Giáo dục và chuyện đứa con bị bỏ rơi

Giáo dục - Ngày đăng : 10:42, 10/08/2013

Có rất nhiều hội thảo, công trình nghiên cứu tốn không ít tiền bạc, thời gian với quyết tâm đi tìm nguyên nhân sự xuống cấp của nền giáo dục nước nhà.

Nhưng có một sự thật mà dường như không ai muốn đối mặt: Tìm kiếm được rồi thì sẽ làm gì, khi có vẻ như những người tạo ra sản phẩm đã biết trước là nó không thể khác?

Khi tôi học lớp 5 thì Mỹ quay trở lại bắn phá miền Bắc lần thứ hai. Do nằm trong vành đai bảo vệ Hà Nội, nên quê tôi rất dễ là mục tiêu oanh kích. Để an toàn, chúng tôi không đến lớp mà học tại nhà. Tôi còn nhớ cô giáo chủ nhiệm tên là Hương, người Thạch Thất, ở trọ trong một gia đình nông dân, ngày nào cũng phải đi bộ hàng chục ki lô mét, đến tất cả các nhóm học ở các làng để giao bài cho học trò và kiểm tra xem chúng tôi học hành ra sao. Cô ăn mặc như một phụ nữ nông thôn, nghĩa là rất mộc mạc. Có bận cô vừa xuất hiện thì cũng là lúc máy bay Mỹ ầm ầm hú hét trên bầu trời. Thế là cô nhanh chóng trở thành người chỉ huy để chúng tôi xuống hầm trú ẩn có trật tự và nhanh nhất. Khi không còn đứa nào trên mặt đất, cô mới chui vào sau cùng và ngồi chắn ngoài cửa hầm. Mặc dù tiếng gầm rú của máy bay, tiếng tên lửa tầm thấp, tiếng đạn pháo thỉnh thoảng khiến cô giật mình, nhưng cô luôn giữ được một nụ cười trên miệng cùng với lời động viên: “Các em đừng sợ”. Chúng tôi hoàn toàn phó thác tính mạng mình cho cô. Không hiểu sao, dù ngồi trong căn hầm ọp ẹp, nhưng chúng tôi cùng tin rằng chẳng thể có bom đạn nào, dù khủng khiếp đến mấy, làm gì nổi chúng tôi. Còn lâu sắt thép mới có thể chạm vào được chúng tôi khi có cô ngồi chắn ở cửa hầm. Và cô giáo chủ nhiệm không chỉ khiến chúng tôi trở nên can đảm, mà còn truyền cho mỗi chúng tôi tình yêu thương lớn lao, thứ tình cảm không sách vở nào dạy được.

Tôi lên học lớp tám đúng vào năm kinh tế đất nước quẫn bách nhất. Hầu như vào mùa đông không đứa nào có đủ áo ấm.  Trong khi đó lớp học lại ở ngay cạnh cánh đồng, cửa sổ thông thống. Những hôm gió bấc tràn về chúng tôi đều co ro vì lạnh. Một hôm như thế đúng vào giờ học toán. Cô giáo dậy toán của chúng tôi tên là Hạnh, nổi tiếng là nghiêm khắc. Cô đặt ra những yêu cầu rất nghặt nghèo về tác phong cho học sinh. Ngáp hay ho thì phải che tay lên miệng. Vào lớp không được đội mũ, không được nói chuyện, không được gõ bàn…Nếu ai đó vi phạm cô sẽ mời bằng được ra ngoài, cho tới khi hết giờ của cô. Tất cả chúng tôi đều đã quen với điều đó, vì thế, cho dù rét thấu xương, không đứa nào dám đội mũ, không đứa nào dám xuýt xoa.

Nhưng hôm đó, vừa bước vào lớp, cô Hạnh phát hiện ngay ra điều đó. Cô cảm nhận được từng thớ thịt của chúng tôi đang co lại. Cô lướt nhìn khắp lớp một lượt rồi nói bằng thứ giọng xúc động: “Từ giờ trở đi, những hôm rét, vào giờ của tôi, các em có thể đội mũ. Nào, những ai có mũ thì đội cho cô xem”.

Cô lặng lẽ nhìn học sinh lôi mũ từ trong cặp, trong ngăn bàn. Rồi bỗng cô quay ra, đi rất nhanh về phía phòng ở. Lát sau cô quay lại với một chồng báo khá nặng mà cô tích cóp được. Cô nhanh chóng chia cho chúng tôi, bảo chúng tôi độn báo vào trong lớp áo.

Chúng tôi đã vượt qua những mùa đông đói, rét…theo cách đó của cô giáo dậy toán. Và cho dù đã hơn bốn mươi năm, chưa bao giờ tôi quên hình ảnh cô Hương chắn trước cửa hầm những hôm bom đạn đầy trời; chưa bao giờ tôi quên nét mặt tràn ngập niềm cảm thông của cô Hạnh khi cho chúng tôi những tờ báo thay áo ấm. Có lẽ so với những gì mà con tôi đang nhận từ nhà trường bây giờ, thì chúng tôi quá thiệt thòi. Nhưng chẳng hiểu sao trong mỗi việc sáng láng tôi làm, trong mỗi suy nghĩ của tôi hướng tới điều tử tế, lòng danh dự và trách nhiệm xã hội, đều mang dấu ấn của những gì mình được truyền dạy từ tấm lòng của thầy cô hồi đó.

Giờ đây khi nền giáo dục nước nhà, nền giáo dục luôn mơ một giấc mơ lớn, đang phải đối mặt với vô số thách thức, mà một trong số đó, thuộc về điều quan trọng nhất, là thái độ lạnh lùng, ích kỷ, thậm chí độc ác của học sinh đến mức đáng sợ mà chưa có cách nào khắc phục được, tôi chợt thấy tiếc cho những gì đã từng có dưới mỗi mái trường thực sự yên bình mấy chục năm trước.

Nguyên nhân của tình trạng đáng sợ này, cần phải nói thẳng, một phần to lớn thuộc về thái độ hành xử thực dụng của thầy cô bây giờ. Khi triết lý “tiền trao cháo múc” được công khai hoá trong những dịch vụ dạy ép, học ép, đầy sự dối trá, lừa lọc, thì tất yếu không còn chỗ cho lòng kính trọng, những tình cảm thiêng liêng. Khi một đứa trẻ chưa hề biết nửa chữ đã phải “lọc lõi” đối phó với tệ nạn tiền bạc, biết rõ rằng chúng còn lâu mới được vào học nếu bố mẹ không có tiền, làm sao chúng không lạnh lùng trước tuổi. Phải làm quen với những ngôn ngữ mặc cả chợ búa, chứng kiến những hành vi chỉ có thể xảy ra ở bến xe, nhà hàng… thì một tâm hồn trong trắng không tổn thương, vẩn đục mới là lạ. Thay vì nhớ đến thầy cô như những bậc cha mẹ tinh thần, cầm tay giúp chúng vẽ những nét đầu tiên về tương lai, thì ký ức của học trò giờ đây chỉ còn đơn giản là, chúng đã từng phải trải qua một thời rất đáng sợ, một thời kinh hãi mang tên trường học!

Nguyên nhân tiếp theo chắc chắn thuộc về gia đình, xã hội. Những gì đang xảy ra ngày ngày, từ hành động đến lời nói, từ cử chỉ đến ánh mắt, thậm chí từ cả những ý nghĩ không hình hài, được chi phối bởi thói ích kỷ, tham lam, vụ lợi của người lớn, đã cho ra thứ văn hoá bị ô nhiễm nặng bao vây bọn trẻ. Những bài học mang tính thị phạm ấy, đánh lẽ phải cực kỳ tinh tế, thì chưa bao giờ lại thô lậu và đáng sợ như bây giờ. Ngay trong chính căn nhà của mình, bọn trẻ cũng không có nổi một góc trong sạch để mơ ước, thì còn có thể tìm thấy thứ đó ở đâu?  Tất cả những yếu tố đó tạo thành môi trường phản sư phạm đến từng centimet. Nó biến thứ đầu tiên thành vô nghĩa, hoặc chí ít cũng di dạng, chính là giáo dục.

Sự phân cấp giầu, nghèo quá nhanh, quá dễ, với khoảng cách ngày một xa thường đẻ ra nhiều tệ nạn khó kiểm soát như bạo loạn, sự kỳ thị, thái độ thù hận…Quốc gia nào cũng đã, đang và còn phải đối mặt với vấn nạn này. Nền giáo dục sẽ giúp làm dịu đi các mối xung đột, hàn gắn những tổn thương xã hội, trước hết bằng việc xác lập sự công bằng, tình yêu thương không phân biệt trong đối xử ngay trên mỗi giảng đường. Vì thế nhiều nước ưu tiên đầu tư vào nền giáo dục, chọn lựa kỹ càng những người làm thầy, ngoài việc nhắm đến mục tiêu dài hạn là sự phát triển, còn như một sự chuộc lại lỗi lầm không thể khắc phục ở các lĩnh vực khác. Bọn trẻ cần phải cảm nhận được sự bình đẳng về phẩm giá, quyền sống, học tập… và chúng không thể tìm thấy những điều đó ở nơi đâu hơn được tại trường học.

Nhưng đáng tiếc thay, vì sự hạn hẹp trong tầm nhìn và vì những lý do nào khác, điều quan trọng này không nằm trong triết lý giáo dục Việt Nam, nếu xét ở các hiện tượng. Hoặc nếu có cũng chỉ là vỏ bề ngoài, với sự sơn quét hào nhoáng. Trên thực tế, nền giáo dục của chúng ta bị bỏ rơi ngay từ những người chịu trách nhiệm thiết kế, tạo tác và nuôi dưỡng nó. Họ đã biết ngay từ đầu về chất lượng kém của cái sản phẩm có tên là giáo dục. Nó được giành cho những người khác, chứ không phải con cháu họ. Họ có thừa tiền đưa con cái cháu chắt họ đến những trường học hàng đầu ở nước ngoài để học tập nên người.

Không gì tệ hơn sự cố xuý cho một sản phẩm mà mình biết là sẽ không dùng. Vì thế, trước khi định thắp lên những giấc mơ xa xôi về nền giáo dục nước nhà, hãy trả lời thật minh bạch câu hỏi: Nền giáo dục này là để cho ai?

Bậc “Vạn thế sư biểu” Khổng Tử từng dạy học trò, đại ý rằng: “Mang thứ mình không thích cho người khác, ấy là tiểu nhân vậy?”  Chẳng biết có còn ai trong số các vị nhớ điều này?

Tạ Duy Anh (Cong ly va xa hoi)