Các cơ quan báo chí hãy sát cánh cùng TAND
Tiêu điểm - Ngày đăng : 17:05, 20/09/2016
Đó là mong muốn của Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn tại buổi Họp báo ngày 20/9 giữa TANDTC với 40 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.
TAND các cấp hoàn thành tốt chỉ tiêu đề ra
Theo kết quả tổng hợp của TANDTC, từ ngày 1/10/2015 đến 31/7/2106, số lượng các loại vụ việc mà các Tòa án phải thụ lý, giải quyết tăng hơn cùng kỳ năm trước do tình hình tội phạm và các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính vẫn diễn biến phức tạp; thẩm quyền của Tòa án được mở rộng. Cùng với yêu cầu phải làm tốt công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án, các Tòa án còn phải tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy theo quy định của Luật Tổ chức TAND 2014; tổ chức triển khai thi hành BLHS (sửa đổi); BLDS (sửa đổi); BLTTHS (sửa đổi); BLTTDS (sửa đổi) và Luật TTHC (sửa đổi)...
Mặc dù còn nhiều khó khăn về đội ngũ cán bộ, Thẩm phán cũng như điều kiện cơ sở vật chất, nhưng do chủ động đề ra nhiều chương trình, giải pháp cụ thể nên kết quả công tác của các Tòa án tiếp tục có những chuyển biến tích cực. TAND các cấp đã giải quyết 320.513 vụ án các loại, tăng hơn cùng kỳ năm trước 25.192 vụ, số vụ án còn lại hầu hết còn trong thời hạn luật định và đang được tiếp tục xem xét, giải quyết. Các Tòa án đã đẩy mạnh tranh tụng tại phiên tòa; chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội; số lượng các phiên tòa xét xử lưu động và các vụ án dân sự hòa giải thành đạt cao hơn cùng kỳ năm trước; việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung về cơ bản đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật…
Song song với công tác xét xử, các Tòa án đã giải quyết 11.268 hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc và cơ sở cai nghiện bắt buộc; xem xét, giải quyết 899 trường hợp đề nghị hoãn, giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại. TANDTC và các TAND cấp cao đã giải quyết 2.974 đơn (vụ) đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Bên cạnh đó, công tác thi hành án hình sự; thực hiện Luật trách nhiệm bồỉ thường của Nhà nước; công tác xây dựng pháp luật và đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật; công tác tổ chức cán bộ, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ; công tác Hội thẩm TAND… cũng đáp ứng yêu cầu, chỉ tiêu đề ra. Trong 10 tháng công tác đầu năm 2016, TAND các cấp đã góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Cũng tại buổi họp báo, TANDTC đã giới thiệu mẫu áo choàng xét xử của Thẩm phán TANDTC, Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán sơ cấp.
Giới thiệu mẫu áo choàng xét xử của Thẩm phán TAND các cấp
Từng bước xây dựng Tòa án là biểu tượng của công lý
Tại buổi họp báo, đại diện các cơ quan báo chí bày tỏ đồng thuận cao với những mặt công tác của TAND các cấp và khẳng định vị thế của TAND trong hệ thống chính trị. Các phóng viên đã đặt nhiều câu hỏi để tìm hiểu sâu hơn về những vấn đề mà nhân dân quan tâm.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức TAND năm 2014 trong bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, ông Chu Thành Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC cho biết: TANDTC đã chủ trì và tham gia xây dựng nhiều Dự án luật quan trọng có liên quan tới hoạt động của Tòa án, trình Quốc hội xem xét, thông qua. Chánh án TANDTC đã ban hành 2 Thông tư; Hội đồng Thẩm phán TANDTC ban hành 4 Nghị quyết hướng dẫn áp dụng pháp luật; hiện đang tiếp tục nghiên cứu, xây dựng 22 Nghị quyết. TANDTC đã xem xét lựa chọn 6 quyết định giám đốc thẩm để phát triển làm án lệ Tập 1; đang xem xét 18 bản án, quyết định để lựa chọn các nội dung phát triển thành án lệ Tập 2). Ngoài ra, TANDTC đã ban hành văn bản thống kê về các quy định có lợi cho người phạm tội theo quy định của BLHS năm 2015 và nhiều công văn trao đổi nghiệp vụ với Tòa án địa phương về quy định của pháp luật trong giải quyết các vụ án; phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng và ban hành 4 Thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật.
Quang cảnh buổi họp báo
Đối với câu hỏi của phóng viên báo Nhân dân về việc đưa trang phục là áo choàng của Thẩm phán vào công tác xét xử, ông Trần Mạnh Hùng, Phó Chánh Văn phòng TANDTC cho biết: Từ năm 2014, TANDTC đã xây dựng Đề án trang phục của Thẩm phán theo tinh thần Nghị quyết số 49/NQ-TW của Bộ Chính trị và Luật Tổ chức TAND. Qua nhiều lần tham khảo áo choàng của các Tòa án trên thế giới và thi thiết kế của các đơn vi trong nước, TANDTC đã chọn ra được mẫu trang phục của Thẩm phán TANDTC, Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán sơ cấp. Hiện nay, TANDTC đang tổ chức may đo cho Thẩm phán các cấp và chính thức thí điểm trang phục áo choàng xét xử vào đầu tháng 10/2016.
Về câu hỏi thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên thuộc TAND TP Hồ Chí Minh của phóng viên Truyền hình Quốc hội, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn bày tỏ: Việc đưa vào hoạt động Tòa gia đình và người chưa thành niên được dư luận đồng tình ủng hộ và đã có những hiệu quả bước đầu; tạo sự thân thiện giữa Tòa án và những trẻ em vị thành niên phạm tội. Điển hình là Tòa gia đình và người chưa thành niên thuộc TAND TP Hồ Chí Minh khi xét xử vụ án cướp bánh mì đã quyết định miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo Ôn Thành Tân và bị cáo Nguyễn Hoàng Tuấn mà trước đó bị TAND quận Thủ Đức xử phạt tù về hành vi cướp bánh mì. Từ nay đến đầu năm 2017, TANDTC tiếp tục thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên tại các thành phố trực thuộc Trung ương và nghiên cứu triển khai tại các TAND cấp tỉnh trong toàn quốc.
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn trả lời các câu hỏi của phóng viên
Trả lời câu hỏi của Báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh liên quan đến việc bồi thường các vụ án oan sai mà điển hình là vụ ông Trần Văn Thêm ở Bắc Ninh và ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận, ông Vũ Thế Đoàn, Phó vụ trưởng Vụ I TANDTC khẳng định: Trong thời gian qua TANDTC cũng như TAND các cấp đã tập trung rà soát những vụ án oan sai và tập trung xử lý dứt điểm. Hiện nay, TANDTC đang chỉ đạo TAND cấp cao tại Hà Nội, TAND tỉnh Bình Thuận phối hợp với các cơ quan chức năng và người bị oan sai xác định cụ thể số tiền bồi thường theo quy định để làm các thủ tục pháp lý bồi thường cho công dân bị thiệt hại theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Về vấn đề PV quan tâm hiện nay vẫn có 35 TAND cấp huyện trong toàn quốc đang phải đi thuê trụ sở làm việc, ông Bùi Danh Tiếu, Cục trưởng Cục Kế hoạch- Tài chính TANDTC cho biết đã có 14 TAND cấp huyện đang tiến hành xây dựng trụ sở, 13 TAND cấp huyện đang chuẩn bị các thủ tục để đầu tư vào đầu năm 2017, còn lại 8 TAND cấp huyện sẽ được TANDTC xây dựng nốt vào năm 2018.
Đối với câu hỏi Học viện Tòa án dự kiến làm những gì để trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao của hệ thống TAND, Phó Giáo sư- Tiến sĩ Nguyễn Đức Bình, Giám đốc Học viện Tòa án nêu rõ quá trình hình thành, xây dựng, phát triển của Học viện và việc tuyển sinh sinh viên khóa I trong năm 2016. Theo đó, từ nay đến đầu tháng 10/2016, Học viện sẽ tiếp nhận hồ sơ của các học viên mà trước đó đã dự kỳ thi của các trường đại học thuộc ngành Công an, Kiểm sát hoặc các thí sinh có nguyện vọng gắn bó với các cơ quan tư pháp. Khóa I, Học viện Tòa án sẽ nhận khoảng 200 học viên, trong những năm tiếp theo sẽ tuyển học viên theo số lượng tăng dần nhằm đáp ứng đủ nhu cầu cho TAND các cấp nói riêng và các cơ quan pháp luật nói chung.
Ông Vũ Thế Đoàn, Phó vụ trưởng Vụ I TANDTC trả lời về việc bồi thường oan sai
Các giải pháp trọng tâm công tác trong thời gian tới
Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của Tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và các chỉ tiêu, yêu cầu mà các Nghị quyết của Quốc hội đề ra, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn yêu cầu TAND các cấp tiếp tục quán triệt và triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết và các văn kiện của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, của Quốc hội về công tác tư pháp và cải cách tư pháp. Trong đó, các Tòa án phải giải quyết, xét xử các loại vụ án trong thời hạn quy định của pháp luật, khắc phục triệt để việc để các vụ án quá thời hạn xét xử do lỗi chủ quan của Tòa án. Mỗi đơn vị cần tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, đảm bảo các phán quyết của Toà án phải đúng pháp luật, bảo vệ công lý và quyền con người, quyền công dân; phấn đấu không để xảy ra việc xét xử oan hoặc bỏ lọt tội phạm; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết đơn đề nghị giám đổc thẩm, tái thẩm. Đối với các đơn vị thuộc TANDTC, cần tích cực tham gia hoàn thiện hệ thống pháp luật; làm tốt công tác tổng kết thực tiễn và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật; tổ chức triển khai thực hiện tốt các luật có liên quan tới hoạt động của Tòa án; chú trọng việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tự mình hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định.
Bên cạnh đó, TAND cần tiếp tục kiện toàn tổ chức cán bộ của các Tòa án theo mô hình Tòa án 4 cấp; tập trung công tác xây dựng Đảng và đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án các cấp trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tại Tòa án; góp phân xây dựng hình ảnh Tòa án thân thiện, “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”. Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn yêu cầu các đơn vị làm tốt phong trào thi đua; tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 05- CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tiếp tục thực hiện việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương.
Với tinh thần cởi mở, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn mong muốn các cơ quan báo chí hãy sát cánh cùng TAND, đẩy mạnh tuyên truyền về TAND các cấp trên mọi mặt, chỉ rõ những ưu điểm cần phát huy, những hạn chế tồn tại cần khắc phục để cùng TAND đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp đổi mới và quá trình cải cách tư pháp, xây dựng TAND xứng đáng là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, là biểu tượng của công lý, là chỗ dựa tin cậy của nhân dân.