Từ chàng kỹ sư địa chất trở thành thầy giáo làng
Giáo dục - Ngày đăng : 17:33, 29/10/2014
Tôi tìm về nhà thầy Luân ở xóm Đồng Thanh Lâm, xã Đức Lâm (Đức Thọ, Hà Tĩnh) khi ông đang dạy học. Lớp học đơn sơ lợp bằng lá cọ, khung tre của thầy Luân được dựng trên nền đất rộng chừng 50m2, kê những chiếc bàn ghế dài cho các em học sinh ngồi, cùng một chiếc bảng xanh để viết. Phải chờ đến hết giờ dạy, thầy Luân mới cho học trò nghỉ giải lao và nói về cuộc đời mình và cơ duyên đến với nghề.
Chàng kỹ sư mỏ địa chất - Nguyễn Đức Luân
Thuở nhỏ, cậu bé Nguyễn Đức Luân đã học giỏi có tiếng. Nhiều thầy cô, bạn bè khi ấy khâm phục khả năng giải toán nhanh, trí nhớ tốt của Luân.
Thầy Luân (bìa trái) cùng quà tặng kỷ niệm là lọ hoa ngày 20/11 đầu tiên năm 1996. Ảnh Duy Ngợi
Hết cấp 3, chàng học trò nghèo Nguyễn Đức Luân đăng ký theo học ngành khai thác mỏ, thuộc trường ĐH Mỏ - Địa chất (Hà Nội). Tương lai đang rộng mở thì trớ trêu thay Luân chẳng may bị vôi hóa và gai cột sống khi đang chuẩn bị bảo vệ đồ án tốt nghiệp. Căn bệnh quái ác đã khiến đôi chân anh gần như bị tê liệt, không thể đi lại bình thường như trước.
Suốt một năm ròng, Luân đành gác lại việc học để nằm viện chữa trị. Chạy chữa khắp nơi nhưng không khỏi, Luân đâm ra chán chường, thất vọng. Dù vậy, anh vẫn cố gắng gượng quay lại trường để bảo vệ đồ án tốt nghiệp còn dang dở.
Ra trường với tấm bằng loại khá, Luân được phân về làm việc tại mỏ thiếc Quỳ Hợp (Nghệ An). Tuy cầm bằng kỹ sư nhưng chưa có kinh nghiệm, Luân vẫn phải làm công việc của một người công nhân quặng như bao người khác.
Số phận an bài, chàng kỹ sư quê Đức Thọ đành chấp nhận kiếp làm công nhân nặng nhọc để sinh nhai. Luân nhớ lại lúc ấy phải làm ca đêm từ 2 – 8 giờ sáng. Mỗi đêm như vậy một công nhân quặng phải xách mấy tấn quặng ra ngoài, trong khi Luân chân còn đi cà nhắc vẫn phải cố hoàn thành công việc.
Môi trường làm việc cực khổ và độc hại, lại thêm sức khỏe yếu đã khiến chàng kỹ sư “đội mác” công nhân suy kiệt phải từ bỏ công việc. Về quê, bệnh tình của Luân ngày một thêm nặng, suốt 6 năm trời đằng đẵng, Luân phải nằm một chỗ trong tủi hờn và buồn chán.
Lớp học của ông kỹ sư
Với sự nỗ lực của bản thân, Luân đã chăm chỉ luyện tập từng ngày để có thể đứng được, đi được bằng đôi chân của mình. Khi bệnh tình đã thuyên giảm, Luân cùng các anh trai thầu một khu đất thuộc lò gạch cũ, bỏ hoang để làm trang trại nuôi cá, trồng lúa.
Lúc mới bắt tay vào việc, cỏ hoang mọc đầy nhưng qua bàn tay của mấy anh em Luân, mô hình trang trại ao cá, ruộng lúa đã hình thành khiến nhiều người mơ ước. Và cũng từ đây, cơ duyên “gõ đầu trẻ” đến với chàng kỹ sư địa chất kém may mắn này.
Năm 1996, trong một lần từ trại cá về, ông Luân thấy bốn cháu nhỏ bỏ học ngồi chơi cờ bên đường. Ông đến nhắc nhở và khuyên nhủ lũ trẻ quay về đi học. Đáp lại ông là những cái lắc đầu: “Chúng cháu học dốt, không muốn học nữa”. Nghe vậy, ông thêm một lần khuyên nhủ và hứa sẽ kèm cặp cho lũ trẻ học với điều kiện chúng không được bỏ học.
Thế là cứ xế chiều, căn chòi chật chội của ông nuôi cá lại vang lên những tiếng giảng bài. Cứ vậy, ông miệt mài truyền cho bốn đứa trẻ chăn trâu thất học kiến thức và cách làm người.
Chỉ mấy tháng sau, bốn đứa trẻ lười học ngày nào được ông Luân kèm cặp, học lực đã tiến bộ rõ rệt. Biết chuyện, nhiều phụ huynh trong làng đã gửi con đến nhờ ông hướng dẫn, dạy thêm. Từ 4 học sinh ban đầu, lớp học của ông Luân đã lên tới 30 em.
Gần 20 năm qua, lớp học của thầy Luân đã góp phần giúp bao thế hệ học sinh Đức Thọ và vùng phụ cận đã khôn lớn, nên người
Nói đến đây, thầy Luân với tay lên tủ gỗ lấy xuống một chiếc lọ hoa nhựa đế đã cũ kỹ rồi khoe: “Đây là món quà đầu tiên của các em học sinh tặng tôi nhân ngày 20/11 năm ấy. Đó là lần đầu tiên tôi được các em gọi là thầy”.
Sau này, tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều học sinh tìm đến lớp học của thầy Luân để học. Không chỉ học sinh trong huyện Đức Thọ, nhiều học sinh từ Thị xã Hồng Lĩnh và một số huyện lân cận dù đường xa cũng tìm tới đây theo học thầy Luân.
Cách nhận học trò của thầy Luân cũng rất khách biệt. Trong khi các thầy cô giáo khác, khi nhận học sinh để dạy thường là những học sinh khá giỏi thì thầy Luân lại nhận những học sinh có học lực yếu, trung bình, học sinh cá biệt để dạy, chính điều này đã làm cho các bậc phụ huynh cảm phục và tin tưởng.
18 năm qua, từ lớp học của thầy Luân đã có gần 1000 em tốt nghiệp THPT và hơn 650 em đậu vào các trường đại học. Trong số này có nhiều em liên tục 3 năm liền (lớp 10, 11, 12) đều đạt giải Nhất, Nhì học sinh giỏi môn Toán tỉnh Hà Tĩnh như em Trần Văn Anh (xã Đức Thủy); Trần Thái Hùng (xã Trung Lễ); Phan Thanh Mậu, Nguyễn Thanh Lâm, Nguyễn Hoàng Giáp (xã Đức Lâm).
Đặc biệt, nhiều em thi đậu vào các trường đại học với số điểm khá cao như em Nguyễn Bá Toàn, thi vào Đại học Xây dựng Hà Nội (28 điểm), Phan Thanh Mậu, thi Đại học Dược Hà Nội (28,5 điểm), Trần Văn Anh, thi Đại học Bách khoa Hà Nội (28,5 điểm).
Riêng bốn học sinh đầu tiên của thầy Luân giờ đây một người là chuyên viên của Sở GD & ĐT tỉnh Hà Tĩnh, một người là giáo viên cấp 2, một người đang là giám đốc doanh nghiệp, một người tốt nghiệp cao đẳng nghề và họ luôn noi gương người thầy đáng kính để không ngừng học tập, vươn lên trong cuộc sống.
Chia sẻ bí quyết dạy học, thầy Luân cho biết: “Để học trò tiếp thu bài nhanh, nhớ kiến thức lâu thì quan trọng nhất phải kích thích được tính ham học và phải có sự đồng tâm của thầy và trò”.
Không chỉ truyền dạy kiến thức, với nhiều thế hệ học trò theo học ở đây, thầy Luân còn là người bạn lớn, luôn gần gũi, thấu hiểu tâm tư học trò. Thầy Luân còn tâm niệm: “Là một người làm giáo dục thì nên hiểu học trò cần gì, nghĩ gì. Trong lúc giảng bài, không nên áp đặt mà phải nhìn vào vị thế học trò để biết được khả năng tiếp thu của các em đến đâu để mình dạy học được tốt, hiệu quả hơn”.
Chiều buông, tạm biệt lớp học của thầy Luân trong tiếng cười đùa vui và ánh mắt ham học của những cô, cậu học trò, chúng tôi ra về mà thấy lòng mình ấm lại.
Không một đồng lương từ ngành giáo dục nhưng bằng niềm đam mê, trách nhiệm của mình, thầy Luân đã truyền kiến thức, truyền ngọn lửa ham học cho bao thế hệ học sinh nơi vùng đất học Đức Thọ, Hà Tĩnh.