Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW vì mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo
Giáo dục - Ngày đăng : 07:52, 20/11/2015
Những bước phát triển tích cực
Phát biểu tại phiên họp toàn thể Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục - đào tạo và Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực nhiệm kỳ 2011-2015 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã xác định rõ mục tiêu tổng quát là: Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục - đào tạo, đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân...
Nhìn lại sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29, nền giáo dục nước ta có những bước phát triển tích cực, nhất là những kết quả đạt được trong đổi mới chương trình giáo dục của các cấp học và trình độ đào tạo; đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực của học sinh; đổi mới công tác quản lý giáo dục - đào tạo; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới cơ chế tài chính và tăng cường cơ sở vật chất cho giáo dục…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, tinh thần chung là phải thực hiện hiệu quả hơn nữa Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, một trong những công tác có ý nghĩa quyết định trong phát triển con người, nguồn nhân lực, yếu tố có vai trò quyết định trong nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Giờ thực hành của sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội
Đề cập đến hệ thống giáo dục quốc dân và khung trình độ quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng đây là hai nội dung có sự gắn bó chặt chẽ với nhau. Bộ GD&ĐT cần tiếp thu đầy đủ ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành tại cuộc họp, đồng thời tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành hữu quan, các hiệp hội hoàn thiện báo cáo về hệ thống giáo dục quốc dân cũng như về khung trình độ quốc gia. Trong đó cần đặc biệt lưu ý làm rõ những hạn chế của hệ thống giáo dục quốc dân hiện tại để đề xuất hệ thống giáo dục quốc dân mới cũng như phương án thực hiện đảm bảo được tính khả thi, đồng thời làm rõ sự cần thiết xây dựng khung trình độ quốc gia, nhất là về cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn; phạm vi và cấu trúc của khung trình độ quốc gia.
Cần tập trung đổi mới giáo dục đại học
Tầm quan trọng của giáo dụ - đào tạo đã được nêu trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội lần thứ XII của Đảng. Giáo dục là quốc sách hàng đầu, có sứ mệnh nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Các nghị quyết của Đảng về giáo dục, đào tạo được lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đạt được những thành quả nhất định. Quy mô, mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo tiếp tục được mở rộng. Hệ thống giáo dục và đào tạo các cấp từ cơ sở đến đại học, dạy nghề được tổ chức lại một bước. Chất lượng giáo dục và đào tạo có tiến bộ. Cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, đào tạo được cải thiện và có bước hiện đại hóa. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng. Xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh. Công tác quản lý giáo dục và đào tạo có bước chuyển biến. Chủ trương đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho con người đã được các cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo thực hiện và nhận được sự ủng hộ của toàn xã hội.
Góp ý vào Dự thảo Báo cáo, TS Trần Hải Linh, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Hàn Quốc cho rằng, phần Dự thảo Báo cáo cần nêu rõ được thực trạng nền giáo dục Việt Nam hiện nay. Cần phải hiểu rõ thực trạng nền giáo dục hiện nay thì mới đưa ra được những định hướng phát triển trong tương lai. Báo cáo cần đưa ra những con số cụ thể về nền giáo dục từ cấp học mầm non, tiểu học, trung học, đại học, sau đại học và dạy nghề, từ đó rút ra những gì đã làm được và chưa làm được cũng như so sánh với các nước trong khu vực để thấy được nước ta còn yếu kém trong những mặt nào. Báo cáo đề ra mốc thời gian phấn đấu đến năm 2030 đưa nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, tuy nhiên, những giải pháp đưa ra còn chung chung, chưa có lộ trình và hướng dẫn thực hiện cụ thể.
TS Trần Hải Linh đề nghị, chúng ta cần nghiên cứu các nền giáo dục hiện đại trên thế giới và khu vực để chọn lọc phương thức áp dụng vào Việt Nam. Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội cần có chiến lược rõ ràng về giáo dục, định hướng rõ trong 10 năm về việc đổi mới và phát triển giáo dục và thực sự coi "giáo dục là quốc sách hàng đầu để phát triển đất nước". Trong đó, cần chú trọng việc tập trung vào việc đổi mới giáo dục đại học.
Cần tăng tỷ lệ phần trăm dành cho giáo dục lên mức 5% GDP vì hiện nay tỷ lệ này quá thấp (nhỏ hơn 1% GDP). Mặt khác, trao quyền tự chủ cho các trường đại học có thể coi là một trong các biện pháp hữu hiệu để phát triển giáo dục đại học.
Tăng số lượng các trường đại học quốc tế hoặc hợp tác quốc tế để đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngay tại nước ta. Tập trung nâng cao 10 trường đại học trọng điểm của Việt Nam theo chiến lược 10 năm để nâng cao xếp hạng của những trường này theo xếp hạng quốc tế (đặt mục tiêu lọt vào tốp 200 thế giới).
Ngoài ra, cần thành lập chương trình mang chiến lược như chương trình Brain Korea 21 của Hàn Quốc đã thực hiện, định hướng và liên kết giữa giáo dục đại học và các nhà nghiên cứu trẻ, nguồn nhân lực trình độ cao trong việc phát triển khoa học, công nghệ, tăng trưởng vượt bậc cho nền kinh tế quốc gia.