GS. Vũ Đức Vượng: “Giáo dục không phải là Thế vận hội”

Giáo dục - Ngày đăng : 14:08, 27/05/2015

Giáo dục là một quá trình giúp một đứa bé thành người, và mọi người đều phải có cơ hội đạt được mục đích của chính mình, chứ không phải chỉ rập theo một khuôn mẫu".

Những ngày cuối tháng 5, khi học sinh cả nước háo hức chuẩn bị nghỉ hè, thì ngành giáo dục trong nước lẫn cộng đồng quốc tế lại xôn xao với bài toán lớp 3 siêu khó. Thầy cô “nát óc”, báo chí nước ngoài “khóc ròng”, GS. Toán học Ngô Bảo Châu thì “xin khất”, thậm chí thốt lên: "Chắc chỉ có mỗi cách là mò cua, may ra thì bắt được ốc!". Hiện, chỉ cần gõ cụm từ ghép (có thể không chính xác) "vietnam math 3 grade" sẽ cho ra rất nhiều website nước ngoài đưa tin cùng hàng nghìn bình luận của độc giả mỗi trang. Và "bài toán virus" này vẫn đang tiếp tục nóng lên từng ngày bởi đáp án chính xác và đầy đủ vẫn là một... câu trả lời bí ẩn.

Trong khi đó, ngày 13/5/2015, ngành giáo dục Việt Nam bất ngờ và vui mừng khi nhận được kết quả xếp hạng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trong đó xếp hạng Việt Nam đứng thứ 12 về chất lượng giáo dục toàn cầu, trong khi các nền giáo dục được coi là có chất lượng tốt như Úc, Anh, Mỹ, Thụy Điển lại xếp sau.

Học sinh châu Á được huấn luyện “trả bài” giỏi lắm!

Ngay sau khi kết quả của OECD được công bố trên báo chí Việt Nam, thông qua một số nguồn tin nước ngoài, PV Báo Công lý đã liên hệ với Giáo sư Vũ Đức Vượng (nguyên Giám đốc Chương trình giáo dục tổng quát tại trường Đại học Hoa Sen, hiện định cư ở Mỹ), tuy nhiên khi đó ông  tạm thời không đưa ra lời bình luận cụ thể về bảng xếp hạng này. Song ông đã thẳng thắn trả lời: “Kết quả này không lạ!”.

GS. Vũ Đức Vượng: “Giáo dục không phải là Thế vận hội”

GS. Vũ Đức Vượng. Ảnh: VNN

Lý giải cho điều này, Giáo sư cho biết: “Đây chỉ là một cuộc thi, mà học sinh Việt cũng như châu Á thì đã được huấn luyện từ mẫu giáo để “trả bài” giỏi lắm, trong khi học sinh Âu - Mỹ được dạy để tự tư duy, khám phá và đánh giá nhiều hơn là để trả bài”.

“Nhưng nó vẫn không trả lời được tại sao học sinh - sinh viên của ta khi ra trường vẫn còn chật vật lắm mới tìm được chỗ đứng trong xã hội.  Vì cuộc đời không chỉ có toán và lý!”, Giáo sư Vũ Đức Vượng nói thêm.

Mới đây, nhân việc bài toán “siêu khó” lớp 3 gây bão trên cộng đồng mạng trong nước và quốc tế, GS. Vũ Đức Vượng đã đưa ra một vài đánh giá về bảng xếp hạng của OECD, về bài toán, và về câu chuyện giảm tải - một vấn đề vẫn luôn nóng trong ngành giáo dục Việt Nam mỗi khi năm học mới bắt đầu và mỗi mùa thi đến.

Về xếp hạng của OECD đặt Việt Nam vào hàng thứ 12/76 quốc gia, GS. Vũ Đức Vượng cho biết: “Thường thường, tôi không coi những loại xếp hạng như thế này là quan trọng hay chính xác lắm (như PISA, hay US News xếp hạng các đại học v.v…) vì chúng chỉ đo một vài khía cạnh dễ đo lường còn “lờ đi” những yếu tố quan trọng khác của học thuật hay sự trưởng thành của học sinh, sinh viên.  Mà tôi luôn coi việc biết cách học và biết thành người là hai điều quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi người.

Do đó, kết quả OECD công bố - chỉ đo hai môn toán và khoa học, trong bối cảnh làm bài thi - không đo được cái thực tế của học sinh ở tuổi 15, nên tầm quan trọng cũng rất hạn chế.  Đọc cho vui thì không sao, nhưng nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo nghĩ điều này chứng minh nền giáo dục của Việt Nam đang tiến triển tốt thì sẽ nguy to cho cả nước, và nhất là cho các em học sinh, sinh viên hiện nay cũng như thế hệ sắp tới”.

GS. Vũ Đức Vượng: “Giáo dục không phải là Thế vận hội”

Bảng xếp hạng chất lượng giáo dục của OECD.

Giáo dục không phải là một Thế vận hội

Việc bài toán lớp 3, GS. Vũ Đức Vượng cho rằng nó có vẻ “thách đố” hơn là kiểm tra tiến độ học. Tự nhận bản thân không phải là một người thầy chuyên về Toán, Giáo sư chỉ xin “góp ý” về mảng sư phạm.

Theo GS. Vũ Đức Vượng, giáo dục không phải là một Thế vận hội (Olympics) để học sinh thi đua và chỉ có một huy chương vàng. Giáo dục là một quá trình giúp một đứa bé thành người, và mọi người đều phải có cơ hội đạt được mục đích của chính mình, chứ không phải chỉ rập theo một khuôn mẫu.

“Giáo dục phải là khuyến khích chứ không thách đố”, Giáo sư khẳng định. Theo ông, người giáo viên, nhất là ở bậc Tiểu và Trung học, biết và từng trải nhiều hơn học sinh của mình, nên cán cân thầy - trò không thăng bằng và các thầy cô không cần phải chứng minh là mình giỏi hơn trò.  Ngược lại, giáo viên có trách nhiệm khai sáng cho các em, chứ không cần tạo nên những rào cản hay thách đố. 

“Ta có thể hình dung như mỗi lớp, mỗi thầy cô lại mở thêm một cửa sổ cho các em, để các em từ đó học thêm được về xã hội và về chính mình. Tôi nghĩ đó là thiên chức và cũng là trách nhiệm của các giáo viên”, GS. Vũ Đức Vượng bình luận.

Xung quanh câu chuyện về bảng xếp hạng chất lượng giáo dục Việt Nam của OECD, về những “bài toán” hóc búa mà “thi thoảng” phụ huynh lại “kêu than” trên facebook hay nhờ bạn bè “trợ giúp”, không riêng gì bài toán lớp 3 “nát óc” vừa qua, PV cũng đã trao đổi với GS. Vũ Đức Vượng về “giảm tải” - vấn đề “nóng hổi” của ngành giáo dục nước nhà.

GS. Vũ Đức Vượng: “Giáo dục không phải là Thế vận hội”

Bài toán "gây bão" cộng đồng mạng trong nước và quốc tế

Giáo sư cho rằng “giáo trình cho học sinh - sinh viên ở Việt Nam quá tham lam, quá nhồi nhét, trong khi cách dạy và cách học mới là những hành trang chúng ta sẽ áp dụng suốt đời thì lại bị coi thường, nếu không nói là bị loại ra khỏi giáo trình”. Đồng thời, theo ông, các giáo trình và sách giáo khoa của ta còn quá nhiều những kiến thức đã lỗi thời, gây nên tình trạng quá tải không cần thiết như hiện nay.

Tuy nhiên, GS. Vũ Đức Vượng nhấn mạnh: “Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là cái sư phạm phong kiến, cổ hủ, trù dập làm cho học sinh dốt đi thay vì phát triển các kỹ năng và kiến thức cần cho cuộc sống của một con người văn minh, bình thường...”.

Việc xếp hạng của OECD dựa trên điểm toán và khoa học của học sinh ở độ tuổi 15 tại các nước và vùng lãnh thổ, không phân biệt các nước phát triển và đang phát triển trong đánh giá. Tuy nhiên, đáng chú ý, kết quả này dựa trên cuộc khảo sát PISA  năm 2012 ( Program International Student Assessment) và TIMSS  năm 2011 (Trends in International Mathematics and Science Study)  của 76 nước  trên thế giới tham dự.

 

Ở lứa tuổi lớp 3 vẫn còn mải vui, mải chơi thì bài toán này là quá sức với các con. Bản thân các thầy cô còn thấy khó, huống chi là các con còn quá nhỏ như vậy. Tôi cho rằng, việc ra một đề toán như vậy hoàn toàn không cần thiết.

Tối nào tôi cũng kèm con học, song quả thật có những bài toán tôi còn phải đánh vật. Thậm chí, có những kiến thức Tiếng Việt, từ xưa chúng tôi vẫn nói “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”, nhưng chúng tôi vẫn nắm chắc kiến thức. Giờ thay đổi cách gọi, chẳng hạn trước có danh từ, động từ, tính từ, giờ thì thay vào đó là từ chỉ sự vật, sự việc, từ chỉ hành động…

Các con cứ rập khuôn, chỉ “ngoài khuôn” cái là không biết. Đến tôi cũng không biết giải thích sao cho con hiểu, dù theo sát kiến thức con học từ lớp 1 và tham khảo thêm ý kiến từ các cô. Con học không tập trung khiến tôi dễ nổi cáu, quát mắng, thậm chí còn đánh. Đánh mắng con xong, lại cảm thấy ân hận…”.

Chị Thảo Hương (P. Nghĩa Tân, Cầu Giấy)

 

Vũ Minh