Người "lái đò" trong...đêm tối
Giáo dục - Ngày đăng : 04:55, 20/11/2014
Đã có lúc cô muốn tìm đến cái chết để giải thoát cho mình trước số phận, nhưng rồi cô lại nhận ra rằng mình phải đối diện với sự thật. Cô phải tiếp tục sống, xua tan đi những mặc cảm và đứng lớp gieo chữ cho những học trò đồng cảnh ngộ.
Đó là cô giáo Phạm Thị Thùy (SN 1988, trú thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn), hiện là giáo viên khiếm thị, kiêm Phó chủ tịch Hội người mù Hà Tĩnh. Ít ai biết rằng người con gái có dáng người mảnh khảnh ấy đã bước qua số phận với những chuỗi ngày vui buồn lẫn lộn, nhiều lúc xé nát tâm can.
Sinh ra trong gia đình có cuộc sống vất vả, Thùy là con gái thứ tư trong gia đình có 5 anh chị em ở huyện miền núi Hương Sơn (Hà Tĩnh). Bố bị bại liệt, chỉ một mình mẹ là người gánh vác, chăm lo từng miếng ăn đến việc học cho anh em Thùy.
Cô giáo Thùy trong một buổi lễ tổ chức ngày trung thu cho các em học sinh trong Hội người mù Hà Tĩnh
Ước mơ đứng trên bục giảng cầm phấn dạy các em thơ những bài học thành hiện thực vào năm 2008, khi vừa tốt nghiệp ngành Tiếng Anh của trường Cao đẳng sư phạm Hà Tĩnh, Thùy được cử về trường THCS Thủy Mai (xã Sơn Thủy) công tác. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, chỉ một tháng sau khi vào dạy, căn bệnh cũ viêm màng bồ đào từ hồi sinh viên tái phát khiến đôi mắt của cô gần như mờ hẳn, không thể đứng lớp được nữa.
Tương lai tươi sáng trong phút chốc bỗng hoá tro tàn, mọi thứ với cô giáo trẻ dường như sụp đổ. Thùy rơi vào trạng thái tuyệt vọng, hàng ngày giam mình trong bốn bức tường, không muốn gặp gỡ, nói chuyện cùng ai, cô trở nên vô cảm với mọi thứ xung quanh.
Thùy kể, ngày ấy có nhiều lúc muốn tìm đến cái chết để tự giải thoát cho mình. Nhưng rồi những khi nghĩ đến cái chết thì khuôn mặt học trò lại hiện lên trong tâm trí, hình ảnh của người mẹ bao năm vất vả vẫn đang dành cho cô nụ cười đôn hậu... Cô biết mình không thể ích kỉ, không thể đầu hàng số phận được.
Được lên lớp cùng các em là niềm vui lớn nhất của Thùy
Trong màn đêm bao phủ đầy bóng tối ấy, cô đã dò dẫm bước đi từng bước, mỗi bước chân đều mang đầy hoài bão mơ ước về một thứ ánh sáng mới. Năm 2009, cô gia nhập vào Hội người mù huyện Hương Sơn và đi học lớp giáo viên dạy chữ Brail. Ban đầu Thùy phải mò mẫm từng kí hiệu, có những lúc đôi tay mỏi rã rời, đầu đau ran. Nhưng hơn hai tháng kiên trì, cô đã chinh phục được những chấm nổi li ti trên những trang giấy trắng dày cộp rồi đọc và viết thành thạo. Năm 2010, Thùy chuyển xuống Hội người mù Hà Tĩnh sinh hoạt, tham gia lớp dạy chữ Brail cho các học sinh khiếm thị trên địa bàn.
Khi nói về nghề, Thùy cười hiền tâm sự: “Người khiếm thị thiếu tình thương, vì thế phải tâm huyết, đặt vị trí vừa làm người cô, vừa là người mẹ. Cần đối xử nhẹ nhàng với tất cả, sau đó bàn giao trách nhiệm, người lớn phải giúp nhỏ”. Cô cho biết thêm có nhiều lúc dạy, các em không nghe lời nên đã bật khóc trước lớp.
“Cô Thùy rất tận tâm, nhiều bài học khó hiểu, cô đã cầm bàn tay em đặt lên những chấm nổi rồi chỉ tỉ mỉ từng chi tiết một. Cô dạy rất dễ hiểu, nhờ sự ân cần dạy dỗ ấy, đến nay em đã đi học được với các bạn hòa nhập”, em Hoàng, cựu học sinh từng học lớp dạy chữ Brail nói.
Thùy cho biết, trước kia mỗi khi đến ngày Nhà giáo Việt Nam là những ngày cô thấy buồn nhất, bởi nó gợi lại những kí ức não nề khi ước mơ giáo viên giang dở, nhưng từ khi đứng lớp dạy các em khiếm thị, cảm giác ngày lễ này đã trở về đúng nghĩa trong tim cô. “Hai năm trước, trong ngày 20/11 các em trong lớp đã mua hoa, cài tóc rồi lò dò đi từng bước lên bục giảng tặng và hát cho cô nghe. Lúc ấy cô và các trò ôm nhau khóc”, Thùy xúc động nhớ lại.
Ngoài dạy học, nữ giáo viên khiếm thị còn rất đa tài, với khả năng viết lách tốt, Thùy thường xuyên tham gia cộng tác với báo đài. Cô từng đạt giải ba cuộc thi Onkyo “Chữ Brail đã thay đổi cuộc sống như thế nào” do Hội người mù Châu Á Thái Bình Dương tổ chức với bài viết “Hạt ngọc Brail”.
Nhờ sự phấn đấu không biết mệt mỏi, một năm trước Thùy được bầu làm Phó chủ tịch Hội người mù tỉnh Hà Tĩnh. Hồi tháng 1 vừa qua, cô kết hôn với anh Lê Quốc Cường, cũng là người khiếm thị, đang làm ở cơ sở tẩm quất do Hội quản lý.
Học sinh của Thùy đang miệt mài với từng con chữ nỗi.
Học sinh của Thùy, có em sau khi học lớp chữ nổi đã về học lớp hòa nhập với các bạn sáng mắt và học rất giỏi, tiêu biểu như em Trần Việt Hoàng (Lớp 8A, trường THCS Đồng Lộc), liên tục là học sinh giỏi của lớp. Hiện trong số cựu học sinh của nữ giáo viên này có 7 em đang học Đại học, 3 em đang học hòa nhập.
Nhận xét về người đồng nghiệp, ông Phạm Viết Thu, Chủ tịch Hội người mù Hà Tĩnh cho hay cô giáo Thùy có cách dạy rất chuyên biệt, biết nắm bắt tâm lý con người, đặc biệt là người khiếm thị. “Với học sinh cô như là người chị, bảo mẫu, với bạn bè, đồng nghiệp sống chan hòa, ai ai cũng mến yêu”.
Chia tay cô, tôi thấy rõ nét mặt tươi vui, rạng ngời. Thầm chúc cô khỏe, tiếp tục vững lái trên con đò đưa những ánh sáng tâm hồn lẫn trí thức đến với những học trò yêu thương.