Những tân thủ khoa "nghèo vật chất" nhưng "giàu nghị lực"

Giáo dục - Ngày đăng : 14:44, 26/07/2014

Những ngày qua, việc công bố điểm thi tại các hội đồng thi đã gần hoàn tất. Danh sách các tân thủ khoa đầu tiên đã được xướng danh. Điều đáng nói, có rất nhiều thủ khoa có hoàn cảnh khó khăn đã vươn lên để thực hiện ước mơ giảng đường của mình.

Chàng thủ khoa nghèo tự học làm rạng danh gia đình

Với số điểm 29 (Toán: 9.5, Lý: 9.75, Hóa: 10) chàng trai "chân đất" Nguyễn Văn Hinh (Thôn Mĩ Bi, Yên Thái, Yên Định,Thanh Hoá) trở thành tân thủ khoa Học viện Quân Y.

Ngôi nhà nhỏ của gia đình anh Nguyễn Văn Huệ và chị Lê Thị Hường mấy ngày nay không ngớt người ra vào hỏi thăm, chúc mừng vì cậu con trai út Nguyễn Văn Hinh vinh dự trở thành tân thủ khoa của ngôi trường danh tiếng - Học viện Quân Y.

Những tân thủ khoa

Hinh hạnh phúc bên gia đình

Gia đình Nguyễn Văn Hinh là gia đình thuần nông, quanh năm "bán mặt cho đất bán lưng cho trời", mẹ Hinh ngoài việc đồng áng còn tranh thủ đi bán cá ngoài chợ để kiếm thêm bó rau miếng thịt cho con khi ôn thi.

Sau mỗi thời gian ôn thi, Hinh còn phụ giúp gia đình trong việc đồng áng, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa. Không khỏi hạnh phúc, Bác Hường - mẹ Hinh rưng rưng nước mắt tâm sự: “ Khi biết tin con thủ khoa thì tôi hạnh phúc lắm, chỉ muốn khóc lên thôi. Trong thời gian ôn thi, gia đình cũng tạo điều kiện cho con học tập. Dù không giúp đỡ được nhiều cho gia đình nhưng bây giờ bù lại, Hinh trở thành thủ khoa tôi cũng hạnh phúc lắm. Không phụ công mong mỏi của gia đình”.

Những tân thủ khoa

Góc học tập treo đầy những thành tích của Hinh

Khi được hỏi vì sao nhà nghèo mà nuôi con giỏi thế, bác Hường tươi cười nói: “Nhà nông thì có cấy chi mà ăn cô, cũng chỉ ăn rau như mọi người thôi. Hôm nào đi chợ thì cố gắng kiếm cho con cá, miếng thịt để con ăn cho có chất chứ chả có chi cô à”.

Thủ khoa Đh Bách khoa đã từng định bỏ học vì...quá nghèo

Hoàn cảnh của em Trần Văn Cường (học sinh trường THPT Trần Phú, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) khiến nhiều người phải rớt nước mắt. Nhà em nghèo nhất ở xã Trung Lễ nên có lẽ ai cũng biết đến em. Những ngày này, từ sáng sớm đến tận tối khuya, ngày nào nhà của Cường cũng có người thân, hàng xóm đến chúc mừng, chung vui.

Cường đậu thủ khoa đại học Bách khoa TP. HCM với tổng điểm 28,5. Cường đã là tân thủ khoa của trường với số điểm thi lần lượt là: điểm Toán: 9; Lý: 9,25 và Hóa: 10 điểm.

Khi nói về hoàn cảnh của cậu thủ khoa này, cũng như những người hàng xóm, chúng tôi thật sự thấy lo lắng, chạnh lòng bởi em có một hoàn cảnh hết sức khó khăn.

Gia đình của Cường thuộc diện hộ nghèo. Bố em đau ốm liên miên và mắc bệnh mất trí nhớ nên chỉ quanh quẩn trong nhà, không làm được việc. Mẹ Cường ngoài thời gian đi làm ruộng thì còn đi gặt lúa, cắt cỏ thuê.

Cường là con út trong gia đình có 5 anh chị em, bố mẹ Cường không có công việc ổn định nên hoàn cảnh rất khó khăn, mọi khoản thu chi đều trông chờ vào 8 sào rau ngoài ruộng. Các anh chị của Cường vì nhà hoàn cảnh nên phải rời quê hương đi tha hương kiếm sống từ khi học hết cấp 3. Đau lòng hơn là người bố của Cường đã 10 năm nay mắc bệnh tim và mất trí nhớ, mọi việc ở nhà chỉ trông chờ vào người mẹ tóc đã điểm bạc.

Những năm vừa qua, gia đình khó khăn, Bố ốm nặng, cả gia đình suy sụp. Đã có lúc Cường đã định bỏ học để đi làm giúp mẹ trang trai thêm cuộc sống mưu sinh. Nhưng được Mẹ và bạn bè thầy cô động viên, Cường lại cố gắng đi học và đạt được thành tích đáng tự hào như ngày hôm nay, quả không phụ công của mọi người đã yêu thương.

Thế nhưng, niềm vui đậu thủ khoa đại học chưa trọn vẹn, thì chàng trai nghị lực này lại thêm 1 nỗi lo, vì hoàn cảnh gia đình sẽ càng thêm khó khăn, nếu em tiếp tục ước mơ. Người mẹ già cũng xót xa vì không biết làm cách nào có thể trang trải cho con lên đường nhập học. Mẹ của Cường nghẹn ngào chia sẻ : "Giờ trong nhà không còn một đồng tiền nào nữa. Mai mốt đây nó vào nhập trường tôi không biết xoay xở sao đây. Chắc chỉ còn cách bán nốt con bò là tài sản có giá cuối cùng của gia đình”

Những tân thủ khoa

Mẹ Cường nghẹn ngào với nỗi lo không thực hiện được ước mơ cho con

Nhà Cường nghèo nên mọi khoản đóng góp, trường đều cố gắng giúp đỡ để em không bị tự ti và phải bỏ học giữa chừng. Cũng vì biết gia đình mình nghèo nên có lần nhà trường gọi Cường đi ôn đội tuyển Quốc gia nhưng em đã từ chối. “Nhà trường đã miễn học phí, vận động giúp đỡ gia đình em. Có nhiều khi em không đủ áo ấm để mặc, sách vở cũng thiếu thốn. Vừa rồi, nhà trường cũng đã lo cho em được chiếc xe đạp để tiện đi lại” - thầy giáo của Cường chia sẻ.

Những tân thủ khoa

Căn nhà cấp 4 nơi Cường và gia đình đang sinh sống

Thế là Cường sắp trở thành chàng sinh viên đã trở thành hiện thực. Song chặng đường phía trước của em đang còn rất xa và nhiều chông gai. Liệu người mẹ ấy, cậu học trò ấy có thể vượt qua.

Nữ thủ khoa trường luật nuôi ước mơ sau 1 lần trải qua thất bại

Trần Thị Mỹ Dung (19 tuổi, H.Đức Thọ, Hà Tĩnh) là thủ khoa khối C của ĐH Luật TP.HCM. Dung thi vào ngành luật dân sự, với số điểm 26 (Văn 7,5, Địa 9,5, Sử 9).

Để gặt hái thành tích như hôm nay cô gái đã cố gắng vượt qua nỗi ám ảnh rớt đại học. Cũng khoảng thời gian nay năm ngoái, Dung nhận tin mình thi trượt học viện An ninh. Cô thi được 24 điểm nhưng trường lấy đến 27 điểm.

Những tân thủ khoa

Nhà cũng thuộc diện cận nghèo, lại là con gái cả trong gia đình 3 chị em nên sau giờ học Dung lại phụ mẹ việc đồng áng. Suốt từ thời học sinh, cô đã biết cấy lúa, phơi thóc, nhổ lạc phụ gia đình, có khi thì trông em, nấu ăn.

Trong 3 năm học phổ thông, Dung đều đạt danh hiệu Học sinh giỏi môn Văn của tỉnh Hà Tĩnh, riêng năm lớp 12 em giành giải nhì. Ngoài giỏi Văn, Dung cũng có năng khiếu vẽ.

Dung thường vẽ tranh tặng bạn bè mỗi khi rảnh. Cô Nguyễn Nữ Trang (38 tuổi, mẹ Dung) cho biết: “Là con lớn nên cháu rất ngoan, biết quán xuyến mọi việc gia đình. Nó hiền khô như đất, bảo gì cũng nghe, mắng không bao giờ cãi. Năm trước, cháu rớt đại học tôi buồn lắm nhưng khuyên nên đi thi lần nữa.

Vừa rồi, cháu thi mà tôi cứ nơm nớp sợ rớt tiếp, thế mà vẫn đậu thủ khoa”. Cô Trang cũng chia sẻ nỗi lo lắng khi con gái vào Sài Gòn học tập, nhất là về học phí. “Ngay khi biết tin cháu đậu, tôi đã tính sắp tới ngoài làm ruộng sẽ làm thêm việc gì đó để đủ lo cho Dung ăn học”, cô cho hay.

Trở thành thủ khoa nhờ gánh rau muống của mẹ

Ngôi nhà nhỏ của gia đình anh Nguyễn Kim Thoa (làm thợ nề) và chị Đào Thị Hiền (chạy chợ bán rau muống), trú phường Quảng Hưng, TP.Thanh Hóa, suốt hai ngày qua luôn rộn rã tiếng cười, niềm tự hào, kiêu hãnh khi nhận được tin mừng cậu trai út Nguyễn Kim Anh (học sinh lớp 12C6, Trường THPT Hàm Rồng, TP.Thanh Hóa) đậu thủ khoa khối B vào Học viên Quân y đóng tại Phúc La, Hà Đông, Hà Nội.

Những tân thủ khoa

Kim Anh bên cha mẹ và cô giáo chủ nhiệm (ngoài cùng bên phải) vui mừng trước kết quả mà em đạt được

Ngay khi bước chân vào lớp 10 Trường THPT Hàm Rồng, Nguyễn Kim Anh đã định hướng cho bản thân mình là tập trung học khối A để sau này thực hiện ước mơ thi vào Đại học Bách khoa hoặc Học viện Cảnh sát nhân dân. Nhưng rồi từ chia sẻ, phân tích, động viên của bố mẹ, bước sang lớp 12, em tập trung học thêm môn sinh để thi khối B vào Học viện Quân y.

Kim Anh không ngờ được chính khối thi “dự phòng” này đã mang lại cho em kết quả tốt đến vậy. “Cách đây hai hôm, cô chủ nhiệm Lê Thị Thủy gọi điện cho cháu nói là Học viện Quân y có điểm rồi. Cháu nhắn tin qua tổng đài họ báo cháu được 29 điểm, gồm: (28,25 điểm thực làm tròn 28,5 điểm cộng 0,5 điểm khu vực) và xếp trên còn có 82 bạn khác nên cháu cũng không nghĩ mình đỗ thủ khoa. Nhưng đến 20 giờ tối 21.7, cô Lê Thị Thủy gọi điện thông báo tin cháu đỗ thủ khoa nên cháu thấy quá bất ngờ”- Kim Anh chia sẻ.

Anh Thoa - bố Kim Anh - sinh năm 1970, còn vợ anh - chị Hiền sinh năm 1971 nhưng nhìn cả hai người như ở tuổi ngấp nghé ngũ tuần. Ánh mắt, khuôn mặt của cả hai vợ chồng nông dân này đều toát lên nét hồn hậu, chịu thương, chịu khó.

Anh Thoa cho biết, trước đây còn sức khỏe anh đi làm đá, nhưng mấy năm gần đây khi bước qua tứ tuần anh quay về làm thợ xây đỡ nhọc nhằn hơn. Bình quân mỗi ngày anh kiếm được từ 150-200 nghìn tiền công. Mỗi tháng làm được khoảng 20-24 công. Chị Hiền hết độ mùa màng lại quay sang chăm bẵm 2 sào đất trồng rau muống. Chiều chiều chị hái rau, sáng ra đi chợ bán được 70-100 nghìn đồng.

Những tân thủ khoa   

Những mớ rau muống nuôi ba đứa con của vợ chồng anh Thoa - Hiền học hành đỗ đạt 

 

Như vậy, tổng thu nhập của hai vợ chồng đạt khoảng 6-7 triệu đồng/tháng. Khoản tiền đó, cậu con trai thứ hai Nguyễn Kim Chung vừa hết năm thứ ba Trường Đại học Y Hà Nội đã tiêu hết 4 triệu đồng. Cả nhà 4 miệng ăn đều “nhìn” vào số tiền còn lại.

Anh Nguyễn Kim Thoa chia sẻ: “Cháu đầu tiên Nguyễn Thị Mai mới tốt nghiệp Đại học Hồng Đức, chuyên ngành tài chính ngân hàng chưa xin được việc làm. Còn thằng thứ hai hôm nọ gọi về nói “giờ con chuẩn bị sang năm tư rồi nên cần có cái máy tính xách tay để chủ động học tập”. Lâu nay cháu toàn học nhờ máy của bạn. Tôi thấy thương con, thấy tủi thân thay cho nó, nhưng khó khăn quá chưa biết mần răng được. Tôi hứa với cháu từ giờ tới cuối năm sẽ thu xếp, nếu không đủ thì cũng phải vay mượn vì tương lai của sắp nhỏ chú ạ. Còn thằng Kim Anh, giờ đỗ thủ khoa tôi lại nhớ ngày đưa anh nó đi thi đại học cũng là hôm cháu thi vào cấp ba. Cháu bảo bố cứ đưa anh đi thi, con tự đi xe đạp (10km) được. Chiếc xe đạp đó là người bạn đồng hành với cả ba đứa con của vợ chồng tôi đó”.

Minh Phượng (TH)(TH)