Bộ GD-ĐT nói lại cho rõ về tích hợp môn Lịch sử
Giáo dục - Ngày đăng : 17:10, 17/11/2015
Các đại biểu tại cuộc hội thảo Khoa học lịch sử trong giáo dục phổ thông
Theo Bộ GD-ĐT, sau khi công bố về nội dung dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (GDPT TT) để xin ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân, có một số ý kiến chưa đồng tình với Dự thảo.
Theo đó, cần đổi mới môn học Lịch sử/giáo dục lịch sử theo tinh thần Nghị quyết 29 là chuyển từ tập trung trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh, phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh; Muốn vậy phải rất coi trọng việc làm cho giáo dục Lịch sử không gây áp lực nặng nề, làm buồn chán học sinh như hiện nay. Trái lại, giáo dục lịch sử phải trở nên hấp dẫn, hứng thú với người học.
Ý kiến khác cho rằng, Ban xây dựng chương trình không coi trọng giáo dục lịch sử, để lịch sử là môn học tự chọn thì sẽ rất ít HS chọn học lịch sử, như thế chẳng khác gì xóa sổ lịch sử trong giáo dục cấp THPT.
Nếu tích hợp trong môn KHXH hoặc môn Công dân với Tổ quốc thì không thể hiện được tầm quan trọng của giáo dục lịch sử; khó tích hợp các mạch kiến thức giáo dục công dân, giáo dục lịch sử và giáo dục Quốc phòng an ninh; trái với yêu cầu giáo dục định hướng nghề nghiệp ở cấp THPT; đội ngũ giáo viên hiện nay không dạy được môn học mới này.
Cũng có ý kiến lo ngại là nếu để kiến thức lịch sử ở 3 môn Công dân với Tổ quốc, Khoa học xã hội, Lịch sử ở cùng cấp học thì kiến thức lịch sử bị xé lẻ hoặc chồng chéo nhau giữa 3 môn.
Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến đề nghị duy trì Lịch sử là môn học riêng, bắt buộc với tất cả học sinh.
Trước những ý kiến chưa đồng tình này, Ban xây dựng chương trình GDPT TT cho biết nhất trí về vấn đề thứ nhất.
Muốn giáo dục lịch sử trở nên hấp dẫn, chuyển từ tập trung trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực học sinh là một yêu cầu phải được thực hiện đổi mới đồng bộ các yếu tố từ xác định mục tiêu giáo dục, lựa chọn ra nội dung và tổ chức nội dung giáo dục, đa dạng hóa và đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục và cách thức đánh giá học sinh.
Về vấn đề học sinh không chọn học Lịch sử nếu là môn tự chọn, Ban xây dựng chương trình GDPT TT cho rằng, không phải học sinh thích thì chọn, không thích thì thôi, xóa sổ môn Lịch sử. Trái lại, theo Dự thảo chương trình, tất cả học sinh đều bắt buộc phải học nội dung giáo dục Lịch sử trong ít nhất 2 môn: Công dân với Tổ quốc và 1 trong 2 môn Lịch sử hoặc môn Khoa học xã hội. Ngoài ra học sinh còn học Lịch sử trong các môn học khác và các hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Thời lượng học lịch sử cũng nhiều hơn.
Ban xây dựng chương trình GDPT TT nhận thiếu sót là đã trình bày chưa rõ ràng trong văn bản dự thảo, gây hiểu nhầm và từ một vài người phát biểu không chính xác dẫn đến xôn xao dư luận. Tiếp thu các ý kiến góp ý, văn bản chương trình sẽ được điều chỉnh, bổ sung rõ vấn đề này.
Theo Bộ GD-ĐT, kiến thức lịch sử sẽ được sắp xếp theo logic mới
Liên quan đến tích hợp và phân hóa, Ban xây dựng chương trình GDPT TT cho rằng cách sắp xếp các môn học Công dân với Tổ quốc và môn Khoa học xã hội hoặc môn Lịch sử trong Dự thảo chương trình mới là kết quả của việc rút kinh nghiệm nhằm khắc phục hạn chế của chương trình hiện hành và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của chương trình giáo dục một số nước. Về tên gọi của môn học, việc đặt tên như vậy được thực hiện thống nhất với các môn học, lĩnh vực khác trong chương trình.
Việc sắp xếp môn học như vậy không trái với yêu cầu giáo dục định hướng nghề nghiệp ở THPT vì đã đảm bảo cho học sinh phân hóa.
Thiết kế môn học tích hợp mới theo các mạch kiến thức dựa trên các môn học truyền thống mà chưa tích hợp thật mạnh (như một số nước phát triển đã làm) là một giải pháp đã cân nhắc đến năng lực dạy học tích hợp còn hạn chế của đa số giáo viên các môn học hiện nay. Các mạch kiến thức trong từng môn không phải là sự sắp đặt cạnh nhau đơn giản mà có sự tích hợp đến mức độ cần thiết, đảm bảo giáo viên từng môn học hiện nay sẽ dạy được từng mạch kiến thức tương ứng.
Về vấn đề học sinh sẽ học kiến thức lịch sử trong ít nhất 2 môn học. Kiến thức lịch sử sẽ được sắp xếp theo logic mới chứ không phải xé lẻ. Do đó, trong quá trình viết sách giáo khoa phải đàm bảo yếu tố này.
Trước đề nghị duy trì Lịch sử là môn độc lập và bắt buộc, Ban Xây dựng chương trình GDPT TT cho rằng, nếu giữ môn học với tên gọi Lịch sử, với logic nội dung, kiến thức như hiện nay thì khó đáp ứng được các yêu cầu đổi mới.