Đạo làm thầy trên cao nguyên đá
Giáo dục - Ngày đăng : 20:13, 19/11/2013
Tôi đã tìm đến họ, chứng kiến cuộc sống của họ. Vì sự nghiệp trồng người trên đá mà họ quên đi mọi khó nhọc, ngày đêm bám đá, bám trường, bám lớp và dạy chữ cho học sinh. Chứng kiến cuộc sống của họ, bất cứ ai cũng đều thấy cảm phục.
Lớp học “cao niên”
Trong 178 điểm trường "phủ sóng giáo dục" cho 19 xã hiện có của cao nguyên đá Đồng Văn, trường Lũng Cú được coi là trường "cao niên" nhất. Năm 1958, trường này đã có giáo viên lên dạy chữ cho học trò người Mông. Những người này, một số đã trở thành người thiên cổ, một số đã thuyên chuyển công tác và nghỉ hưu. Hiện tại, trường Lũng Cú (dịch ra nghĩa tiếng Việt là ruộng ngô) này có 365 em học sinh theo học từ lớp 1 đến lớp 5. Trân trọng người thầy, hiện tại, Lũng Cú đã có ba học sinh trở thành cô giáo, đó là các cô: Giàng Mí Say, Vừ Thị Mỉ và Ly Thị Máy. Ba cô giáo trẻ này vốn là người Mông, được các thầy giáo dưới xuôi lên truyền dạy chữ. Học xong phổ thông, theo quan điểm nhận nghĩa, trả nghĩa, họ đã đồng loạt xin vào trường sư phạm tỉnh để học. Học xong, họ lại xung phong trở về cao nguyên đá, làm cô giáo để dìu dắt thế hệ học sinh sau này.
Một lớp học “cắm bản” ở Đồng Văn
Nói về vai trò người thầy, người Mông ở Lũng Cú bảo: Người dân Lũng Cú này biết ơn các thầy cô giáo nhiều lắm! Nhờ họ đem cái chữ lên, đưa vào đầu người Mông, làm cho người Mông biết nhiều thứ. Có chữ, người Mông được đi đây đi đó, học hỏi cách làm ăn, cuộc sống ngày một đỡ tăm tối hơn.
Gần 50 năm thành lập, từ thế hệ những người thầy đầu tiên có mặt ở đất này, đến nay Lũng Cú vẫn giữ một nguyên tắc ba cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng dạy) với người dân. Ngày trước, do cuộc sống khốn khó, trẻ em ở Lũng Cú bỏ học nhiều lắm. Không quản khó ngại, những người thầy, người cô ở đây đã vượt đá đến từng nhà động viên các em. 50 năm qua, tất cả các thế hệ giáo viên ở Lũng Cú đều làm việc đó, chấp nhận khó khăn và khí hậu nghiệt ngã để gọi các em đến trường. Trước sự tận tuỵ của các thầy cô giáo, các gia đình ở đây đều phải "mủi lòng" cho con mình đến lớp. Con đến lớp học chữ, đọc được cái sách, cái báo và cách làm ăn của người miền xuôi. Cái gì hay thì học, cái gì dở thì bỏ, cứ áp dụng như vậy thấy cuộc sống mình hay hơn, thế là trẻ con nhớ trường, nhớ lớp, nhớ thầy cô.
Từ ngày có chủ trương xoá mù, các lớp học bán trú dân nuôi dần được hình thành, Lũng Cú đã đông học sinh hơn. Bằng những nguồn hỗ trợ, gần 200 em học sinh ở các xóm xa nhất trong xã như Lô Lô Chải, Cẳng Tằng, Tả Gia Khâu... đã được đến lớp, có cái ăn no bụng để ở lại trường. Biết các thầy cô giáo lên với mình là vất vả, vì con cái mình họ mới lên đây nên xã đã cử ông Thào Mý Phứ làm cấp dưỡng. Ông Phứ đã cần mẫn làm việc này được 5 năm.
Tình thầy trò là một thứ tình nghĩa thiêng liêng, nhưng ở cái cao nguyên ngút ngàn đá này, tình thầy trò đằm thắm hơn bao giờ hết. Thầy ở đây không chỉ có nghĩa là người truyền dạy chữ mà họ đã trở thành người anh, người bạn của học sinh người Mông. Ngoài việc lên lớp dạy chữ, thầy cô giáo ở Lũng Cú còn đi nương, đi rẫy, cắt tóc, gội đầu... giúp học sinh. Nói về ơn nghĩa người thầy, Thào Thị Tú, học sinh lớp 5, nhà ở Bản B Xín Mần đã tâm sự thế này: Ngoài bố mẹ thì tôi quý nhất thầy cô giáo. Học xong, tôi sẽ đi làm giáo viên về dạy chữ để cho các cô gái miền xuôi đỡ phải lên đây dạy chữ, cho họ đỡ vất vả hơn.
Hết lòng vì trò
Trên cao nguyên đá Đồng Văn, thầy giáo, cô giáo chiếm một vị trí quan trọng trong tinh thần người dân. Thế nhưng, để có được một vị trí đó, họ đã phải chấp nhận khó khăn đến khó lý giải.
Lên cao nguyên đá, đầu tiên là sự khó khăn, sau đó là tình người, tình thầy trò đã cho họ một nghị lực thích nghi để ở lại và dạy chữ. Bất chấp mọi khó khăn khắc nghiệt, vì đạo làm thầy, hiện tại đã có trên 1.000 giáo viên xung phong lên đây để dạy học. Theo ông Nguyễn Năng Khải, nguyên Trưởng phòng Giáo dục huyện thì: Khó có thể lý giải được tại sao giáo viên miền xuôi lại theo nghiệp này ở cao nguyên đá, nếu không đem đạo làm thầy và tâm huyết với nghề để lý giải. Riêng ông Khải, vốn là dân gốc ở Tuyên Quang song vì sự nghiệp trồng người, ông đã lên đây. 24 năm đánh bạn với cao nguyên đá, 9 năm ăn Tết xa nhà, di chuyển qua gần chục điểm trường đã là cả một sự kỳ diệu khẳng định cho việc đóng góp của người thầy trên cao nguyên đá này.
Học sinh trường nội trú dân nuôi xã Tả Lủng
Ở Đồng Văn, ngoài ông Khải, còn một người nữa khi nhắc đến sự nghiệp trồng người ở đây, người ta phải nhớ đến đó là ông Lê Gia Dội. Riêng ông Dội, đã 36 năm đánh bạn với cao nguyên đá, thế mà hiện tại ông vẫn một mình một phòng, còn vợ con phải "gửi gắm" ở tận Hàm Yên, cách nơi ông công tác đến gần 200 cây số. Vì sự nghiệp trồng người, vợ chồng xuân thu nhị kỳ mới gặp nhau. Tiếp chuyện, ông Dội thật thà: Nhiều lúc nghĩ cũng tội cho vợ con! Đã nhiều lần tôi nghĩ đến chuyện bỏ nghề mà về để sống gần vợ, gần con. Nhưng đi, lại thương tụi trẻ cao nguyên, nhớ đồng nghiệp nên không đành được. Thôi, đành phải vượt khó mà theo thôi, như các cụ ta vẫn nói "đã đem cái nghiệp vào thân..." ấy mà.
Đời sống sinh hoạt của giáo viên vùng cao khốn khó đủ đường! Hơn 1.000 giáo viên, họ phải toả đi 224 xóm, bản để dạy học. Người may mắn thì ở điểm trường gần, người kém may mắn thì phải vào điểm trường xa, có nơi cách trung tâm huyện tới gần 50km đường đá núi như xã Sủng Chái chẳng hạn. Giáo viên ở đây, muốn ra huyện để mua một cái gì đó đi bộ cũng mất hơn một ngày. Một năm đôi lần ra huyện mua sắm những thứ cần dùng, tíu tít tìm bạn cũ, vừa khóc, vừa cười, ăn với nhau được bữa cơm lại vội vã về trường.
Giáo viên ở đây sợ nhất là mùa khô hạn. Mùa khô hạn ở đây thường kéo dài từ tháng 9 âm lịch năm trước đến tháng 4 âm lịch của năm sau. 55% các hộ dân, trong đó có cả giáo viên ở đây sống thiếu nước sinh hoạt và khổ nhất là giáo viên nữ. Nhiều giáo viên ở các điểm trường thiếu nước đều phải mua nước để dùng. 40.000 đồng cho một can 20 lít, tiền lương có hạn, giá nước cao nên một gáo nước ở đây thường được dùng tới 5 lần. Lần đầu rửa mặt, lần thứ hai vo gạo, tiếp nữa là rửa rau, sau đó là rửa chân tay và cuối cùng là tưới cho cây trồng. Khó khăn là vậy nhưng theo thống kê, tại cao nguyên đá này rất hãn hữu mới có tình trạng giáo viên bỏ nghề và bỏ trò. Thế mới thấy, cái đạo làm thầy của dân tộc ta, đạo làm thầy của những thầy cô giáo ở cao nguyên đá Đồng Văn nó mới lớn lao đến nhường nào.
Trịnh Nguyễn