016. Báo Công lý đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga, làm rõ thêm chủ trương này.

PV: Thưa Thứ trưởng, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2016 có những điều chỉnh như thế nào so với năm trước

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Nguyên tắc điều chỉnh kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm nay là phát huy những điểm tốt của năm 2015 và điều chỉnh bất cập sao cho thí sinh thí sinh yên tâm ôn tập cho tốt; có tâm lý thoải mái nhất khi tham gia kỳ thi. 

Những điểm không thay đổi trong kỳ thi năm 2016 là: Ngày thi, thời gian các môn thi, cấu trúc các đề thi, phương thức thi trắc nghiệm hoặc tự luận, kiểu ra đề thi... Sắp tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chính thức công bố đề thi minh họa để giúp thí sinh yên tâm ôn tập. 

Một điểm khác vẫn được giữ nguyên như năm 2015 là tổ chức 2 loại cụm thi. Một loại cụm thi có 2 mục đích vừa xét tốt nghiệp và dùng kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng; cụm thi dành cho thí sinh chỉ xét tốt nghiệp vẫn được duy trì để thí sinh lựa chọn theo mục đích thi phù hợp. 

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức các cụm thi trung học phổ thông quốc gia cho thí sinh sử dụng kết quả thi vừa xét tốt nghiệp phổ thông vừa xét tuyển đại học, cao đẳng được tổ chức trên tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên cả nước. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ tổ chức cụm thi phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo cho thí sinh dự thi 2 mục đích, riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có thể sẽ có nhiều cụm thi để thí sinh không dồn lại quá đông. 

Số lượng cụm thi cũng được tăng thêm, tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều có cụm thi do trường đại học chủ trì phối hợp với sở giáo dục đào tạo dành cho thí sinh thi với 2 mục đích. Năm ngoái, một số địa phương cũng đã có kinh nghiệm làm việc này, ví dụ như ở Gia Lai do Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh lên chủ trì cụm thi tại Pleiku. Một số địa phương cũng có các trường Trung ương hỗ trợ như tại An Giang, Bộ đã cử Trường Đại học Luật xuống phối hợp tổ chức và làm rất tốt. Năm nay, Bộ sẽ nhân rộng mô hình này nên sẽ không gặp khó khăn. 

PV: Kỳ thi năm ngoái có tình trạng nghẽn mạng khi công bố điểm thi do hàng triệu thí sinh, phụ huynh cùng truy cập để xem kết quả thi. Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có phương án nào để việc công bố điểm thi thuận lợi hơn cho thí sinh? 

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Như tôi đã trao đổi, kỳ thi năm nay sẽ thay đổi, xử lý triệt để những bất cập của kỳ thi năm 2015, trong đó có cả khâu công bố kết quả thi. Năm ngoái có 8 địa chỉ truy cập nhưng vẫn xảy ra tình trạng nghẽn mạng, khó khăn cho thí sinh khi truy cập. Năm nay, Bộ đã đưa ra chủ trương là tất cả cụm thi do các trường đại học chủ trì và Sở Giáo dục chủ trì sẽ tự công bố kết quả tại cụm thi của mình. Việc này sẽ khắc phục được tình trạng nghẽn mạng như năm trước. Ngoài ra, năm nay có sự thay đổi về quy định xét tuyển. Năm ngoái, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thí sinh rút nộp hồ sơ nhiều lần để tăng cơ hội đỗ đại học, cao đẳng nhưng lại gây bất cập cho thí sinh và người nhà. Ở một số trường có tỷ lệ cạnh tranh cao xảy ra tình trạng rút nộp hồ sơ dồn dập vào những giờ cuối cùng của hạn công bố kết quả, gây bức xúc cho xã hội. Năm nay sẽ không còn diễn ra tình trạng như vậy nữa bởi Bộ đã đưa ra quy định mới. Năm nay, đợt đầu tiên, mỗi thí sinh được đăng kí xét tuyển tối đa vào 2 trường, mỗi trường tối đa 2 ngành đào tạo thay vì 1 trường và 4 nguyện vọng như năm trước. Việc thay đổi này giúp thí sinh có cơ hội lựa chọn ngành học yêu thích ở 2 trường khác nhau. Như vậy, thí sinh có thể chọn được nghề nghiệp mình yêu thích chứ không chỉ chọn chỗ học. 

Năm nay thí sinh cũng có thể yên tâm ở nhà đăng ký online hoặc qua bưu điện để không phải đi lại mất thời gian, tiền bạc. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ quản lý cơ sở dữ liệu chung để các trường truy cập, quản lý việc đăng ký của thí sinh đúng quy định, tránh bất cập diễn ra như năm 2015. 

PV: Qua chia sẻ của Thứ trưởng có thể thấy, năm nay công nghệ thông tin đã được ứng dụng nhiều hơn nhưng liệu cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin ở các trường có đáp ứng được vấn đề này? 

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Bộ đã chuẩn bị phần mềm trên cơ sở phần mềm năm ngoái, đồng thời yêu cầu các trường cập nhật thông tin, cơ sở dữ liệu và chuẩn bị cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để sử dụng phần mềm chung cho việc xét tuyển. Các trường có thể viết phần mềm riêng nhưng phải tương thích với cơ sở, cấu trúc dữ liệu để có thể truy cập thông tin từ Bộ gửi về.

Tuy nhiên, việc chia nhỏ các điểm truy cập thì lượng truy cập vào các trường không lớn nên sẽ không quá phức tạp. Sắp tới Bộ sẽ tập huấn cho các trường về công nghệ thông tin, phần mềm tuyển sinh. Năm nào việc này cũng được thực hiện nhưng năm nay sẽ làm sớm hơn để các trường chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất cũng như nhân lực thực hiện tuyển sinh.

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng.

Lê Phú