Góc Chelsea: Cấm chuyển nhượng có khi lại hay
Thể thao - Ngày đăng : 12:16, 13/11/2019
Nửa cuối mùa giải 2018/19, Chelsea khi đó đang rối như tơ vò vì những vấn đề nội bộ dưới thời Maurizio Sarri. Những kết quả không mấy khả quan của đội bóng khiến cho sức ép đè nặng lên vai vị HLV người Italia. Giữa lúc đó, Chelsea lại phải đón nhận thêm một hung tin, đó là việc CLB Tây London sẽ bị FIFA cấm chuyển nhượng ngay trong 2 phiên chợ tới.
Lênh cấm được ban bố bởi FIFA như “nhát búa” giáng thẳng vào tham vọng của một CLB “nghiện” mua sắm như The Blues. Lý do lý giải cho sự việc này chính là bởi đội chủ sân Stamford Bridge đã xuất hiện những sai phạm liên quan đến việc đăng kí cầu thủ dưới 18 mà cụ thể là trường hợp của sao mai Bertrand Traore . Trường hợp trực tiếp dẫn Chelsea tới án phạt này chính là Bertrand Traore, sao mai được CLB này kí hợp đồng năm 2011. Thời điểm đó, cầu thủ người Burkina Faso mới chỉ 16 tuổi. Theo những quy định của FIFA, các CLB không được phép kí hợp đồng chuyên nghiệp với cầu thủ dưới 18 tuổi đến từ nước ngoài, trừ khi cha mẹ họ đi cùng với lí do không liên quan đến bóng đá.
Bertrand Traore là nguồn cơn lệnh cấm chuyển nhượng của Chelsea.
Vụ việc của Bertrand Traore khiến cho FIFA đi sâu tìm hiểu và phát hiện CLB này có tới 29 vụ vi phạm đều liên quan đến chuyển nhượng cầu thủ dưới 18 tuổi. Do đó lệnh cấm Chelsea chuyển nhượng, đăng kí cầu thủ mới ở cả trong nước lẫn nước ngoài được bạn bố.
Như vậy theo lệnh của FIFA, Chelsea chỉ có thể bán cầu thủ ở phiên chợ hè 2019 và kì chuyển nhượng đông 2020 mà không được mua thêm bất cứ một cầu thủ mới nào. Lệnh cấm được thực thi bất chấp những kháng cáo sau đó của đội chủ sân Stamford Bridge. Cuối mùa giải 2018/19, sau khi giành được danh hiệu Europa League cùng Chelsea, Maurizio Sarri quyết định rời đi vì không tìm được sự đồng thuận với BLĐ. Ngôi sao số 1 đội bóng Eden Hazard cũng hoàn tất những khâu chuẩn bị cuối cùng để rục rịch về với Real Madrid. Chelsea lúc đó quả đúng như một công trường xây dựng với hàng mớ những đống vật liệu ngổn ngang. Không kiến trúc sư trưởng, không thợ chính. Và người ta bắt đầu đặt ra câu hỏi mùa tới Chelsea sẽ sống như thế nào với tình thế ngặt nghèo, vạn trùng khó khăn như vậy.
Chelsea bổ nhiệm Lampard làm HLV thời điểm CLB đã bị cấm chuyển nhượng.
Tháng 7 năm 2019, huyền thoại Frank Lampard chính thức được bổ nhiệm làm HLV trưởng của Chelsea, đem theo không ít hi vọng nhưng cũng đầy hoài nghi. Lampard mới chỉ có một mùa làm HLV ở Derby County. Mặc dù đội bóng chơi ở Championship cũng gây được ít nhiều ấn tượng thế nhưng Lampard cũng chỉ mới vào nghề và kinh nghiệm vẫn còn ư non kém. Thế nhưng BLĐ The Blues khi ấy vẫn quyết định chơi một canh bạc với Lampard, hay nói đúng ra là “chẳng thể tìm được ai phù hợp hơn”. Chẳng có một vị HLV đẳng cấp nào dám về Chelsea thời điểm này cả. Không “đầu tàu” Hazard, bị cấm chuyển nhượng hai kì và trát sa thải là thứ luôn chực sẵn với một lò xay HLV như là Chelsea. Thế nhưng Lampard đã dám đứng ra nhận trách nhiệm lớn lao ấy, và có thể nói lúc này Chelsea đang bắt đầu hái quả ngọt từ chính sự dũng cảm ấy của huyền thoại từng mang áo số 8. Có thể là "điên rồ" nếu như nói Chelsea phải cảm ơn lệnh cấm chuyển nhượng, nhưng có lẽ là nên thế thật. Không cấm chuyển nhượng, BLĐ đã chẳng chọn Lampard ngồi ghế nóng và cũng đã chẳng có một Chelsea quyến rũ, cảm xúc với lứa măng non tài năng như hiện thời.
Trở lại Chelsea theo một kịch bản “không tưởng”, Lampard phải bắt tay ngay vào công cuộc gầy dựng lại Chelsea thời kì “hậu Hazard”. Mặc dù bị cấm chuyển nhượng thế nhưng trước khi án phạt được thực thi, Chelsea vẫn kịp đem về 2 bản hợp đồng cực kì chất lượng là Christian Pulisic từ Dortmund và Mateo Kovacic từ Real Madrid.
Mặc dù thế những nhân tố còn lại là không đủ để chinh chiến mùa giải tới buộc Lampard phải gọi những tài năng trẻ của CLB từ khắp các nơi về để đôn lên đội 1 thi đấu. Những Mason Mount, Fikayo Tomori hay Tammy Abraham có cơ hội trở lại Stamford Bridge sau chuỗi ngày “cắp sách đi du học”. Do bị cấm chuyển nhượng, thế nên Lampard có toàn quyền trong việc quyết định sử dụng nhân sự tại đội một Chelsea. Ông thoải mái lựa chọn những nhân tố phù hợp với sơ đồ chiến thuật mình áp dụng mà không phải phụ thuộc vào “ý thích” hay “ thói quen” của ông chủ Roman Abrammovich. Việc nhà tài phiệt người Nga không thể nhập cảnh vào Anh lúc này có thể coi là một lợi thế lớn đối với Frankie. Vị tỷ phú dầu mỏ này chẳng thể can thiệp quá sâu vào nội bộ đội bóng sau khi lệnh cấm ban bố khiến cho Lampard trở nên dễ thở và bớt áp lực hơn rất nhiều.
Chelsea đang sống bằng hơi thở của những tài năng trẻ.
Mọi thứ bắt đầu vào guồng kể từ sau giai đoạn đầu mùa có phần bết bát. Những măng non “cây nhà lá vườn” như Mason Mount, Tomori, Abraham, Callum Hudson-Odoi đã nhanh chóng trình diễn chuỗi phong độ ấn tượng. Niềm tin của Lampard đặt vào lứa tài năng của học viện đã nhanh chóng được đáp đền. Mặc dù mới ở độ tuổi đôi mươi, thế nhưng “những đứa trẻ nhà Lampard” đã bước ra ánh sáng và thi đấu cực kì chững chạc dưới bàn tay dẫn dắt của Frankie.
Không Hazard, Mount trở thành niềm cảm hứng tấn công mới của The Blues. Tomori sau khoảng 5 trận đầu không được ra sân bây giờ đã trở thành trụ cột nơi hàng thủ. Abraham thì đang nằm ở top đầu những chân sút ghi nhiều bàn thắng nhất giải Ngoại hạng, chung mâm với những Aguero hay là Harry Kane. Sự xuất sắc của sao trẻ người Anh khiến NHM không khỏi hi vọng về một “Drogba mới” của CLB.
Bên cạnh đó, những cầu thủ được Chelsea đưa về trước đó như Kovacic hay Pulisic cũng đang dần chứng tỏ tại sao BLĐ Chelsea phải dốc hầu bao để chiêu dụ họ về Stamford Bridge ngay trước ngày lệnh cấm được thực thi. Kovacic sau một mùa giải không thể hiện được nhiều dưới thời Sarri đang trên đường trở thành số 8 hay nhất thế giới dưới sự nhào nặn của Lampard. Pulisic từng chịu không ít hoài nghi hồi đầu mùa đã vươn lên mạnh mẽ và trở thành cây “Búa thần” ở hành lang cánh trái. Cùng với đó là sự thay đổi của “nhạc trưởng” Jorginho và tiến hóa lối chơi của “siêu máy quét” Kante khiến cho Chelsea lúc này trở nên vô cùng biến ảo và khó đoán. Chuỗi trận thắng liên tiếp và vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng Premier League là thành quả không thể ngọt ngào hơn dành cho Lampard và các học trò.
Với Lampard và lứa trẻ, Chelsea hoàn toàn có quyền mơ mộng về một triều đại mới.
Chẳng CLB nào “điên rồ” tới mức lại mong muốn bị cấm chuyển nhượng cả. Barca, Atletico đã chẳng từng “khốn đốn” vì tấm thẻ bài của FIFA. Thế nhưng nói về tấm thẻ phạt dành cho Chelsea vừa qua kia âu cũng là cái tốt. Không mua sắm thêm tân binh nghĩa là những măng non sáng giá của lò đạo trẻ Chelsea vốn được biết đến là thừa mứa tài năng sẽ có cơ hội. Chưa khi nào người ta thấy một Chelsea trẻ trung, đoàn kết, quyến rũ và sống khỏe bằng chính hơi thở từ học viện của mình như bây giờ. Với Super Frankie Lampard, người Chelsea có quyền mơ về một chu kì thành công lâu dài của CLB, giống như cái cách mà Pep Guardiola đã từng thành công với Barca cùng lứa trẻ lò La Masia vậy.