TS. Nguyễn Tùng Lâm: “Khi người ta gặp khó khăn nên giúp đỡ chứ đừng sỉ vả”

Giáo dục - Ngày đăng : 19:13, 19/08/2015

Đó là quan điểm của TS. Nguyễn Tùng Lâm, khi biết câu chuyện về một tân cử nhân đứng đường, cầm tấm biển xin việc với nội dung: “Tôi vừa tốt nghiệp, tôi đã là bố. Tôi cần một công việc để mua sữa cho con. Bạn cần tuyển tôi”.

TS. Nguyễn Tùng Lâm: “Khi người ta gặp khó khăn nên giúp đỡ chứ đừng sỉ vả”

Nam cử nhân và tấm biển xin việc gây xôn xao dư luận

Ngay sau khi hình ảnh về một nam cử nhân với cách xin việc không giống ai được lan truyền trên mạng và một số tờ báo đưa tin, dẫn nguồn đã thu hút sự chú ý của dư luận. Hành động này làm gây ra cuộc tranh luận giữa những người cho rằng nam cử nhân này đã dũng cảm làm việc mà không phải ai cũng dám làm trong bối cảnh rất nhiều tân cử nhân thất nghiệp, và một bên cho rằng hành động ngày thật “nhục nhã”, đáng “xấu hổ” cho tân cử nhân sức dài vai rộng.

Xung quanh những ý kiến, bình luận, phán xét trái chiều, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Khi người ta gặp khó khăn nên giúp đỡ chứ đừng sỉ vả”.

Theo phân tích của TS. Nguyễn Tùng Lâm, khi một tân cử nhân phải đứng đường cầm tấm biển xin việc có nghĩa là người ta không còn cách nào khác, gần như đã bước vào đường cùng. Anh ta làm như vậy với mong muốn sẽ được mọi người chú ý, thương xót và giúp anh ta tìm được việc một cách nhanh nhất thay vì tiếp tục ôm một đống hồ sơ đi “rải” và lại bị các nhà tuyển dụng từ chối.

Tuy nhiên, ông cũng khẳng định, việc đứng đường cầm biển xin việc chưa hẳn đã là một cách làm hay và hiệu quả. “Chính vì vậy, thay vì ném đá chàng trai trẻ này thì mọi người nên thông cảm, chia sẻ và giúp cậu ấy để có phương pháp và cách làm hiệu quả hơn”, TS. Nguyễn Tùng Lâm cho biết.

TS. Nguyễn Tùng Lâm: “Khi người ta gặp khó khăn nên giúp đỡ chứ đừng sỉ vả”

TS. Nguyễn Tùng Lâm: "Khi người ta gặp khó khăn nên giúp đỡ chứ đừng sỉ vả”

Trên thực tế, trong khi 178.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp thì việc một cử nhân mới ra trường, lại phải lo cơm áo gạo tiền cho cả gia đình, thì mọi nỗ lực để có được một công việc là đáng ghi nhận. “Hơn nữa, mong muốn có được một công việc để nuôi sống bản thân và gia đình là mong muốn chính đáng. Anh ta không đi ăn xin, không trộm cắp, lừa lọc và tất những gì anh ta ghi trên tấm biển xin việc là sự thật thì thiết nghĩ không việc gì phải xấu hổ”, TS. Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.

TS. Nguyễn Tùng Lâm tâm sự, khi thấy một tân cử nhân đứng đường với tấm biển xin việc ông thật sự thấy buồn và đau xót. Ông chỉ ra hai nguyên nhân để dẫn đến sự việc trên cũng như tình trạng rất nhiều tân cử nhân rơi vào tình cảnh thất nghiệp sau khi ra trường.

Thứ nhất, đó là nhà trường đã không chuẩn bị cho học sinh, sinh viên đủ năng lực, phẩm chất để bước vào cuộc sống. Thứ hai là nhà trường chưa tạo ra cho học sinh, sinh viên ý chí lập thân lập nghiệp ngay từ đầu nên khi ra trường các em bị chống chếnh, bị hụt hơi, bị lệch pha với nhu cầu và sự phát triển chóng mặt của xã hội.

Đắc Chuyên