"Cuộc chiến tuổi dậy thì" - Cuộc chiến giữa cha mẹ và con

Giáo dục - Ngày đăng : 06:56, 06/10/2015

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa, giảng viên môn Tâm lý – Giáo dục, Trường ĐH Ngoại Ngữ (ĐH QGHN) đã thốt lên rằng: “Nuôi con tuổi dậy thì giống như ăn một bữa cơm do người thần kinh nấu, trong cùng một lúc mình phải ăn đủ các món mặn, ngọt, cay, đắng”.

Hẳn là phải “dị” lắm PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa mới thốt lên như vậy. Chị gọi cậu con trai tên Cống của mình là “hàng khủng”, “hàng độc”, và với Cống chị luôn phải chơi chiêu, phải đối phó thậm chí chị cho Cống quyền được xách va li ra khỏi nhà bất cứ lúc nào, khi không thể chịu đựng được tính anh hùng hảo hán của con mình.

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa kể về "Cuộc chiến tuổi dậy thì"

Kết quả, sau khi anh hùng xách va li ra khỏi nhà được 2 hôm, Cống xách va li về nhà và nói rằng: “Thà để mẹ chửi còn hơn bỏ nhà ra đi”. Cũng chính vì lần Cống xách va li bỏ nhà ra đi ấy mà vợ chồng chị suýt nữa đường ai nấy đi, vì bất đồng quan điểm trong cách nuôi dạy con. Chị Hoa tâm sự, đó không phải là lần duy nhất, mà rất nhiều lần trước đó chị phát điên, muốn ly hôn chồng vì quá chiều con.

Cuộc sống gia đình chị chao đảo theo những thay đổi cả về tâm, sinh lý của con ở tuổi dậy thì, lúc thì êm ấm, hòa thuận lúc thì bão tố, ầm ào. Chính vì thế mà chị nói rằng, nuôi dạy con ở tuổi dậy thì trong xã hội có quá nhiều biến động là một cuộc chiến. Cuộc chiến đó không chỉ diễn ra giữa các bậc cha mẹ với con của mình, mà còn diễn ra trong chính bản thân những đứa trẻ.

Theo phân tích của PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa, khi bước vào tuổi dậy thì trẻ sẽ có hai xu hướng một là thể hiện và bùng nổ, hai là im lặng và khép kín. Dù trẻ phát triển theo xu hướng nào đi chăng nữa cũng khiến các bậc phụ huynh phải vò đầu bứt tóc. Bài toán đặt ra ở đây là làm sao giúp con vượt qua tuổi dậy thì một cách “an toàn” nhất.

Với kinh nghiệm của mình PGS. TS Nguyễn Phương Hoa cho rằng, với xu hướng thứ nhất các bậc phụ huynh có thể dễ dàng quan sát, theo dõi được việc làm, hành động của con rồi từ đó thích ứng và dần dần tìm cách để “trị”. Các bậc phụ huynh nên linh hoạt chứ không nên cứng nhắc hay làm theo bất cứ một khuôn mẫu nào. Bản thân chị Hoa đã từng xin cho con khi bị điểm xấu, dành tặng lời khen và cố gắng gần gũi với con bằng mọi cách để nắm bắt được suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của con.

Với xu hướng thứ hai, mọi thứ giống như là đang đi vào rừng, bởi các bậc phụ huynh hoàn toàn không biết trẻ đang nghĩ gì, muốn gì, cần gì. Muốn nắm bắt được suy nghĩ của con thì không còn cách nào là phải làm thân với bạn bè của con, thậm chí với bố mẹ các bạn của con để khai thác thông tin.

Sẽ là không quá nếu nhận định, nuôi dạy con tuổi dậy thì là một thách thức lớn với tất cả các bậc phụ huynh, ngay cả những người làm công tác tâm lý giáo dục cũng không phải là một ngoại lệ.

Bản thân chị Hoa nhiều lần rơi vào trạng thái bế tắc, chị trút tất cả những suy nghĩ của mình, câu chuyện về Cống lên những trang nhật ký. Cho đến một ngày Cống quyết định lên đường đi du học và chị muốn viết “Cuộc chiến tuổi dậy thì”, để đánh dấu mốc thời gian 7 năm cả gia đình chị sống trong những cuộc đấu trí. Nhân vật chính được lấy nguyên mẫu từ cậu con trai của chị, khi chị hỏi ý kiến con trai về việc đó, thì đòi “tiền bêu riếu trên sách” là việc đầu tiên Cống làm.

Sau đó, khi Cống nhận được cuốn sách từ một người chị mà PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa nhờ mang ra sân bay cho con trai, với hy vọng mong manh con sẽ đọc nó trong những giờ bay dài. Nhưng khi cầm được cuốn sách Cống đã nói với người “vận chuyển” rằng: “Em có đọc đâu, chị mang ra làm gì”. Trước phản ứng và câu trả lời của con, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa không thấy lạ, bởi chị đã quá quen với cách ứng xử đó và đó chính là "Cuộc chiến tuổi dậy thì".

Đắc Chuyên