Chênh vênh con chữ vùng cao

Giáo dục - Ngày đăng : 09:12, 18/11/2015

Ở các bản làng vùng sâu, vùng xa, việc học của con em đồng bào các dân tộc thiểu số gặp muôn vàn gian khó. Nhưng, với niềm khát khao mãnh liệt, các em đã và đang ngày ngày vượt qua núi cao, rừng sâu, vượt qua nghèo đói và hủ tục để đến trường.

Cõng em đi học

Mỗi buổi sáng, Thò Thị Vừ, học sinh lớp 1, điểm Trường Háng Pu Si (thuộc Trường Tiểu học xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) lại cùng các bạn đồng lứa hăm hở cắp sách đến trường. Điểm khác biệt giữa Vừ và các bạn xung quanh là trên lưng Vừ còn địu thêm một đứa em nhỏ. Cứ thế, ngày lại ngày, khi chị Vừ chăm chú tập đọc, tập viết theo cô giáo thì đứa em say sưa ngủ trên lưng. Và, điều kỳ lạ là không biết đứa trẻ đã hiểu được sự vất vả của chị hay đã quen với không khí lớp học mà khi ngủ dậy, nó không hề quấy khóc, cứ tròn xoe mắt nhìn các anh, chị trong lớp học đánh vần.

Cô giáo chủ nhiệm Bùi Thị Hương “bật mí” thêm: Hoàn cảnh của học sinh này khá đặc biệt, bố mẹ em đã bỏ nhau, tất cả anh, chị em Vừ đang sống với mẹ. Nhà nghèo, hàng ngày mẹ và anh, chị đi làm nương để kiếm cái ăn, Vừ phải lãnh tránh nhiệm chăm sóc đứa em nhỏ. Lúc đầu khi giáo viên đến gia đình vận động cho em đi học, mẹ Vừ nói “Nó còn phải ở nhà trông em!”. Giải thích, vận động mãi không được, cuối cùng cô giáo phải “thương lượng” với mẹ Vừ, và Vừ đã được đến lớp học nhưng phải địu theo cả em.

Bù lại, Thò Thị Vừ rất chăm chỉ đến lớp. Trong khi nhiều em khác sau ngày nghỉ cuối tuần thì thứ Hai cũng… nghỉ luôn, các cô giáo phải đến tận nhà để đón đi học, còn Vừ luôn tự giác trở lại trường. Cùng hoàn cảnh bố mẹ bỏ nhau như Vừ là Thò A Tủa, học sinh lớp 2 cùng trường. Hàng ngày, Tủa cũng dắt theo một đứa em lên lớp học. Nhà Tủa nghèo, nằm chênh vênh vách núi. Ngay từ khi mới hơn 4 tuổi, Tủa đã phải tự lo cho bản thân và chăm sóc cho em để bố mẹ vào rừng kiếm rau, chặt măng; lên nương trồng ngô, tra đỗ, lo cái ăn cho cả nhà.

Chênh vênh con chữ vùng cao

Anh em Thò A Tủa đến lớp

Lên 7 tuổi, may mắn hơn nhiều bạn cùng lứa, Tủa được đi học. Nhưng, nhiệm vụ trông em Tủa vẫn phải đảm đương. Vậy là cứ mỗi sáng, Tủa lại cõng em đến lớp. Trời quang mây tạnh còn đỡ, chứ những khi mưa gió, hành trình đến lớp của hai anh em Tủa vất vả vô cùng. Người ướt rượt, tóc tai, quần áo lấm lem bùn đất. Nhiều lúc cô Hương phải cho lớp tạm nghỉ giải lao để tắm rửa, thay quần áo cho anh em Tủa.

Cô Hương bảo, ở vùng cao, đời sống của bà con các dân tộc còn nghèo khó, thiếu thốn, phần lớn các phụ huynh trước đây không được đi học đến nơi đến chốn nên nhận thức của họ hạn chế là điều tất yếu. Bây giờ, chỉ riêng việc lo kiếm cái ăn cho gia đình khỏi đói đã chiếm hết cả thời gian và suy nghĩ của họ nên một bộ phận thờ ơ, không quan tâm đến việc học tập của con em mình cũng là điều dễ hiểu. Bên cạnh đó, phần lớn phụ huynh khi đã cho con em mình đi học thì những vấn đề còn lại như chăm sóc, bảo ban, dạy dỗ đều “bàn giao” luôn cho thầy, cô giáo. Nghèo khó nên nhiều em đến lớp học với bộ áo quần rách vá, chân đất, mùa rét không có áo ấm; bậc mầm non còn có cả trường hợp trẻ em cởi truồng đến lớp. Còn việc thầy, cô giáo tích trữ bánh, kẹo để dỗ học sinh đến lớp là chuyện thường ngày ở các xã vùng cao.

“Học sinh miền núi phần lớn là con em hộ nghèo, lớp tôi chủ nhiệm có 16 học sinh thì đã 13 em thuộc hộ nghèo. Có những giai đoạn 3-4 em phải chung nhau một quyển sách giáo khoa; bút mực, sách vở, quần áo thiếu thốn, mùa đông giá rét có em chỉ có manh áo mỏng tới lớp… đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc học của các em”, cô Hương chia sẻ.

 Trong khi những học trò thành phố, học lớp 3, lớp 4 vẫn thường được bố mẹ đưa đón đến trường, thì phần lớn những em học sinh vùng cao phải tự lập từ rất sớm. Có khi mới 7 – 8 tuổi các em học dân tộc nội trú hoặc bán trú dân nuôi đã phải tự nhóm lửa, thổi cơm, gùi nước về sinh hoạt, tắm giặt và học cách chăm sóc nhau khi ốm. Nồi cơm tập thể có khi khê, lúc lại nhão, thức ăn thường chỉ có canh rau rừng, muối trắng, hôm nào sang thì có cá khô, nhưng khi đã túm tụm nhau lại, đứa cầm thìa, đứa bốc cơm thì bữa ăn trở thành vui vẻ, đầm ấm lắm. Sau mỗi đợt nghỉ cuối tuần, em nào cũng tay xách nách mang rau gạo từ nhà đủ dùng cho tuần kế tiếp.

Cuộc chiến với đói nghèo và hủ tục

Một giáo viên miền xuôi đời sống vốn đã khó khăn nhưng có lẽ chẳng thấm vào đâu so những vất vả mà các giáo viên vùng cao, vùng hải đảo đang trải qua. Không chỉ công tác trên địa bàn mới, xa nhà, xa gia đình, mà ở nhiều nơi, họ vừa dạy trẻ em tiếng Việt lại vừa phải học tiếng của bà con địa phương; làm tốt công tác vận động bà con dựng trường, đưa trẻ đến trường. Họ cũng luôn phải tìm tòi phương pháp dạy học hiệu quả hơn, phù hợp hơn với đặc điểm của học sinh vùng cao.

Cũng theo cô Hương thì trong những khó khăn mà các giáo viên vùng cao thường xuyên phải đối mặt như cơ sở vật chất thiếu thốn, bất đồng ngôn ngữ, khác biệt về phong tục tập quán, thì việc vận động học sinh đến lớp và “giữ” được các em không bỏ lớp là vất vả nhất. Vì đói nghèo, vì xa xôi cách trở, vì phải ở nhà trông em... có trăm ngàn lý do để những đứa trẻ Mông, Dao Tày, Thái từ chối hoặc chểnh mảng chuyện học hành.

Bên cạnh đó, nạn tảo hôn cũng góp một phần làm suy giảm sĩ số của các lớp học vùng cao. Cá biệt có những em mới đang học lớp 7, lớp 8 đã nhất nhất đòi nghỉ để lấy chồng. Thầy cô lại phải băng rừng vượt suối đi vận động các gia đình không dựng vợ gả chồng cho con sớm. Tuy nhiên, việc vận động của các thầy cô giáo không phải lúc nào cũng thành công, như trường hợp của em Lò Thị Chu, học sinh Trường THCS xã Xa Dung, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên.

Chênh vênh con chữ vùng cao

Mới lớp 9, em Lò Thị Chu đã vội lấy chồng

Nhà Chu ở bản Nà Sản B, xã Xa Dung. Năm học lớp 8, Chu “phải lòng” một bạn lớp trên là Và A Dìa ở bản Phà Só. Và, với sự mộc mạc, hồn nhiên nhất của dân tộc mình, cô cậu học trò này nghĩ việc thích nhau, cưới nhau chẳng liên quan gì đến… việc học. Khi thầy cô giáo phát hiện thì “chuyện đã rồi”, đành để hai gia đình tổ chức đám cưới cho 2 đứa trẻ. Lúc đó, Chu vừa bước sang tuổi 16 và mới học được nửa học kỳ của năm lớp 9.

Với những thiếu nữ dân tộc, lấy chồng có nghĩa là yên phận làm dâu, sinh con, làm lụng phụng sự nhà chồng nhưng Lò Thị Chu thì không thế. Đẻ con được một năm, Chu nhất mực xin gia đình và nhà trường cho đi học tiếp. Khi biết Chu muốn đi học, gia đình nhà chồng không bằng lòng, nhưng trước nguyện vọng rất thiết tha của em, nhà trường đã cử giáo viên đến động viên gia đình ủng hộ cho Chu được đi học tiếp. May mắn là cả hai vợ chồng Dìa - Chu đều học tốt. Ước mơ của Chu là muốn học cao hơn nữa để sau này về xã làm cán bộ.

Không giống như Chu, cô bé Tẩn Tả Mẩy (SN 2002, dân tộc Dao đỏ), học sinh lớp 6, Trường PT dân tộc bán trú THCS xã Suối Thầu (Sa Pa, Lào Cai) lại khác. Từ năm lớp 5, Mẩy đem lòng “yêu” cậu bạn trai cùng lớp tên Chảo Dùn Vạn. “Mối tình mũi dãi” ấy sẽ không có gì để nói nếu như Mẩy không bảo Vạn về nói bố mẹ mang lễ sang nhà mình xin cưới hỏi. Nghe chuyện con trai, bố mẹ Vạn liền đi xem bói, thấy thầy phán Mẩy và Vạn hợp tuổi, lấy nhau sẽ “con đàn cháu đống, của cải đề huề”, vậy là họ gật đầu cho lũ trẻ lấy nhau. Dù không đăng ký nhưng sau Tết nguyên đán 2015 vừa rồi, Mẩy và Vạn chính thức về chung sống với nhau.

Để hạn chế tình trạng học sinh bỏ học vì nạn tảo hôn, trong nhiều năm qua, chính quyền, đoàn thể ở nhiều địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nhưng hủ tục này thi thoảng vẫn xảy ra. Và vì thế, công cuộc “gieo chữ, trồng người” trên núi cao vẫn còn lắm chông chênh.                          

Nguyễn Đức Bảo