Bộ Giáo dục và Đào tạo quá ôm đồm!
Giáo dục - Ngày đăng : 13:58, 05/11/2015
Thi chung là sai lầm
Mới đây, tại Hội thảo về thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH -CĐ do Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng tổ chức có sự tham gia của lãnh đạo Bộ GD- ĐT, nhiều chuyên gia về giáo dục đưa ra ý kiến đề xuất tách hai kỳ thì tốt nghiệp THPT và kỳ thi Đại học, Cao đẳng như trước.
Lý do các chuyên gia đưa ra là việc gộp kỳ thi “hai trong một” đã bộc lộ nhiều khuyết điểm, rối rắm trong việc xét tuyển vào các trường Đại học, Cao đẳng.
Trao đổi với phóng viên Báo Công lý, PGS Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT Trường THPT Lương Thế Vinh thẳng thắn cho rằng, không thể lồng ghép hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng làm một.
PGS Văn Như Cương cho rằng việc gộp kỳ thi "hai trong một" không tiết kiệm, không giảm căng thẳng và không đánh giá được trình độ thí sinh
Theo PGS Văn Như Cương, tính chất, mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh đại học là hoàn toàn khác nhau.
Thi tốt nghiệp THPT là nhằm đánh giá, ghi nhận kết quả học tập của học sinh vượt qua một ngưỡng kiến thức nào đó có thể là 90% hay 100% là đỗ tốt nghiệp, còn kỳ thi tuyển sinh đại học là để tuyển chọn những thí sinh có đủ trình độ năng lực để theo học trình độ cao hơn.
Mặt khác, việc Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với hai mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển Đại học, Cao đẳng nhằm giảm căng thẳng cho thí sinh, giảm tài chính, đánh giá đúng năng lực thí sinh nhưng cả 3 mục tiêu đặt ra đều không đạt được, nguyên nhân là do "Bộ GD&ĐT quá ôm đồm, ôm hết toàn bộ công việc mà đáng lý phải phân công cho các cấp".
“Việc tổ chức gộp hai kỳ tốt nghiệp THPT và thi Đại học, Cao đẳng bằng một kỳ thi THPT quốc gia là một việc làm sai lầm, bởi Bộ GD&ĐT đã không lắng nghe ý kiến của nhân dân, dẫn đến việc hỗn loạn xảy ra ở nhiều trường tốp trên, thí sinh hoang mang, chen lấn nộp hồ sơ, rút hồ sơ như báo chí đã phản ánh trong thời gian qua”, PSG Cương nói.
Ông đề xuất nên tách 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng một cách riêng rẽ, độc lập, trong đó thi tốt nghiệp thực hiện rất gọn nhẹ, xem như thi của học kỳ 2 giao cho Sở GD - ĐT các địa phương phụ trách, họ có quyền ra đề thi, chọn đề thi cho phù hợp, còn kỳ thi tuyển sinh Đại học phải làm chặt chẽ hơn, nên giao cho từng trường tự chủ. Bộ chỉ ban hành quy chế, đề ra phương hướng, quản lý chỉ tiêu tuyển sinh và kiểm tra, giám sát.
PGS Cương nhấn mạnh: "Nếu không sâu sát phổ thông thì không thể biết được những khổ sở của học sinh trong kỳ thi vừa rồi như thế nào, học sinh vật lộn, cực khổ như thế nào, tốn kém như thế nào. Bộ GD&ĐT đã ôm lấy toàn bộ công việc của kỳ thi quốc gia mà đáng lý ra phải phân công cho các cấp thực hiện, dẫn đến không làm được những mục tiêu như đã đề ra”.
Bằng góc nhìn của người làm giáo dục lâu năm, PGS Văn Như Cương khẳng định, việc tổ chức thi chung một đề không thể đánh giá được trình độ năng lực của học sinh. Ông đưa ra dẫn chứng cụ thể như tất cả các môn Toán đang thi ở khối A, mục tiêu đào tạo ra hoàn toàn khác nhau. Toán dạy ở trường Sư phạm, mục đích là đào tao ra người hiểu biết và để dạy được Toán phổ thông. Toán tổng hợp việc đào tạo để làm công tác nghiên cứu chuyên sâu, Toán tốt nghiệp ở kế toán khác hẳn anh tốt nghiệp Toán lại đi dạy học . Vậy thì tại sao lại thi chung một đề, PGS Văn Như Cương đặt câu hỏi.
Công tác xét tuyển chưa tốt
Đó là ý kiến của PGS - TS Nguyễn Văn Hùng, Nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng Hà Nội về những khuyết điểm của kỳ THPT Quốc gia.
“Nếu đề thi tốt, vẫn tạo ra phân hóa tốt để đánh giá năng lực của các thí sinh. Theo tôi, đề thi vừa rồi là đạt yêu cầu, chỉ đến lúc xét tuyển là “trục trặc” do công nghệ xét tuyển chưa tốt", ông Hùng cho biết.
Theo ông Hùng, năm 2015, lần đầu tiên Bộ GD&ĐT tổ chức gộp hai kỳ thi là thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng với phương châm đặt ra là nhằm giảm bớt tình trạng luyện thi, học tủ, học lệch và giảm bớt chi phí tốn kém cho thí sinh, gia đình và xã hội. Đây là một bước đột phá của Bộ GD&ĐT..
Tuy nhiên, theo ông Hùng, cần phải bàn bạc thật tỉ mỉ và lắng nghe ý kiến của các chuyên gia và người dân để tránh việc sau khi kết thúc kỳ thi không những không giảm được căng thẳng cho thí sinh, không tiết kiệm được chi phí mà còn gây thiệt thòi cho các thí sinh.