Hạ điểm chuẩn hết cỡ vẫn thiếu thí sinh
Giáo dục - Ngày đăng : 11:08, 13/04/2012
Nguy cơ đóng cửa hàng loạt ngành học
Do điểm thi của thí sinh thấp nên nhiều trường ĐH cho biết điểm chuẩn năm nay sẽ chỉ bằng mức điểm sàn của Bộ GDĐT, nghĩa là hạ thấp hết cỡ, đến mức tối đa có thể.
Tuy nhiên, ngay cả khi lấy điểm tuyển bằng điểm sàn, các trường vẫn chưa hết lo vì nếu điểm sàn năm nay vẫn giữ nguyên như năm ngoái (khối A, D là 13 điểm, khối B, C là 14 điểm) thì chắc chắn nhiều trường sẽ không thể tuyển đủ chỉ tiêu.
Ông Trần Văn Thanh, Trưởng phòng Khảo thí Đại học An Giang cho biết, với kết quả thi thấp của năm nay, nếu Bộ vẫn giữ mức điểm sàn như năm 2010, hàng loạt ngành học của trường đang đứng trước nguy cơ không tuyển đủ chỉ tiêu như ngành Trồng trọt, Chăn nuôi, sư phạm Sinh học, sư phạm Địa lý, ngay cả sư phạm Văn, sư phạm Vật lý, sư phạm Hóa học... cũng trong tình trạng này.
Ông Phạm Minh Thông, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Tây Bắc lo lắng: Kết quả thi năm nay thấp hơn nhiều so với năm ngoái. Nếu điểm sàn không thay đổi thì chỉ có khoảng 25% thí sinh trúng tuyển, nhiều ngành thuộc khối Sư phạm có nguy cơ đóng cửa vì không có thí sinh.
Cũng trong tình trạng như trên là các trường ĐH vùng khác như ĐH Tây Bắc, ĐH Hùng Vương - Phú Thọ, ĐH Bạc Liêu, ĐH Nông lâm Tp. Hồ Chí Minh…
“Phao” 33 và trông chờ vào xét tuyển NV2, NV3
Theo Điều 33 trong quy định tuyển sinh của Bộ GDĐT về việc xây dựng điểm trúng tuyển: Mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 1,0 (một điểm), giữa hai khu vực kế tiếp là 0,5 (nửa điểm); Đối với các trường đóng tại vùng dân tộc thiểu số, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng được phép lớn hơn 1,0 điểm nhưng không quá 2,0 điểm để số thí sinh trúng tuyển là người dân tộc thiểu số đạt tỷ lệ cần thiết; Đối với các trường ĐH, CĐ được giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo theo địa chỉ sử dụng và đối với những trường có nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho địa phương được phép định điểm trúng tuyển theo tỉnh, huyện, vùng với mức chênh lệch điểm giữa các tỉnh, huyện (điểm chênh lệch khu vực) lớn hơn 0,5 nhưng không quá 2,0 điểm để tuyển đủ chỉ tiêu đã được giao.
Đây chính là cái “phao” để nhiều trường bám vào với hy vọng tuyển thêm được thí sinh. Việc các trường xin Bộ cho được áp dụng Điều 33 để nới rộng điểm ưu tiên, thực tế là hạ thấp điểm trúng tuyển cho một số ngành để tuyển cho đủ thí sinh. Chính vì thế, nhiều trường cho biết, họ sẽ tiếp tục xin Bộ được áp dụng Điều 33 trong mùa tuyển sinh năm nay.
Ông Võ Văn Thắng, Phó Hiệu trưởng ĐH An Giang cho biết, với 3 ngành nông nghiệp khó tuyển, trường đã có công văn gửi Bộ để xin vận dụng Điều 33 nhằm mở rộng ưu tiên điểm cộng thêm cho các đối tượng, khu vực…, hy vọng có được nguồn tuyển ổn hơn.
Cùng với “phao” 33, các trường còn hy vọng nhiều vào việc xét tuyển NV2, NV3 với hàng nghìn chỉ tiêu. Tuy nhiên, các trường ngoài công lập vẫn không giấu được nỗi lo thường trực thiếu nguồn tuyển như năm ngoái. Năm 2011, dù đã được Bộ kéo dài thời gian xét tuyển NV3 nhưng vẫn có rất nhiều trường không thể tuyển đủ chỉ tiêu.
Nguyên Minh