Học viện Tòa án: Vững bước trên con đường phát triển

Tiêu điểm - Ngày đăng : 10:46, 10/11/2016

Thực hiện chiến lược cải cách tư pháp, trong những năm gần đây, công tác đào tạo các chức danh tư pháp là vấn đề quan trọng được Nhà nước ta quan tâm đặc biệt.

Bởi đó là yếu tố quyết định đến chất lượng của đội ngũ cán bộ tư pháp nói chung và đối với chức danh Thẩm phán nói riêng.

Với vị trí, chức năng, nhiệm vụ mang tính đặc thù, tổ chức bộ máy thống nhất từ Trung ương tới cấp huyện nên nhu cầu nhân lực của hệ thống Tòa án là rất lớn. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác đào tạo cán bộ, Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo TANDTC với quyết tâm chính trị cao đã chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng Đề án thành lập Học viện Tòa án trên cơ sở Trường Cán bộ Tòa án để tạo nguồn nhân lực cho hệ thống TAND. Quyết tâm và chủ trương trên đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các Bộ, ngành. Sau khi được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương thành lập Học viện Tòa án trên cơ sở Trường Cán bộ Tòa án, từ tháng 12/2012, Trường Cán bộ Tòa án đã tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đồng thời thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề Thẩm phán và đào tạo bậc đại học chuyên ngành.

Ngày 30/7/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1191/QĐ -TTg quyết định thành lập Học viện Tòa án. Đây là dấu mốc quan trọng, mở ra một trang mới cho công tác đào tạo cán bộ của hệ thống TAND nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và cải cách tư pháp ở nước ta. Ngay sau khi được thành lập, bên cạnh việc đào tạo nghiệp vụ xét xử, đào tạo các chức danh tư pháp của toàn bộ hệ thống TAND, năm 2016 Học viện Tòa án bắt đầu thực hiện chức năng đào tạo đại học ngành luật. Với mục tiêu đào tạo Cử nhân luật có kiến thức và kỹ năng, có thể nghiên cứu và giải quyết những vấn đề pháp luật cơ bản nói chung và trong lĩnh vực thực hiện chức năng xét xử nói riêng, chỉ trong thời gian ngắn, với quyết tâm cao khắc phục mọi khó khăn, Học viện Tòa án đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng khẩn trương xin cấp phép và mở mã ngành đào tạo Cử nhân ngành luật và thực hiện tuyển sinh thành công khóa đào tạo đại học đầu tiên trong năm học 2016 - 2017.

Học viện Tòa án xác định phương châm đào tạo cán bộ là gắn kết giữa đào tạo nghề, đào tạo kiến thức pháp luật với giáo dục, rèn luyện ý thức chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sạch, kỹ năng nghề nghiệp và kiến thức thực tiễn, dũng cảm đấu tranh vì công lý, bảo vệ pháp chế XHCN. Vì vậy, công tác tuyển chọn đầu vào được Học viện đặc biệt chú trọng ngay trong đợt tuyển sinh đại học khóa đầu tiên. Trên cơ sở hơn 400 hồ sơ dự tuyển, Học viện đã tổ chức sơ tuyển nhằm đảm bảo tuyển chọn những sinh viên có sức khỏe, kỹ năng, ngoại hình phù hợp với yêu cầu công việc. Những sinh viên vượt qua đợt sơ tuyển được xem xét tuyển sinh trên cơ sở điểm thi để lựa chọn những người có phẩm chất và năng lực đào tạo đại học. Việc xác định điểm trúng tuyển trên cơ sở lấy điểm từ cao xuống thấp đến hết chỉ tiêu, đảm bảo tính hợp lý của các khối thi, tỷ lệ nam, nữ, tỷ lệ chỉ tiêu tuyển sinh phân bổ cho các khu vực.

Học viện Tòa án: Vững bước trên con đường phát triển

Nhận hồ sơ và tiếp đón sinh viên

Ngay sau khi 212 sinh viên được thông báo trúng tuyển và hoàn thành thủ tục nhập học, ngày 23/10/2016, Học viện đã tổ chức khai giảng khóa giáo dục quốc phòng, an ninh được tổ chức ngay tại Học viện với mong muốn những ấn tượng đầu tiên của các tân sinh viên đại học Khóa I là phải gắn với trường, với lớp, với thầy cô tại Học viện. Với số lượng học viên gồm các khóa đào tạo nghiệp vụ xét xử, đào tạo chức danh Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án đang học tập tại Học viện cùng với trên 200 sinh viên khóa I đào tạo đại học chính quy vừa nhập học, Học viện Tòa án đang từng bước xây dựng và tạo ra được một môi trường học tập, sinh hoạt lành mạnh, coi trọng giá trị đạo đức và lòng yêu ngành, yêu nghề của học viên, sinh viên.

Trong thời gian tới, Học viện Tòa án xác định tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ.

Thứ nhất, với vị trí là cơ sở giáo dục đại học công lập trực thuộc TANDTC, Học viện có điều kiện nắm vững thực trạng đội ngũ cán bộ và nhu cầu về đào tạo, bồi dưỡng để trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ Tòa án. Vì vậy, trong thời gian tới, Học viện Tòa án phát huy thế mạnh của mình, trở thành cơ sở đào tạo nghề Thẩm phán có uy tín, chất lượng cao đáp ứng công cuộc cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

Thứ hai, Học viện nghiên cứu xây dựng để ổn định chương trình đào tạo các chức danh tư pháp có tính thống nhất và liên thông từ bậc đào tạo đại học, sau đại học lên bậc dạy nghề để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực của hệ thống Tòa án. Học viện phối hợp chặt chẽ với Vụ Tổ chức - Cán bộ xây dựng kế hoạch tổng thể, chiến lược đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong toàn hệ thống; triển khai thực hiện nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo đội ngũ cán bộ tòa án, đáp ứng nhu cầu của cải cách tư pháp và quá trình hội nhập quốc tế ở Việt Nam.

Thứ ba, Học viện tập trung nghiên cứu, đề xuất việc hoàn chỉnh bộ máy các phòng, khoa, trung tâm và phát triển đội ngũ giảng viên. Để đảm bảo chất lượng giảng dạy thực sự của đội ngũ giảng viên, Học viện chủ động bổ sung nguồn giảng viên cơ hữu thông qua thi tuyển, xét tuyển và tăng cường đội ngũ giảng viên thỉnh giảng. Đồng thời, đề xuất với Vụ Tổ chức cán bộ TANDTC tiếp tục điều động, biệt phái một số cán bộ có học vị, có kinh nghiệm thực tiễn, khả năng giảng dạy từ các đơn vị của TANDTC, các TAND địa phương về làm giảng viên tại Học viện.

Thứ tư, Học viện phấn đấu nhanh chóng xây dựng, hoàn thiện hệ thống giáo trình đào tạo đại học trên cơ sở xác định rõ những giáo trình của các trường đại học, học viện khác có thể sử dụng giảng dạy những môn học lý luận chung, những môn trang bị kiến thức luật cơ bản. Một số giáo trình cần xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung kiến thức có tính chuyên ngành để vừa trang bị kiến thức cơ bản cho sinh viên, vừa trang bị những kiến thức có tính nghiệp vụ chuyên sâu về thực hành quyền tư pháp. Hệ thống tài liệu đào tạo các chức danh tư pháp được chuẩn hóa thành giáo trình đào tạo theo từng cấp độ và từng chức danh cụ thể. Nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo nghề cho các chức danh Tòa án đảm bảo một tỷ lệ thích hợp giữa lý luận với những kiến thức chuyên ngành và các kỹ năng nghề nghiệp cụ thể. Chú trọng rèn luyện tư duy nghề cho người học ngay từ bậc đại học, làm tiền đề để khi tiếp tục đào tạo nghề cho họ ở bước tiếp theo sẽ tập trung vào đào tạo kiến thức chuyên sâu, các kỹ năng và thực hành nghề nghiệp. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng các chương trình đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu trong từng lĩnh vực để phân khoa, đào tạo Thẩm phán theo chuyên ngành đáp ứng yêu cầu tổ chức theo quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014 và phù hợp với xu hướng quốc tế. Mặt khác, có các học phần tự chọn và tăng thêm nhiều đợt thực tập tại Tòa án các cấp, tạo điều kiện cho học viên được tham dự hoạt động giải quyết các tranh chấp tại Tòa án, mở rộng hợp tác với các cơ sở đào tạo nước ngoài.

Học viện Tòa án: Vững bước trên con đường phát triển

Ký nhận bàn giao phòng ở và tư trang cho sinh viên

Thứ năm, tăng cường đầu tư nguồn lực, xây dựng cơ sở vật chất cho Học viện đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô đào tạo, trước mắt là tiếp tục triển khai xây dựng trên diện tích 5 ha liền kề đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt. Đối với các hạng mục như hệ thống thư viện, giảng đường, ký túc xá, nhà giáo dục thể chất… đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng, Học viện sẽ xây dựng các dự án, xác định nhu cầu kinh phí cho hoạt động và nâng cấp chất lượng báo cáo Lãnh đạo, Ban cán sự TANDTC quyết định.

Thứ sáu, triển khai mạnh mẽ các hoạt động hợp tác quốc tế và đi sâu vào hợp tác đào tạo nâng cao năng lực cho các chức danh tư pháp và các hoạt động trao đổi nghiệp vụ. Tiếp tục thực hiện các chương trình đào tạo cho Tòa án nước bạn Lào. Thông qua sự hợp tác giữa TANDTC Việt Nam với Tòa án tối cao Hàn quốc, Học viện đã thực hiện được hai Dự án giai đoạn một và hai, định hướng phát triển giai đoạn ba. Từ sự hợp tác thành công nói trên, thông qua TANDTC, Học viện đã chủ động xúc tiến các dự án trao đổi kinh nghiệm đào tạo với Trường Đào tạo Thẩm phán quốc gia Pháp và thỏa thuận hợp tác với Trường Đại học Tư pháp quốc gia Liên bang Nga.

Học viện Tòa án: Vững bước trên con đường phát triển

Bữa ăn đầu tiên tại nhà ăn Ký túc xá sinh viên

Trước những yêu cầu của xã hội, để giải quyết tốt mối quan hệ giữa mở rộng quy mô đào tạo và chất lượng đào tạo, nhiệm vụ đặt ra trước mắt cũng như lâu dài đối với Học viện Tòa án là hết sức nặng nề. Học viện xác định tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp cụ thể và thiết thực; thiết kế chương trình, đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo; củng cố, kiện toàn đội ngũ giảng viên, nghiên cứu tham khảo và tiếp thu những kinh nghiệm đào tạo tiên tiến của các nước khác phù hợp với điều kiện của đất nước; đẩy mạnh phát triển và áp dụng công nghệ thông tin hiện đại, đồng bộ… từ đó, tạo nên sự chuyển biến mạnh về quản lý và chất lượng đào tạo Thẩm phán và các chức danh tư pháp khác thuộc hệ thống Tòa án, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực có trình độ cao phục vụ công cuộc cải cách tư pháp, hội nhập kinh tế quốc tế.

Với những kết quả bước đầu trên con đường phấn đấu trở thành cơ sở đào tạo các chức danh tư pháp có uy tín trong nước, Học viện từng bước vươn lên ngang tầm khu vực. Với quyết tâm chính trị cao của Ban cán sự, Lãnh đạo TANDTC và đồng lòng quyết tâm của toàn thể các thầy, cô giáo, cán bộ, viên chức, ngưởi lao động cùng sinh viên, học viên của Học viện, tin rằng Học viện Tòa án sẽ vững bước trưởng thành, trở thành trung tâm đào tạo các chức danh tư pháp uy tín, ngang tầm khu vực, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống Tòa án theo yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của công cuộc cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

PV