Bạo lực học đường - Kỳ 1: Cậu học trò chuyên bắt nạt bạn

Giáo dục - Ngày đăng : 13:13, 08/04/2015

H. thích chơi trò “dán băng dính vào người”, bởi qua trò đó cậu hiểu rằng có những lỗi có thể sửa chữa được, còn có những lỗi thì không thể…

Bắt nạt ở trường là chuyện xảy ra ở mọi nơi, và đôi khi chúng ta bỏ qua nó và coi đó như là chuyện nghịch ngợm tuổi học trò. Thế nhưng, hiện nay, bạo lực học đường trở thành thực trạng đáng báo động với số lượng vụ việc xảy ra ngày càng tăng, và được phản ánh trên diện rộng với sự “hỗ trợ” của mạng xã hội.

Trong thời gian gần đây, những vụ lột quần áo, đánh nhau rồi quay clip tung lên mạng trở nên gia tăng khiến dư luận, các bậc phụ huynh và nhà trường cảm thấy lo ngại. Nguyên nhân do đâu? Hậu quả mà bản thân người trong cuộc, những em bị bắt nạt và những em đi bắt nạt, sẽ phải chịu là gì? Làm sao để các em được an toàn và không sợ hãi khi đến trường? Thầy cô, bố mẹ có thể làm gì để giúp các em, khi mà các hành vi bắt nạt thường có xu hướng xảy ra ở ngoài khu vực trường học và ngoài giờ học?

Với sự giúp đỡ của nhóm chuyên gia về bạo lực học đường, chúng tôi thực hiện loạt bài xung quanh vấn đề nóng bỏng này, với mong muốn phần nào góp phần cung cấp thông tin nhằm giúp các giáo viên cũng như phụ huynh có kỹ năng xử lý hỗ trợ trẻ khi xảy ra hiện tượng này đối với con em mình.

Bạo lực học đường - Kỳ 1: Cậu học trò chuyên bắt nạt bạn

Bạo lực học đường là thực trạng đáng báo động và đáng buồn hiện nay. Ảnh minh họa

Bài 1: Cậu học trò chuyên bắt nạt bạn

Nhân vật của tôi lần này là H., học sinh lớp 9 một trường THCS thuộc quận Tây Hồ. Từng nghe kể về H. nên tôi cũng khá ngạc nhiên khi trước mặt tôi là cậu học trò với khuôn mặt hiền lành và khá điển trai.

Để có buổi gặp gỡ và trò chuyện này, tôi đã mất không ít thời gian để thuyết phục H. Mặc dù đã tham gia trong một khóa học về phòng chống bắt nạt học đường, song H. bảo “mọi chuyện đã qua em cũng không muốn nhắc lại, cũng chẳng hay ho gì”.

Những tưởng thất bại, bỗng một hôm cậu gọi điện bảo: “Em sẽ kể chị nghe câu chuyện của em, nhưng không phải là ở nhà em nhé”. H. kể rằng, bố mẹ cậu đều là công chức nhà nước, mẹ là giáo viên một trường cấp 3, còn bố thì là cán bộ một viện nghiên cứu có tiếng ở Hà Nội. Với mong muốn đem lại cho H. một cuộc sống tốt nhất, nên ngoài giờ làm việc ở cơ quan, bố mẹ H. còn làm thêm một số công việc khác.

Thời gian bố mẹ dành cho H. không nhiều. Cậu cũng ít chia sẻ chuyện trường lớp, bạn bè với bố mẹ. Đi học về, H. chui tọt lên phòng học, xong lại chơi điện tử. Đói thì xuống lấy cơm và thức ăn mẹ đã nấu sẵn từ sáng để ăn.

H. chưa từng thiếu thốn bất cứ thứ gì, hễ cậu thích, bố mẹ sẵn sàng chi tiền mua. Tuy vậy, H. cũng không phải thuộc dạng ăn chơi đua đòi như nhiều bạn mà cậu từng biết.  

Hồi cấp 1, dù không nằm trong top học sinh xuất sắc nhất lớp, nhưng H. thông minh và học khá. “Cũng có lẽ vì vậy, khi lên cấp 2, trường mới, cách học tập mới, em có chút… choáng. Em học đuối hẳn chị ạ”. Cuối học kỳ 1, H. nhận kết quả học tập trung bình, cùng hạnh kiểm khá. Cậu lại càng chán nản.

- “Sao em bắt nạt bạn?”, tôi cắt ngang câu chuyện của cậu.

- “Em không biết”. H. trả lời xong rồi im lặng. Cậu kể, vì học tập kém, nên H. dần dần ít bạn. Cô giáo cũng chả mấy khi nhắc đến H., trừ những cuộc họp tổng kết. Lúc nào cũng là câu: “Em H. kết quả học tập chưa tốt, chưa có sự cố gắng…”.

- “Tự nhiên thấy mình như một chiếc bóng trong lớp, chả ai đoái hoài, chả ai quan tâm đến mình”, H nói nhỏ.

- “Đó là lý do em bắt nạt bạn?”.

- “Em không biết. Nhưng lần đầu tiên em biết bắt nạt bạn là cậu bạn ngồi cạnh em, học rất giỏi”.

- “Em bắt nạt thế nào?”

- “Em bắt bạn bảo bài kiểm tra. Nếu không bảo, em đánh”.

Bạo lực học đường - Kỳ 1: Cậu học trò chuyên bắt nạt bạn

Sẵn sàng dùng nắm đấm với bạn

H. cũng kể, có môn em học khá hơn bạn khác, thì em yêu cầu bạn phải đưa tiền cho mỗi khi nhắc bài, nếu không sẽ dọa đăng ảnh của bạn không có quần áo lên facebook. Tôi nhíu mày. Hiểu ý tôi, cậu bảo: “Ghép hình thôi chị. Đơn giản ấy mà!”.

Ở lớp ai va đụng vào mình, H. đều phản ứng lại bằng cách đánh bạn. Và dần dần như một thói quen, “không động chân động tay” là H. cảm thấy khó chịu.

Rồi lên lớp 8, H. đánh bạn rất nhiều, đến nỗi cậu trở thành học sinh cá biệt, luôn bị “bêu dương” trong giờ chào cờ. Các bạn dần xa lánh, không chơi với cậu nữa. H. cảm thấy mình bị tẩy chay, cô lập.

Giờ ra chơi, khi một nhóm bạn nam chơi đá cầu với nhau, H. ra đá cùng thì các bạn bỏ đi ra chỗ khác. Cậu vô cùng tức giận.

Đang bực tức vì bị “xem thường”, đi vào lớp thấy cậu bạn hiền lành nhất lớp đang ngồi học bài, H. gọi bạn vào nhà kho của trường rồi đóng cửa lại.

H. lao vào đánh bạn. Cậu bạn càng van xin, H. càng tức giận, vung tay đánh tới tấp vào đầu vào ngực, chân đạp vào bụng bạn. Thể chất yếu, cộng thêm sợ quá, sau vài cú đấm đá mạnh của H, cậu bạn khuỵu xuống rồi ngất đi.

Sợ hãi, H. vội xốc cậu bạn rồi cõng lên phòng y tế sơ cứu. Lần đó, cậu bạn phải đi bệnh viện điều trị và nằm lại mất hai tuần. Cũng may, bạn chỉ bị tổn thương phần mềm.

Rồi bố mẹ đưa H. đến gia đình xin lỗi bố mẹ cậu bạn cùng lớp. H. đã chuẩn bị tinh thần sẽ bị trách mắng, thậm chí bị đánh trả lại như H. đã từng làm với bạn. Thế nhưng, H. vô cùng ngạc nhiên khi bố mẹ bạn đó lại không hề trách mắng cậu.

- “Hai bác bảo coi em cũng như con các bác ấy. Bảo em lần sau đừng đánh nhau như vậy, nếu lỡ có chuyện không hay xảy ra thì sao? Em cũng không hiểu sao các bác ấy có thể tốt như thế. Nếu là em, chắc em cũng không để yên đâu chị”.

- “Bố mẹ em có nói gì về chuyện này không?”.

- “Không chị ạ. Chỉ buồn thôi. Nhưng cái cảm giác khó chịu trong người, em cũng không thể lý giải tại sao lại như vậy. Bực bội, muốn đánh một ai đó…”.

Sau đó, bố mẹ H. đưa cậu đến một trung tâm tư vấn thanh thiếu niên. H. tham gia một khóa học về phòng chống bạo lực học đường ở đó.

Trong các buổi học, H. tham gia vào rất nhiều trò chơi, trong đó có trò “dán băng dính vào người”. Cứ hai người một nhóm, một bạn bị dán băng dính, bạn còn lại sẽ dùng răng để cắn ra.

Ý nghĩa của trò chơi này là để hiểu được cảm giác đau đớn của người khác. H. thích chơi bởi qua trò đó H. hiểu rằng có những lỗi có thể sửa chữa được, còn có những lỗi không thể sửa chữa.  

Trước khi gặp H, tôi cũng đã từng nói chuyện với chuyên gia tư vấn phụ trách lớp phòng chống bạo lực học đường mà H. tham gia. Chị kể, có những buổi các chị phải bố trí cho H. một phòng riêng, và một bình nước lạnh để trong đó. Mỗi lần tức giận, H. sẽ lấy một cốc nước lạnh uống để… “hạ nhiệt”.

Chị cũng nói, rất may mắn bố mẹ H. đồng ý và hợp tác với những phương pháp mà lớp học đưa ra nên sau khóa học đó H. đã có những cải thiện đáng kể…

* Để đảm bảo an toàn và không gây ảnh hưởng đến cuộc sống các em, hình ảnh cũng như thông tin cá nhân nhân vật từng là nạn nhân của bạo lực học đường sẽ được thay đổi. 

Ý Thơ