10 sự kiện nổi bật của ngành giáo dục năm 2015
Giáo dục - Ngày đăng : 08:48, 28/12/2015
1. Kỳ thi THPT quốc gia
Năm 2015 lần đầu tiên Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi tích hợp hai trong một
Năm 2015 là năm đáng ghi nhớ của ngành giáo dục với dấu mốc quan trọng lần đầu tiên Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ THPT Quốc gia. Đây là hình thức thi tích hợp 2 trong một, tức là kết quả thi được sử dụng vào 2 mục đích vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển CĐ, ĐH. Theo kỳ vọng của các nhà giáo dục, kỳ thi sẽ giảm áp lực cho thí sinh và cả xã hội đồng thời làm tăng cơ hội vào các trường ĐH, CĐ của các thí sinh. Tuy nhiên, kỳ thi cũng bộc lộ nhiều yếu kém khi để "vỡ trận" ở những khâu công bố điểm thi và rút-nộp hồ sơ ở những phút chót. Sau đó, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã phải đứng ra nhận trách nhiệm về việc này.
2. Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội
Đại học Quốc gia Hà Nội là trường duy nhất được Bộ Giáo GD-ĐT giao thí điểm thi đánh giá năng lực lấy kết quả tuyển sinh vào ĐH. Bài thi gồm 140 câu hỏi trắc nghiệm, chia làm 3 phần riêng biệt, thời gian làm bài 195 phút trên máy tính. Kết quả bài thi có giá trị dùng để đăng ký xét tuyển vào Đại học Quốc gia Hà Nội trong thời gian 24 tháng kể từ ngày thi. Sau hai đợt thi vào tháng 5 và 8, các trường thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội đã tuyển đủ chỉ tiêu. Kỳ thi được đánh giá là thành công khi đạt được các mục tiêu đặt ra, kết quả thi đánh giá năng lực tương ứng với kết quả thi THPT quốc gia.
3. Tích hợp môn lịch sử
Sau khi công bố, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể nhận được sự quan tâm của xã hội khi môn Lịch sử không còn tên trong chương trình học bắt buộc. Trong khi các giáo sư đầu ngành lên án mạnh mẽ và yêu cầu Bộ GD&ĐT giữ Lịch sử là môn bắt buộc, độc lập, nhất là trong điều kiện chủ quyền biển đảo đang bị đe dọa nghiêm trọng, Bộ Giáo dục vẫn giữ quan điểm cho rằng Lịch sử không bị xóa bỏ, thậm chí còn xuất hiện nhiều hơn, trong nhiều môn học khác nhau. Tại phiên chất vấn trực tiếp, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận kiên quyết bảo lưu quan điểm tích hợp môn Lịch sử nhưng cuối kỳ họp Quốc hội nêu rõ "tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới".
4. Cấm thi tuyển vào lớp 6
Những năm trước kỳ thi vào lớp 6 diễn ra khá căng thẳng với tỷ lệ chọi cao
Đầu tháng 3, Bộ GD&ĐT phát đi thông báo cấm các trường tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 6. Nếu cơ sở giáo dục có số lượng học sinh đăng ký vào lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh thì phải xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp, trình cấp có thẩm quyền ở địa phương quyết định. Quy định này lập tức gây xôn xao dư luận, bởi nhiều trường ở Hà Nội, TP HCM có lượng hồ sơ đăng ký rất lớn. Các năm trước, kỳ thi vào lớp 6 ở những trường này diễn ra khá căng thẳng với tỷ lệ chọi cao. Một số trường sau đó đã trình phương án đo chỉ số IQ (chỉ số thông minh), EQ (chỉ số cảm xúc), phỏng vấn bằng tiếng Anh, nhưng không được chấp nhận vì vẫn tạo ra áp lực mới cho HS.
5. Bài toán tiểu học khiến GS. Ngô Bảo Châu cũng “bó tay”
Anh P.T, một phụ huynh Trường tiểu học Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng nhờ giáo sư Châu giải bài toán. Theo anh P.T, đây là một bài toán do cô giáo chủ nhiệm phát cho các cháu ở lớp con anh và gợi ý các cháu nên làm. Tuy nhiên, chính cô giáo chủ nhiệm cũng thú nhận rằng cô… không làm được. Anh P.T đã mang bài đó đi hỏi một số cô giáo ở các trường tiểu học khác nhưng các cô cũng "lắc đầu". Bằng biệt danh Thichhoctoan, GS Ngô Bảo Châu cho biết ông không hiểu đề bài, và dù có hiểu cũng không làm được ngay. Sau khi có một bạn đọc khác ở Việt Nam diễn giải đề toán, giáo sư Châu bình luận: “Chắc chỉ có mỗi cách là mò cua, may ra thì bắt được ốc!”.
6. Trường Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở ngành đào tạo y, dược
Quyết định cho phép Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được phép đào tạo Y đa khoa, Dược học trình độ đại học gây nhiều tranh cãi bởi một năm trước đó hai bộ Y tế, Giáo dục đã thống nhất không cấp phép đào tạo ngành Y đa khoa, Dược học ở các trường đa ngành không thuộc khối chuyên ngành Y dược. Ngay sau quyết định của Bộ GD&ĐT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phải triệu tập một cuộc họp, chỉ đạo việc đào tạo và cho phép mở ngành đào tạo nhân lực ngành y tế nói chung, bác sĩ đa khoa, dược sĩ nói riêng cần đặt chất lượng đào tạo là tiêu chí hàng đầu. Phó Thủ tướng yêu cầu hai bộ Giáo dục và Y tế kiểm tra việc trường thực hiện các yêu cầu, đảm bảo điều kiện cần thiết và chỉ cho phép đào tạo khi đã đáp ứng đầy đủ điều kiện.
7. Nữ sinh bị đuổi học vì nói xấu cô giáo trên faceook
Nói xấu cô giáo trên facebook nữ sinh bị đuổi học
Nữ sinh Nguyễn Thị Vũ Q. lớp 12A6 trường THPT Lê Lợi – Hà Đông (Hà Nội) bị nhà trường đuổi học 10 ngày vì lên facebook nói xấu cô giáo. Khi sự việc xảy ra Hiệu trưởng trường THPT Lê Lợi mời phụ huynh nữ sinh Q. lên làm việc với mong muốn gia đình đưa em Q. trở lại trường để Q. tiếp tục học tập. Tuy nhiên, bà Phượng mẹ Q. cho rằng, nhà trường đuổi học và cô giáo có lời nói không tốt gây ra cú sốc nặng đối với con bà. Sau khi sự việc xảy ra, Q. thay đổi tâm lý, có biểu hiện trầm cảm. Thậm chí Q. đã có ý định nhảy từ tầng 3 của trường xuống để tự tử. Gia đình đã phải đưa Q. đi bệnh viện để điều trị. Để đảm bảo an toàn, ổn định tâm lý cho nữ sinh Q., gia đình có nguyện vọng chuyển Q. sang trường khác để tập trung vào việc học.
8. Nhân tài ra nước ngoài không trở về nước
Câu hỏi “Vì sao 13 cháu du học, 12 cháu không về?” của đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) sáng 2/11 tại diễn đàn Quốc hội một lần nữa thu hút sự quan tâm, mổ xẻ của nhiều người. Theo ông Hòa, chuyện 13 học sinh nhận học bổng của cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” đi du học, 12 cháu ở lại nước ngoài làm việc chỉ là một ví dụ minh họa cho tình trạng bức xúc trong sử dụng nhân tài. “Về nguồn nhân lực, tôi thấy dân tộc ta có truyền thống hiếu học, hiện nay cộng đồng dân cư đang đầu tư rất lớn cho thế hệ trẻ, đặc biệt là thế hệ trẻ được đi học bài bản ở nước ngoài, nhiều bậc cha mẹ và bản thân các cháu rất mong muốn về làm việc trong nước nhưng rất tiếc chúng ta đã lãng phí nguồn lực quý báu này do thiếu cơ chế phù hợp để khai thác” - ông Hòa nhận xét.
9. Đà Nẵng kiện nhân tài
Từ năm 2004, Đà Nẵng thực hiện đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm bổ sung đội ngũ cán bộ chất lượng cho TP. Hơn 630 học viên đã tham gia dự án thì có hơn nửa về làm việc cho TP sau khi được tạo điều kiện đi học. Tuy nhiên, có nhiều học viên không về làm việc mà xin ở lại học tiếp lên cao hoặc chưa làm hết thời gian cam kết lại bỏ ra nước ngoài…gây khó khăn trong việc sắp xếp nhân sự cũng như giảm uy tín, ảnh hưởng kinh tế cho TP. Vừa qua, Trung tâm phát triển nguồn lực chất lượng cao Đà Nẵng đã khởi kiện 7 học viên vi phạm hợp đồng. Sau phiên sơ thẩm, tòa tuyên án các học viên phải bồi thường thiệt hại cho Thành phố. Tuy nhiên, họ tiếp tục kháng cáo với mong muốn được giảm án phí bồi thường, tiền bồi thường được trả chậm tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng Nhà nước.
10. ĐH Tôn Đức Thắng tự bổ nhiệm chức danh giáo sư
Giữa tháng 9, Đại học Tôn Đức Thắng (TP HCM) quyết định tự bổ nhiệm chức danh Giáo sư và Phó giáo sư cho những cán bộ giảng viên trong và ngoài trường có nhu cầu nhận được sự quan tâm của xã hội. Mục đích của trường là bổ nhiệm các vị trí chuyên môn để phân công công việc và chế độ phù hợp cho thành viên ở các khoa, phòng rõ ràng, hướng đến phát triển khoa học của nhà trường. Tuy nhiên, ông Bùi Mạnh Nhị, Chánh văn phòng Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước khẳng định việc này không đúng quy định và cần dừng lại. Đáp lại, giáo sư Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng cho rằng trường không làm sai và sẽ không dừng việc bổ nhiệm giáo sư.