Bạo lực học đường - Kỳ 3: Em sợ “đại ca xử lý!”

Giáo dục - Ngày đăng : 15:03, 13/04/2015

Q.A đau khổ nhớ lại, lần cuối cùng cậu và M. gặp nhóm “đại ca” đó, chính là cái lần “đau thương” nhất trong cuộc đời học sinh cấp 2 của mình, vào học kỳ I năm lớp 9.

Tham gia lớp phòng chống bạo lực học đường không chỉ có nhóm bị bắt nạt, nhóm bắt nạt, mà còn có một nhóm đối tượng khác, đó là nhóm chứng kiến, tuy nhiên số lượng không nhiều.

Cho đến bây giờ, Q.A vẫn nhớ như in hình ảnh cậu bạn thân của mình, hai tay vừa ôm đầu chảy đầy máu, miệng kêu la mà không làm gì được. Mãi cho đến khi nhóm “đại ca trường học” bỏ đi sau khi nạn nhân quỵ hẳn xuống, thì Q.A mới dám hô hoán người đến giúp.

Bạo lực học đường - Kỳ 3: Em sợ “đại ca xử lý!”

Có những trẻ bị bắt nạt hội đồng. Tranh minh họa

Tay run run cầm cốc nước, Q.A kể tôi nghe câu chuyện về mình và cậu bạn thân, từng là đối tượng bị một nhóm học sinh cá biệt trong trường thường xuyên bắt nạt.

Q.A hiện giờ là học sinh lớp 10 một trường PTTH ở Từ Sơn, Bắc Ninh. Ba năm học cấp 2, Q.A thường xuyên chứng kiến cậu bạn thân tên M. của mình bị một nhóm học sinh cùng trường bắt nạt.

Người cầm đầu “băng nhóm” này là một anh hơn 2 tuổi, nhưng vì học tập kém, lại cộng thêm đi học muộn một năm, bị “đúp” ở lại lớp, nên thành ra trở thành “bạn cùng khối” của Q.A và M.

Lần đầu tiên Q.A gặp nhóm “đại ca” này vào đúng ngày sinh nhật M. năm lớp 7, khi đó, hai bạn dự định tan học về sẽ đi ăn uống gì đó để chúc mừng sinh nhật M. Tuy nhiên, đến đoạn đường vắng, bất chợt nhóm này từ đâu nhảy xổ ra.

- Anh “đại ca” khoanh tay, hất hàm hỏi bọn em đi đâu. Em thấy M. tự nhiên co rúm người lại, nên đoán chuyện chẳng lành. Rồi anh đó hỏi: “Cho tao mấy đồng đi mua thuốc lá!”. M. quay sang em bảo: “Cho tớ vay, lần sau tớ trả”.

- Rồi em có đưa cho M. không?

- Có ạ. Em vốn không thích đánh nhau. Nhìn thái độ M. như thế là em biết đây không phải lần đầu rồi. Thế là em móc túi đưa tiền cho anh đó. Họ đếm xong, đầu gật gật, ra chiều “đã đủ”. Bọn em được đi. Thế là sinh nhật M. không thể được tổ chức như dự định. Cả hai đứa em đều buồn.

- Em có kể cho ai nghe chuyện này không?

- Không ạ. Trước khi đi, anh kia trừng mắt nhìn em, tay dứ dứ nắm đấm bảo: “Liệu hồn mà im miệng lại, nghe chưa?”.

Theo lời kể của Q.A, nhà M. cũng không phải dạng khá giả gì. Từ nhỏ M. chỉ sống với mẹ mà không biết bố mình là ai.

Mỗi sáng thức dậy chuẩn bị đi học, M. đã không còn nhìn thấy mẹ ở nhà. Mẹ thường để lại tiền cho M. ăn uống cả ngày, thậm chí có khi còn để dư dư ra phòng khi M. cần có việc.

Q.A nhiều lần bảo đến chơi nhà M, nhưng M. nói: “Tớ không thích ai đến nhà cả. Khi nào có dịp, thì tớ mời cậu đến”.

Mặc dù rất quan tâm đến bạn, nhưng Q.A cũng tôn trọng M. nên không cố gặng hỏi thêm. Cả lần bị nhóm “đại ca” “trấn tiền”, M. cũng chỉ bảo: “Sang tuần đủ tiền tớ sẽ trả lại cậu”.

- Chắc đó không phải lần duy nhất em gặp nhóm “đại ca” đó chứ? Tôi hỏi Q.A.

- Hầu như tuần nào cũng gặp ít nhất 1 lần, nhiều thì 3 lần.

- Tiền đâu các em đưa cho họ?

- Chủ yếu tiền của M. thôi. M. không bao giờ hỏi vay tiền em từ sau lần đó nữa. M. cũng dặn em không mang tiền theo. Không có tiền thì M. chịu trận. M. không bao giờ cho bọn họ động vào người em.

Bạo lực học đường - Kỳ 3: Em sợ “đại ca xử lý!”

Chứng kiến bạn bị bắt nạt, nhưng nhiều trẻ không dám lên tiếng. Tranh minh họa

- Suốt ba năm trời như vậy sao? Tại sao em không nói với ai?

Q.A cúi gằm mặt im lặng. Tôi cảm nhận được nỗi sợ hãi xen lẫn cảm giác xấu hổ dâng lên trong đôi mắt đang ngân ngấn nước của cậu.

“Em sợ bị “đại ca xử lý”!”. Q.A nói nhỏ. Cho đến giờ, chưa lúc nào cậu quên được những cú đấm, cú đá mà M. phải chịu mỗi khi không chịu đưa tiền cho nhóm “đại ca” đó.

Suốt ba năm học, nhiều lần Q.A định nói chuyện này với thầy cô, nhưng M. luôn ngăn không cho cậu nói. Thậm chí, Q.A còn bảo: “Để tớ nói chuyện với bố mẹ tớ xem sao”, thì M. bảo: “Đừng, bố mẹ cậu sẽ không cho cậu chơi với tớ nữa đâu. Ai cho cậu chơi với một thằng không cha chứ!”.

Q.A đau khổ nhớ lại, lần cuối cùng cậu và M. gặp nhóm “đại ca” đó, chính là cái lần “đau thương” nhất trong cuộc đời học sinh cấp 2 của mình, vào học kỳ I năm lớp 9. Đó cũng là lần cuối cùng cậu gặp M., bởi sau đó cả M. và nhóm học sinh kia đều bị chuyển đi trường khác.  

“Lần đó M. bị đánh rất nặng. Em không dám kêu lên vì sợ. Chỉ đến khi M. người đầy máu, ngã gục xuống, họ bỏ đi, em mới dám kêu lên”.

Sau đó, nhà trường mời công an đến làm việc. Q.A được mời ra làm chứng. Bố mẹ biết chuyện, cấm cậu chơi với M. Hiệu trưởng quyết định kỷ luật cả M. và nhóm “đại ca”…

Q.A chỉ là một dạng trong nhóm chứng kiến của bạo lực học đường. Q.A không dám can ngăn, không dám nói cho ai biết chỉ vì sợ. Sợ bị mọi người đánh giá “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Sợ bị đánh như người bị bắt nạt.

Một nhóm chứng kiến khác thì thờ ơ, lãnh đạm với những chuyện bắt nạt này. Đó là những người không có quan hệ gì với cả người bắt nạt và người bị bắt nạt. Nhưng họ cũng không dám nói, không dám hô hoán để người khác đến giúp chỉ vì sợ bị liên lụy.

Một nhóm “đặc biệt” hơn, đó là những người được xem là “bạn” của những người đi bắt nạt người khác. Họ, hoặc sẽ đứng ngoài quan sát, hoặc sẽ cổ vũ, thậm chí cùng “hành động”, và có khi sẽ quay clip để sau đó tung lên mạng theo cách mà những vụ bắt nạt học đường khác thường hay làm…

(Còn nữa)

* Để đảm bảo an toàn và không gây ảnh hưởng đến cuộc sống các em, hình ảnh cũng như thông tin cá nhân nhân vật từng là nạn nhân của bạo lực học đường sẽ được thay đổi.

Ý Thơ