Lời tuyên thệ của Chánh án và sự kỳ vọng của nhân dân
Tiêu điểm - Ngày đăng : 10:32, 13/09/2016
Ông đã trân trọng “đề nghị Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội ủng hộ và tăng cường giám sát hoạt động của Tòa án các cấp, cùng chúng tôi xây dựng Tòa án nhân dân trở thành biểu tượng của công lý, lẽ phải và niềm tin như mong đợi của nhân dân”.
Xây dựng Tòa án nhân dân trở thành biểu tượng của công lý, mục tiêu này của vị Chánh án mới TANDTC được cử tri cả nước và các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm. Trong lịch sử xã hội loài người, công lý luôn là nhu cầu thiết yếu, không kém cơm ăn, áo mặc. Để đấu tranh cho công lý, con người có thể chịu đựng đói rét, tù đày, thậm chí hy sinh tính mạng. Một chế độ tốt đẹp phải bảo đảm được công lý cho nhân dân của mình. Và cũng chỉ chế độ nào bảo vệ, bảo đảm được công lý cho nhân dân thì mới được nhân dân tin tưởng, ủng hộ. Bảo vệ và bảo đảm công lý là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống quyền lực nhà nước, nhưng trách nhiệm cao nhất và cuối cùng thuộc về quyền tư pháp.
Sự phân công này được áp dụng từ sau các cuộc cách mạng tư sản lật đổ vương quyền độc đoán, mà ý chí của nhà vua là luật pháp cao nhất. Các cuộc cách mạng này đã thiết lập chế độ dân chủ đại nghị, nghĩa là quyền lực nhà nước phải do dân bầu ra, là của dân và vì dân. Dưới chế độ đó, để tránh lạm quyền bởi bất cứ cá nhân hay thế lực nào, quyền lực nhà nước được tổ chức thành ba nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp với chức năng riêng biệt, đối trọng và kiểm soát lẫn nhau, tạo thành chiếc kiềng ba chân vững chắc: Quốc hội làm ra luật, Chính phủ tổ chức thực hiện luật pháp, và trong quá trình đó, khi có tranh chấp, mâu thuẫn giữa các cơ quan nhà nước với nhau, giữa nhà nước với người dân và giữa người dân với nhau, khi quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân bị xung đột hay xâm hại đến mức không thể tự điều hòa và giải quyết được, khi đó phải có một Tòa án căn cứ vào Hiến pháp và luật pháp mà xét xử.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại Quốc hội
Để bảo đảm việc xét xử được công bằng, khách quan, hợp lý, hay nói cách khác, để bảo đảm công lý, Tòa án được tổ chức thành một hệ thống các cơ quan chuyên trách việc xét xử bởi những thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo luật pháp. Hoạt động xét xử của Tòa án không được phép bị chi phối, tác động và chỉ đạo bởi bất cứ một quyền lực hay thế lực nào bên ngoài Tòa án và đứng trên các Thẩm phán. Chỉ có Tòa án, bằng việc xét xử bởi các Thẩm phán, thông qua các bản án, mới có quyền kết luận, có hay không có việc phạm tội, ai đúng, ai sai, và đâu là giải pháp công bằng, hợp lý phù hợp với luật pháp cho những tranh chấp, xung đột hay hành vi trái pháp luật. Cách tổ chức và phân công này có tính hợp lý khách quan của nó và trở thành mô hình phổ quát toàn cầu. Chính vì vậy mà Điều 2, Hiến pháp 2013 quy định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
Xây dựng Tòa án nhân dân trở thành biểu tượng của công lý không chỉ là một mong muốn chủ quan của người đứng đầu quyền tư pháp. Mục tiêu ấy dựa trên một cơ sở hiến định. Điều 102, Hiến pháp 2013 xác định: “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”. Nói một cách khác, kể từ Hiến pháp 2013, chỉ có TAND được thực hiện quyền tư pháp. Quy định này chấm dứt sự nhập nhằng trong pháp luật và trong nhận thức về vị trí của TAND trong nhà nước, và khẳng định: tham gia hoạt động tư pháp thì có nhiều cơ quan, nhưng thực thi quyền tư pháp, nghĩa là chức năng xét xử và phán định về công lý thì chỉ do một cơ quan đảm trách, đó là TAND.
Nói về mục tiêu xây dựng Tòa án, chắc chắn không ngẫu nhiên khi bên cạnh cụm từ “biểu tượng của công lý”, Chánh án TANDTC đã nêu thêm hai tiêu chí là “lẽ phải và niềm tin”. Không chỉ ở Việt Nam, ngay cả ở những quốc gia có trình độ pháp luật phát triển cao cũng xảy ra tình trạng công lý do Tòa án phán định lại trái với lẽ phải. Nhân dân ta từng gọi tình trạng đó là “vô phúc đáo tụng đình”, là “nén bạc đâm toạc tờ giấy”, là “mặt sắt đen sì”, là “vô cảm”. Những vụ thẩm phán, thư ký tòa bị tra tay vào còng vì nhận hối lộ, những người tù oan “xuyên thế kỷ”, “nhiều thập kỷ” đang xảy ra với tần suất ngày càng cao cho thấy rằng Tòa án vẫn hoạt động, Thẩm phán vẫn xử, án vẫn tuyên, nhưng không ít lần công lý không đi liền, không bảo vệ mà thậm chí còn phản lại lẽ phải.
Có xét xử, có tuyên án “nhân danh nước CHXHCNVN”, có thi hành án, nhưng không có lẽ phải, bởi đó chỉ là “công lý hình thức”, là “phản công lý” nấp dưới cái vỏ của một bản án. Khi tình trạng này kéo dài và trầm trọng, nhân dân sẽ mất niềm tin vào quyền tư pháp, và sự bất bình đối với cơ quan xét xử tích tụ lại, đẩy người dân tới chỗ “tự xét xử” bằng những biện pháp phi chính thống, thậm chí phi pháp.
Gắn “công lý” với “lẽ phải” là điều không cần thiết trong một điều kiện lý tưởng, bởi “công lý” đương nhiên phải là “lẽ phải”, nhưng khi gắn hai tiêu chí này với nhau, Chánh án TANDTC đã không né tránh một sự thật là vẫn còn tình trạng “công lý hình thức”, công lý không đại diện cho lẽ phải. Chỉ có không né tránh những khuyết điểm, những yếu kém đang tồn tại trong hệ thống Tòa án thì mới có thể đấu tranh khắc phục chúng, từ đó xây dựng nền tư pháp thành biểu tượng thực sự của công lý, làm cho mỗi bản án được tuyên không chỉ là “công lý được tuyên bố” mà phải luôn tượng trưng cho lẽ phải, công lý phải đồng thời là lẽ phải. Chỉ có như vậy, TAND mới có thể góp phần khôi phục niềm tin đã mất của một bộ phận không nhỏ trong nhân dân vào bộ máy công quyền nói chung và Tòa án nói riêng. Cách đặt vấn đề như vậy của Chánh án TANDTC cũng nhất quán với đường lối cải cách tư pháp của Đảng, theo đó, cải cách tư pháp lấy Tòa án làm trọng tâm, lấy xét xử làm khâu trung tâm.
Để đạt được mục tiêu “xây dựng Tòa án nhân dân trở thành biểu tượng của công lý, lẽ phải và niềm tin”, tất nhiên có rất nhiều việc phải làm. Một trong những nội dung mà Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu ra và cam kết thực hiện là thực hiện tốt nhiệm vụ Hiến pháp quy định: bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. So sánh Hiến pháp 2013 và những Hiến pháp trước đó, nhiệm vụ của TAND có sự thay đổi quan trọng. Nhiệm vụ “bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân” đã được đặt lên hàng đầu. Sự thay đổi này không chỉ là hình thức. Nó chỉ ra rằng: bản chất của chế độ dân chủ, nhiệm vụ trung tâm của một nhà nước “của dân, do dân, vì dân” là “bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân”.
Để đạt được mục tiêu đã tuyên thệ, yếu tố quyết định, tất nhiên, vẫn là con người. Chánh án cam kết “xây dựng Tòa án nhân dân trong sạch và liêm chính” và “chăm lo xây dựng đội ngũ Thẩm phán giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh để nhân danh nhà nước đưa ra các phán quyết thượng tôn pháp luật, nghiêm minh và công bằng”. Đây là những công việc cần thiết, đúng hướng, nhưng không dễ dàng. Đối với người lãnh đạo cao nhất, nó đòi hỏi sự gương mẫu cao nhất về đạo đức, về năng lực lãnh đạo, điều hành, về trình độ chuyên môn và về khả năng đoàn kết, giữ gìn kỷ cương, tinh thần công bộc và thượng tôn pháp luật của toàn hệ thống.
Dựa vào nhân dân, xây dựng mối quan hệ “vừa giám sát, vừa ủng hộ” với Quốc hội, dựa vào những lực lượng tinh hoa của đội ngũ Thẩm phán và cán bộ trong ngành, cử tri cả nước mong mỏi được chứng kiến lời tuyên thệ và cam kết của Chánh án Nguyễn Hòa Bình trở thành hiện thực sinh động hàng ngày, với từng vụ án, trong từng hành động của Thẩm phán và cán bộ Tòa án. Nhân dân không mong mỏi gì hơn, và sẽ không tiếc sức mình ủng hộ Chánh án TANDTC hoàn thành mục tiêu “xây dựng Tòa án nhân dân trở thành biểu tượng của công lý, lẽ phải và niềm tin”, bởi đó cũng là ước vọng của chính họ.